| Hotline: 0983.970.780

Các nước xử phạt rất nặng với tàu cá vi phạm vùng khai thác

Thứ Sáu 19/01/2018 , 08:24 (GMT+7)

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) khẳng định, hiện nhiều nước trong khu vực đưa ra các chính sách nghiêm khắc xử lý tàu cá vi phạm vùng đánh bắt hải sản.

Nhiều nước thể hiện quyết tâm bảo đảm an ninh hàng hải, chủ quyền vừa chấp hành quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có các khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC).

Trả lời PV NNVN, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư diễn giải rõ hơn về điều đó.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT


Tàu cá Việt Nam vi phạm đã giảm

Đề nghị Cục Kiểm ngư cho biết, các hành động thiết thực của Việt Nam sau khuyến cáo của EC?

Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ khắc phục các khuyến nghị đó. Hành động trước hết thể hiện ở tầm quốc gia đó là việc chúng ta đã luật hóa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU để đưa vào nội dung Luật Thủy sản được Quốc hội biểu quyết ban hành vào tháng 10 năm 2017.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã làm việc với Đại sứ EC tại Việt Nam. Xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp. Xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về khai thác IUU.

Chúng ta cũng đã tăng cường công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để Việt Nam gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của LHQ, Hiệp định biện pháp của các quốc gia có cảng của FAO. Xây dựng kế hoạch tổng thể về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra, kiểm tra tại cảng theo khuyến nghị của EC.

Lập danh sách tàu cá khai thác IUU và công bố trên truyền thông. Tổ chức các hoạt động về khai thác IUU đến với cộng đồng ngư dân và các thành phần liên quan để hiểu về hoạt động khai thác IUU cũng như hệ quả nếu vi phạm IUU.

Thưa ông, thực tế tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm lãnh hải nước ngoài diễn ra khá phổ biến. Đề nghị ông cho biết cụ thể số lượng và danh sách các địa phương có số tàu cá vi phạm?

Năm 2017 tình hình này có giảm so với năm 2016, nhất là sau khi triển khai Công điện 732 của Thủ tướng. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt sau ngày 23/10/2017 khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản Việt Nam. Cụ thể: Khánh Hòa (1 vụ/1 tàu/5 ngư dân); Quảng Ngãi (1 vụ/2 tàu/30 ngư dân); Cà Mau (5 vụ/5 tàu/26 ngư dân).

18-12-34_img_20170815_073751
Lực lượng chức năng xử lý tàu cá vi phạm vùng đánh bắt hải sản

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 732 và Chỉ thị 45 của Thủ tướng; chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quan điểm là nếu địa phương nào tái diễn vi phạm thì chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
 

Phạt hàng chục tỷ đồng, đánh chìm tàu cá vi phạm

Hiện trạng các cảng cá của chúng ta còn quá xập xệ, tàu vào ra thiếu ghi chép, đánh bắt ở đâu, số lượng chủng loại gì vẫn không rõ. Các thuyền trưởng chưa được đào tạo bài bản. Để quản lý các hoạt động khai thác hải sản, đề nghị Cục Kiểm ngư cho biết công tác quản lý trong thời gian tới là gì?

Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình Tổng cục Thủy sản ban hành Tài liệu hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát theo hướng dẫn của EC.

Theo đó, các tỉnh ven biển cần phải tổ chức bộ phận thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường trực tại cảng cá với sự phối hợp chặt chẽ của hai lực lượng Thủy sản và Biên phòng để: (i) Kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến bao gồm, kiểm tra hồ sơ giấy tờ; kiểm tra thực tế ngư lưới cụ; các trang thiết bị đảm bảo an toàn, hàng hải và thuyền viên; (ii) Kiểm tra tàu cá cập bến, lên cá như thu nhật ký khai thác và kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được. (iii) Kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển.

Địa phương cần rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng. UBND các tỉnh ban hành quy chế phối hợp; quy chế làm việc đối với lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ; chế độ thông tin, báo cáo và xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, sử dụng hệ thống thông tin giám sát hoạt động của tàu cá (VMS) để theo dõi, kịp thời phát hiện ngăn chặn đối với các tàu cá khai thác ở vùng biển nước ngoài, các tàu hoạt động trong vùng cấm...

Phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm sát và thanh tra trên biển và tại cảng theo quy định của EC (xử phạt ở mức cao nhất đối với IUU). Đảm bảo thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác.

18-12-34_img_20170815_073952
Nghiêm khắc xử lý tàu cá vi phạm vùng đánh bắt hải sản

Công bố công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác IUU để báo cáo Chính phủ.

Đề nghị Cục Kiểm ngư cho biết kinh nghiệm của một số nước, chính quyền và ngành chức năng xử lý các tàu cá của họ vi phạm vùng đánh bắt như thế nào?

Đối với Thái Lan họ đã sửa đổi hệ thống Luật Thủy sản với các khuyến nghị và cách tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào Hệ thống Giám sát, Kiểm tra, Kiểm soát nghề cá (MCS). Chính phủ Thái Lan đã gia nhập Hiệp định về các quốc gia có cảng (PSM), triển khai việc kiểm soát chặt chẽ tại cảng trước khi tàu rời bến và cập bến, lên cá.

Chính phủ nước này đã thành lập Trung tâm Chỉ huy chống đánh bắt cá trái phép dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Triển khai lắp đặt Hệ thống Giám sát tàu cá (VMS) cho gần 6.000 tàu cá từ 30 GT trở lên để phục vụ cho việc theo dõi, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Theo Điều 43 Đạo luật B.E.2258 quy định hành vi khai thác không được cấp phép sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt hành chính đến 200.000.000 đồng.

Với In-đô-nê-xi-a thì họ dùng các biện pháp cứng rắn hơn trong bắt giữ và xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển (tập trung vào khu vực biển A-ra-phu-ra, Han-ma-he-ra và na-tu-na). In-đô-nê-xi-a kiên quyết đánh chìm tất cả tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, tăng khung hình phạt tù giam đối với thuyền trưởng 3 đến 6 năm; gửi văn bản thông báo về quyết tâm của In-đô-nê-xi-a trong vấn đề này tới cơ quan ngoại giao các nước có tàu vi phạm.

Họ tăng cường số lượng và tần suất tàu thuyền, máy bay tuần tra, giám sát biển và xem xét sử dụng máy bay không người lái vào thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra họ còn phạt tiền 20 tỷ Rupiah (38 tỷ VNĐ) đối với tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép; 3 tỷ Rupiah (gần 6 tỷ VNĐ) đối với tội sử dụng giấy phép đánh bắt giả (SIPI), 2 tỷ Rupih (gần 4 tỷ VNĐ) việc sử dụng các công cụ đánh bắt cá gây hại đến sự bền vững tài nguyên biển.

Hay như Ma-lai-xi-a, họ đã khởi động chương trình RaKam để ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp, trang bị thiết bị liên lạc hai chiều giữa lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân để thông tin, phát hiện, xử lý ngay tàu cá nước ngoài vi phạm.

Phạt tù hoặc phạt tiền đối với ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển để khai thác hải sản bất hợp pháp với các mức phạt: Thuyền trưởng phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù giam, phạt tiền là 1.000.000 ringgit tương đương 263.000 USD; thuyền viên phạt từ 2 đến 6 tháng tù giam, phạt tiền là 100.000 ringgit tương đương 26.300 USD.

Còn đối với Phi-lip-pin thì họ tăng cường các biện pháp bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển, đặc biệt là phạt từ 3 tháng đến 10 năm đối với thuyền trưởng, thuyền viên đối với hành vi sử dụng chất nổ, khai thác các loài hải sản quý hiếm; phạt từ 50.000 USD (1 tỷ VNĐ) – 1.000.000 USD (22 tỷ VNĐ) đối với các trường hợp vi phạm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo ông Hà Lê, hiện hệ thống trạm bờ đang kết nối với 10.000 máy VX-1700 được trang bị cho tàu cá, phục vụ việc xác nhận vị trí tàu trên biển. Hệ thống trạm bờ cũng đã góp phần tích cực để triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt công tác hỗ trợ ngư dân khi gặp thiên tai trên biển cũng như công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá, phát hiện ngăn chặn các hoạt động đánh bắt IUU theo khuyến nghị của EC, Luật Thủy sản năm 2017 đã quy định tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép khai thác hải sản.

Tính đến 30/6/2017, tổng số tàu cá là 109.586 tàu, trong đó tàu cá có chiều dài từ trên 15 m là 26.561 tàu. Như vậy, cần thiết phải nâng cấp hệ thống giám sát tàu cá để đảm bảo thực thi Luật Thủy sản 2017.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.