| Hotline: 0983.970.780

Cao su khai thác đối mặt bệnh nấm nguy hiểm!

Thứ Hai 28/06/2010 , 14:59 (GMT+7)

Hàng trăm ha cao su đang thu hoạch của các nhà vườn tiểu điền cũng như DN đại điền đang đau đầu trước hiện tượng rụng lá...

Nhiều cây cao su bị trụi lá, trơ cành
Hàng trăm ha cao su đang thu hoạch của các nhà vườn tiểu điền cũng như DN đại điền đang đau đầu trước hiện tượng rụng lá khiến năng suất mủ tụt nhanh, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ biến thành dịch.

Chúng tôi tìm về vùng trồng cao su xã An Thái (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) với gần 2.000 ha, nơi “la làng” đầu tiên về chuyện rụng lá tơi tả trên cây cao su khai thác ở năm thứ 2. Theo ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mấy ngày qua nghe nông dân báo lại, nhất là có nhiều hộ phải ngưng cạo hoàn toàn bởi nhiều vườn cây trụi lá, mủ cạo kém. Sau khi kiểm tra diện tích lên tới 60 ha nên xã báo cho Trạm BVTV huyện lấy mẫu đem phân tích tại Trung tâm Lai khê, Bến Cát (thuộc Viện Nghiên cứu CSVN) cho kết quả bệnh rụng lá, đây là loại bệnh nguy hiểm hơn cả bệnh phấn trắng thường gặp. “Chúng tôi không ai biết gì bệnh này, khi thấy xuất hiện thì một số ít nghĩ rằng do nắng hạn nên đem nước tưới, bón phân. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn” - ông Thành nói.

Đơn cử là trường hợp ông Hoàng Văn Đảm (ấp Tân Bình) trồng 2 ha đang khai thác năm thứ 2, gặp tôi đi cùng với ông Thành vào trưa ngày 26/5, tưởng là kỹ sư xuống hướng dẫn kỹ thuật, ông Đảm hỏi ngay: “Có thuốc gì hay hướng dẫn cho bà con với?”. Vốn là người trồng mấy ha cao su và thường xuyên tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cao su nên ông Thành đáp ngay: "Bây giờ chỉ có Anvil thôi nhưng xịt 3 lần rồi mà chưa thấy gì". Ông Đảm cho biết, sau khi thấy toàn lô rụng lá hàng loạt, ông nghĩ cây thiếu dinh dưỡng nên xịt phân bón lá, bón phân thì cây cho mủ kém lại. Hai ha có 900 cây, trước đây 1 ngày cho 90 kg mủ nước thì nay chỉ còn 60 kg. “Mấy ngày nay tôi bôi thuốc kích thích nhưng thấy mủ không tăng lên chút nào cả?”. “Ấy, ông làm vậy là chết cây, ngưng cạo đi ít bữa, tiếp tục điều trị bằng thuốc Anvil 5 SC hoặc pha với Vicarben, sau đó chuyển qua D3 (1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ )” - ông Chủ tịch HND xã khuyến cáo.

Nhiều chủ vườn khác cũng đang kêu trời như ông Mão (ấp Phú Thịnh) trồng 10 ha, ông Sơn (ấp Tân Bình) trồng 12 ha, ông Thống (ấp Tân Thái) trồng 2 ha cao su... bởi đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện phá hại trên cao su khai thác đang ở vào thời điểm mủ được giá, bình quân 18.000 đ/kg mủ nước (tương đương khoảng 60-62 triệu đồng/tấn mủ khô), cứ 1 ha (450-500 cây) mỗi lần cạo thu nhập không dưới 500 ngàn đồng nên khi vườn cây nhiễm bệnh nặng, buộc phải “úp máng” có nghĩa nông dân mất đi nguồn thu nhập hằng ngày không nhỏ. Tương tự, ở xã Phước Sang cũng có DT cao su khai thác đang nhiễm bệnh 60 ha. Theo ông Phạm Văn Sang, Chủ tịch HND xã thì có một số chủ vườn ngưng cạo cả tuần nay như hộ ông Nguyễn Văn Thành với 4 ha, ông Trần Văn Biển 2 ha... do năng suất vườn cây tụt, chất lượng mủ xuống thấp, cây phần lớn mất lá, trơ cành.

“Bệnh này từng gây thiệt hại nặng ở Sri Lanka, người ta phải nhổ bỏ và trồng lại trên 5.000 ha, chính phủ phải bồi thường cho những người trồng cao su bị thiệt hại trên 5 triệu USD; còn tại Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng có nhiều ngàn ha cao su bị hại nặng làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng và sinh trưởng đôi khi gây chết toàn bộ cây. Nhiều dòng vô tính có sinh trưởng nhanh và sản lượng cao ngày càng dễ nhiễm. Trên cây cao su, bệnh gây hại trên lá, cuống và chồi” - ông Phan Thành Dũng (Phó Viện NCCS VN).

Ghi chú:

Tại xã An Linh (nằm giáp ranh An Thái) cũng có DT trồng cao su khá lớn với 1.900 ha đang có 120 ha bị bệnh, trong đó có 30 ha bị nhiễm nặng. “Cây rụng hết lá, trơ cành giống như bị thui lửa vậy!” - ông Hoàng Văn Kim, Chủ tịch HND xã nói hình tượng. Ngày 20/6/2010, xã An Linh ra thông báo được đọc rộng rãi trên đài phát thanh về tình hình diễn biến của bệnh và tái khẳng định: “Đây là bệnh mới xuất hiện trên địa bàn, lây lan tương đối nhanh tập trung nhiều nhất là giống RRIV4 đang cho thu hoạch” đồng thời khuyến cáo người dân nên sử dụng thuốc Anvil. Có thể nói, trong trường hợp này sản phẩm Anvil của Cty Syngenta gần như chiếm “độc quyền”.

Nguồn tin NNVN còn cho biết, ngoài các nhà vườn cao su tiểu điền thì hiện một số công ty cao su như Đồng Phú, Dầu Tiếng, Tây Ninh... cũng bị “dính” bệnh rụng lá nói trên. Đặc biệt, Công ty CS Đồng Phú có nơi bị “dính” nguyên lô như ở Tân Hưng; Dầu Tiếng ở Thanh An, Đa Lộc; còn Tây Ninh ở nông trường Bến Củi. Số diện tích bị nhiễm bệnh mỗi công ty ước tính khoảng 100 ha. Hiện các đơn vị này đang nhờ sự tư vấn của Viện NCCS VN để đưa ra phương án phòng trị tốt nhất nhằm tránh sự lây lan qua các vùng trồng cao su khác. Theo TS Nguyễn Anh Nghĩa (Q.Trưởng Bộ môn BVTV - Viện NCCS VN), bệnh rụng lá do nấm Corynespora (còn gọi là bệnh đốm xương cá) thật ra nó đã xuất hiện trên cây cao su ở VN từ tháng 8/1999, phát sinh và phát triển quanh năm, nhưng lúc đó vết bệnh còn nhẹ, đặc biệt năm nay do ẩm độ và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh gây tác hại rụng lá có nơi 30-40%, tập trung vào dòng cao su vô tính RRIV như RRIV4, RRIV3, RRIV2, PB255, PB260 ở năm thứ 4 trở đi, lúc đó vườn cây đã khép tán. Nếu không điều trị kịp thời, nấm bệnh sẽ tấn công lên chồi non, cây không ra lá dẫn đến chết cây.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.