| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện giữa rừng giáng hương

Thứ Tư 19/11/2014 , 08:38 (GMT+7)

Ngay từ những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên này, tôi ngược đường biên giới, thẳng tiến về huyện Đức Cơ với hy vọng tận mắt chiêm ngưỡng rừng gỗ hương cuối cùng còn sót lại nơi vùng đất cực tây Gia Lai này.

LẠC LÕNG TRÊN… ĐẤT CỦA MÌNH

Đến đầu thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ), rời quốc lộ 19, tôi rẽ vào con đường dẫn về xã Ia Kriêng. Hai bên đường là bạt ngàn cao su, cứ ngỡ như chỉ duy nhất cây cao su đã có ở đây tự ngàn đời.

Ghé vào UBND xã Ia Kriêng, Bí thư Đảng ủy xã Siu Mế (người dân tộc J’rai) pha trà mời và vui vẻ trò chuyện. Khi tôi hỏi về rừng gỗ hương còn sót lại trên địa bàn xã, ông nói: “Cả xã này, ai mà không biết đến khu rừng quý ấy. Nhưng biết rõ nhất vẫn là già làng Grông. Để tôi đưa anh vào gặp ông ấy”.

6 km nữa để đến làng Grông. Trên xe, Bí thư Siu Mế kể chuyện về xã mình. Theo ông thì nơi mà chiếc xe đang lăn bánh, trước kia là rừng nguyên sinh với rất nhiều loại gỗ quý đặc trưng của vùng tây Trường Sơn như giáng hương, trắc, cẩm chỉ, bằng lăng… Chiến tranh đã lấy đi phần lớn diện tích rừng quý hiếm nơi đây. Tuy nhiên sau năm 1975, vùng đất biên giới miền tây Gia Lai này vẫn còn nhiều rừng lắm.

Chưa hết câu chuyện, chúng tôi đã đến làng Grông - ngôi làng J’rai bây giờ chỉ toàn nhà xây với mái tôn, mái ngói. Hôm nay, già làng Puih Bưa không đi rẫy. Ông tiếp khách theo truyền thống của người J’rai và thong thả trò chuyện. Hơn bảy mươi tuổi, tuy đã móm mém nhưng vóc dáng ông còn khỏe lắm.

Ông kể: "Người J’rai sinh sống ở đây tự thuở khai thiên lập địa, đều dựa vào rừng. Rừng cho họ cái ăn cái mặc, cho con cá dưới sông, cho con nai con hoẵng trong rừng; rừng cho họ cây gỗ quý để làm mái nhà rông cong vút, cho cái thứ lá làm men rượu cần uống đến mềm môi, rừng còn cho người J’rai nơi đây những câu chuyện cổ đẹp đến ngàn đời…".

Những năm 1990 của thế kỷ trước, làn sóng dân di cư tự do tràn vào Tây Nguyên, đã lấy đi không ít khu rừng quý nơi đây. Thêm vào đó là phong trào chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây cao su nên trên địa bàn xã, rừng tự nhiên gần như đã bị xóa sổ.

Năm 1997, trong lúc công nhân đang khai hoang rừng để trồng cao su, người dân làng Grông và làng Gà thấy khoảnh rừng gỗ quý nằm giữa hai làng sắp bị phát trắng, bèn báo lên ủy ban xã, đề nghị giữ lại khoảnh rừng này. Lãnh đạo xã báo cáo lên huyện Đức Cơ, vậy là, khu rừng 3,8 ha được gìn giữ đến ngày hôm nay.

Từ làng Grông vào khu rừng gỗ quý, chúng tôi lại xuyên qua bạt ngàn cao su- rừng cao su gần 20 năm tuổi đang chuẩn bị bước vào mùa thay lá. Đang đi, Siu Mế đập vai tôi, chỉ về phía trước, nơi có một khoảng xanh đặc trưng của rừng nguyên sinh, nói: “Rừng hương đấy!”.

Khu rừng tự nhiên gần 4 ha nằm lọt thỏm, lạc lõng giữa bạt ngàn cao su, có cảm giác như chính nó sống nhờ vào cây cao su trên mảnh đất này vậy.

CÒN MỘT CHÚT NGUYÊN SINH

Căn nhà xây, mái lợp tôn diện tích vài chục mét vuông nằm giữa khu rừng hương nguyên sinh. Đây là căn nhà mà huyện Đức Cơ đã trích ngân sách làm nên để cho hai người đàn ông tự nguyện giữ khu rừng này có nơi ăn chốn ở. Đó là sau này thôi, còn khi mới có quyết định giữ lại khu rừng này, xã giao cho nhân dân 2 làng Grông và làng Gà cắt cử nhau trông coi, vừa để bảo vệ khu rừng thoát khỏi những lưỡi cưa “lâm tặc”, vừa phát dọn và phòng cháy…

Đến năm 2011, xã khoán hẳn cho hai bảo vệ ở hẳn trong ngôi nhà này, làm công tác giữ rừng. Rơ Ma Kem (dân tộc J’rai ở làng Grông) và anh Nguyễn Hữu Mạnh (quê Hải Dương, hiện đang ở làng H’rang, xã Ia Kriêng) tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm này.

Suốt gần một buổi sáng, anh Mạnh và anh Kem dẫn tôi dạo trong khu rừng nguyên sinh. Đã đi hầu khắp Tây Nguyên nhưng thú thật, ở thời điểm rừng hiếm hoi như bây giờ, được đi dạo giữa khu rừng nguyên sinh với điệp trùng gỗ nhóm một, cứ ngỡ như đang đi giữa đại ngàn Tây Nguyên thuở hoang sơ.

Bây giờ đang là đầu mùa khô Tây Nguyên. Gió lồng lộng. Gió đưa những hạt của quả hương rơi về đất, để cho những mầm non tiếp tục đâm chồi. Già làng Puih Bưa nhặt một nắm hạt quả hương đưa cho tôi, nói: “Mong sao rừng hương này tiếp tục được giữ gìn, được sinh sôi nảy nở để con cháu đời sau biết thế nào là cây gỗ quý, thế nào là cội nguồn!”.

Mấy năm làm công tác giữ rừng, anh Mạnh và anh Kem thuộc khu rừng này như thuộc chính bàn tay mình. Hằng ngày, hai anh cầm dao đi dạo trong rừng, phát dọn vệ sinh cho rừng, đếm từng cây gỗ trên diện tích gần 4 ha này.

Rơ Ma Kem nói: “Khu rừng này còn sót lại đúng một cây gỗ trắc, còn lại chủ yếu là gỗ giáng hương với trên 2.000 cây. Nếu tính cây hương có đường kính từ 3 tấc đến 6 tấc thì có khoảng 1.200 cây. Còn lại là một ít gỗ tạp”.

Do mọc chen chúc nhau nên những cây gỗ hương nơi đây hầu hết đều thẳng tắp và cao vút, có những cây cao đến gần 50 m, phủ tán lá mát rượi và làm nơi trú ngụ cho nhiều loài chim.

Anh Mạnh chỉ những cái hố to đã kịp mọc lại cỏ xanh, nói: “Cách đây mấy năm, khi đang thi công quảng trường Đại Đoàn Kết ở thành phố Pleiku, dân làng Grông đã tự nguyện hiến tặng 20 cây gỗ hương, đường kính 15 đến 20 cm, đem về trồng quanh tượng Bác Hồ ở quảng trường, xem như món quà của dân làng dâng lên Người” (bây giờ, 20 cây gỗ hương ấy đang sống xanh tốt, là nơi bay về của nhiều loài chim quý ngay giữa lòng thành phố- PV).

Quay lại căn nhà giữ rừng, anh Mạnh pha ấm chè Bắc vừa gửi vào mời khách. Anh cho biết: "Đây là chút nước mưa cuối cùng của mùa mưa Tây Nguyên. Hóa ra ở đây, mùa mưa các anh phải hứng nước mưa để ăn uống, còn mùa khô thì vài ngày phải về làng, chở từng can nhựa đựng nước vào đây để nấu cơm, pha trà, còn tắm giặt thì… “trông cho suối không cạn nước”, anh Mạnh nói.

Hỏi về những khó khăn, hai anh cho biết: Ở đây ngoài hai anh, bà con 2 làng đều tham gia giữ rừng, hễ có người lạ vào là dân làng phát hiện và báo ngay (thảo nào lúc đang đi dạo trong rừng, anh Mạnh nhận một cuộc điện thoại của một người tên Khương- cán bộ kiểm lâm địa bàn, nói rằng nhân dân vừa báo có người lạ vào rừng, anh Mạnh nói là nhà báo, do Bí thư Đảng ủy Siu Mế đưa vào).

Cuộc sống cũng tạm ổn bởi ngoài việc tranh thủ làm kinh tế gia đình, mỗi người còn được phụ cấp 2 triệu đồng/tháng. Ở đây còn nuôi được gà, lợn, trong rừng cũng có lá để nấu canh chua… Tuy nhiên sinh hoạt của hai anh thì vẫn rất thiếu thốn. Cần nhất vẫn là một cái giếng để khỏi phải về làng chở nước, đường điện phục vụ sinh hoạt và một vài công cụ hỗ trợ, phòng khi có kẻ xấu đột nhập.

Một vài mong ước nho nhỏ như vậy để gìn giữ một khu rừng quý hiếm hoi còn sót lại- là linh hồn của người Tây Nguyên, là một nơi du lịch lý tưởng cho những ai muốn có thêm hiểu biết về rừng- có lẽ cũng không là quá với chính quyền địa phương.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm