| Hotline: 0983.970.780

Chuyện xã trên 400 cán bộ thôn: Tiền "nuôi" cán bộ hơn 300 triệu đồng/tháng

Thứ Ba 18/11/2014 , 07:20 (GMT+7)

Tổng số tiền để nuôi bộ máy một thôn khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, 39 thôn trong xã khoảng trên dưới 200 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó là 36 cán bộ xã mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng./ Chuyện ở thôn 22 hộ dân, 9 công bộc

Hội trường xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) đông nhất là dịp cuối năm. Lúc đó, các hội, đoàn thể đều nô nức tổng kết nhưng vui nhất phải nói đến cuộc họp cuối năm của xã để thông báo thu chi ngân sách, kết quả tổng hợp tiếp xúc cử tri.

Vì đông cán bộ nên lượng mời hạn chế chỉ các thành phần Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Mặt trận thôn cũng đã phải trên 20 mâm, 30-40 kg thịt lợn, 20-25 kg thịt gà.

15-15-24_dsc_8713
Chủ tịch xã Thanh Hải

Tốn kém

Giờ bộ máy trên trung ương, trên tỉnh, trên huyện có cái gì hầu như dưới xã, dưới thôn cũng có chức danh đấy. Người ta ước tính cứ trung bình tăng một chức danh cho thôn sẽ tốn bằng tiền chi cho tăng ba cán bộ xã, đó là chưa nói đến những xã có nhiều thôn như Thanh Hải phải bằng bốn, bằng năm.

Ruộng đất đã giao cho bà con, từ lâu họ tự quyết định mọi thứ từ kế hoạch sản xuất trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc ra sao, bán mua thế nào. Các ban ngành, đoàn thể hầu như không mấy khi có tác động vào những thứ đó nhưng hễ được mùa, có tí thành tích thì ngành nào, đoàn thể nào cũng nhận về mình nhưng mất mùa, khó khăn thì trách nhiệm là của chung.

Anh Vũ Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho tôi một số thông tin vắn tắt về địa phương như dân số trên 15.000 người, thu nhập bình quân đầu người trên 18 triệu đồng/năm, có 4 thôn thuộc diện 135…

Hỏi chuyện ưu, khuyết điểm của việc có đông cán bộ thôn anh bảo chỉ có lợi duy nhất là xã có thể điều hành công việc xuống thôn nhanh còn lại rất nhiều điều bất lợi. Thứ nhất là có quá nhiều đầu mối.

Trung bình bộ máy một thôn có 13 người gồm: Trưởng thôn, Phó thôn, Bí thư chi bộ, Công an viên, Thôn đội trưởng, Y tế viên thôn bản, Cộng tác viên dân số cùng 6 tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc.

Trợ cấp thấp nhất 160.000 đồng/tháng, trợ cấp cao nhất lên 920.000 đồng/tháng (Trưởng thôn, Công an viên, Bí thư chi bộ). Tổng số tiền để nuôi bộ máy một thôn khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, 39 thôn trong xã khoảng trên dưới 200 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó là 36 cán bộ xã gồm công chức, cán bộ chuyên trách, cán bộ bán chuyên trách trả lương mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng.


Đời sống người nông dân Thanh Hải còn nhiều khó khăn

Mô hình chi bộ theo thôn tỏ rõ sự không hợp lý vì vùng núi khác với đồng bằng, số lượng đảng viên ít, nếu cứ 3 đảng viên lập thành một chi bộ sẽ rất lãng phí. Ngân sách nhà nước đã ít lại nuôi bộ máy cán bộ cồng kềnh cộng với thiếu cơ chế quản lý rất dễ thâm thủng mà hiệu quả lại không cao.

Đông cán bộ ngoài tốn kém về trả lương, trợ cấp còn tốn kém về cơ sở vật chất phục vụ như nhà văn hóa, hệ thống loa đài, bàn ghế… để các công bộc họp hành. Hội nghị nào ở xã cũng phải trăm người trở lên. Đen đặc lưng với đầu. Đấy là mới chỉ mời thành phần là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Phó thôn, Công an viên, Thôn đội trưởng còn cán bộ khác thường chỉ hoạt động quanh thôn, mời ra hết hội trường phải rất lớn mới chứa xuể.

Không hiệu quả

Anh Sáng kể, hồi còn bao cấp, thủa kinh tế hợp tác thôn có rất nhiều việc, ngoài những việc trị sự như bây giờ còn thêm việc lập phương án ăn chia. Thôn phải điều nhân lực, ghi chép công điểm, thu sản phẩm, chia lại sản phẩm sau khi đã nộp một phần cho nhà nước. Khối lượng công việc khổng lồ ấy cũng chỉ cần ba người gồm Trưởng thôn, Phó thôn và Thư ký thôn. Thù lao hồi ấy của mỗi cán bộ thôn chỉ khoảng 3 tạ thóc/năm nhưng mọi việc vẫn trơn tru, đảm bảo.

Giờ ruộng đất đã giao hết về cho dân, công việc ở thôn xóm ít đi nhưng lại “mọc” ra nhất nhiều chức danh để lĩnh trợ cấp hằng tháng. Nhàn rỗi nhất ở thôn là y tế, dân số, Phó thôn, Thôn đội trưởng cùng một số tổ chức đoàn thể. Đông cán bộ nhưng không hiệu quả phần bởi chế độ thấp, không bõ bèn gì, phần bởi đông thì hay ỉ lại, dựa dẫm.

Cùng một quãng đường, cùng một người đi quanh thôn làm ba bốn việc cũng chỉ tốn một lần công (nếu đi bộ), một lần đổ xăng (nếu đi xe), hãy trả cho người đó trợ cấp gấp hai, gấp ba hiện tại sẽ nhiệt tình hơn nhiều ba, bốn người mà mỗi người chỉ một việc.


Cuộc sống người dân nghèo Thanh Hải chủ yếu dựa vào nông nghiệp

Ở những thôn 135 điều phi lý nhất là hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102 mỗi người được 80.000 đồng/năm, chỉ đủ để đổ xăng phi xe xuống xã làm một bát phở. Thay vì hỗ trợ kiểu rải mành mành như thế nên tập trung làm một mô hình sản xuất ra tấm ra món để người dân đến mà học tập.

Theo anh Sáng thì Lục Ngạn cũng có hướng lồng ghép các thôn để giảm cán bộ nhưng xã vùng cao sẽ làm trước còn xã vùng thấp như Thanh Hải thực hiện sau: Xã tôi có thể giảm được 6-7 thôn như Lòng Hồ, Vàng Hai, Khuân Yên, Lò Gạch, Hạ Một, Hạ Hai, Hạ Ba vì thôn nhỏ, vì địa giới nằm sát nhau.

Ngoài sáp nhập thôn, có thể sáp nhập luôn chức danh như Bí thư chi bộ kiêm Mặt trận để tay phải chủ trương, đường lối, tay trái tuyên truyền luôn cách thực hiện đường lối ấy. Cũng tương tự như thế trưởng thôn nên kiêm luôn Thôn đội trưởng, y tế, dân số với phụ nữ gộp vào làm một. Chức danh cần bỏ nhất hiện nay là Phó thôn vì vai trò rất mờ nhạt…

Thanh Hải hiện có khoảng 30 thôn có Bí thư chi bộ, số khác do lượng đảng viên trong thôn chưa đủ 3 người nên không thể thành lập được. Tính ra số chi bộ có 7-8 đảng viên trở xuống chiếm khoảng một nửa. Trước đây, địa phương chỉ có hơn chục Chi bộ đảng dạng liên thôn. Lượng đảng viên trong một chi bộ kiểu này khá đông, đấu tranh khá sôi nổi trước những điều chướng tai gai mắt. Từ hồi có chủ trương lập các chi bộ trực thuộc thôn, những người năng lực kém cũng cho vào làm Bí thư bởi không thì làm gì có đủ. Bí thư đã thế, chi bộ lại lèo tèo vài đảng viên, có khi phần đa là anh em cùng một họ nên cũng chẳng nói được nhau.

Bí thư không phải do dân bầu như Trưởng thôn nên năng lực rất hạn chế. Thanh Hải có trên mười trưởng thôn là đảng viên nhưng đội ngũ Bí thư lại hầu như chẳng được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn ở khóa sau.

Anh Lưu Quang Nhất là Bí thư chi bộ thôn Vàng Một. Hôm tôi đến anh đang ngồi bế con cho vợ đi làm. Trước đây các đảng viên họp ở liên chi bộ gồm mấy thôn nhưng từ năm 2009 có chủ trương tách, Vàng Một có 5 đảng viên, nghiễm nhiên thành chi bộ, anh Lưu Quang Nhất thành Bí thư, lĩnh lương 920.000 đồng/tháng. Hằng tháng, chi bộ thôn họp một lần, ngoảnh đi, ngoảnh lại có mấy người, lại phải nghĩ cách để phát triển đảng viên. Cứ hai người giới thiệu là có thêm một đảng viên mới nên giờ chi bộ thôn cũng đã có 9 người.

Nói về chuyện phát triển đảng viên kiểu như vậy đến giờ ở Thanh Hải người ta vẫn kể chuyện chi ủy viên thôn Bồng Một đi dải bả chó. Dân làng phục bắt quả tang anh này đang xách bao tải bên trong có năm con chó và ba con mèo nhưng mồm vẫn bai bải: “Chi ủy viên đây! Tôi đi công tác trên đường nhặt được mấy con chó mèo thằng nào đánh bả bỏ sót chứ không phải ăn trộm ăn cắp gì đâu nhé!”. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm