| Hotline: 0983.970.780

Cựu đại úy công an kêu oan: Tổ hợp vợ tôi bán bột mỳ sao lại bắt tội tôi?

Thứ Năm 23/11/2017 , 13:05 (GMT+7)

Ông Bùi Thanh Long, cựu đại úy công an, là con bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) và cháu nội BMVNAH, vừa gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương kêu oan về việc bị xử tội năm 1981. 

Hiện ông ở nhà số 482/21/24, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy, Cần Thơ).
 

Vụ án bán bột mỳ

Theo đơn, ông Long sinh năm 1940, tham gia cách mạng năm 1956, vào Đảng năm 1962, năm 1977 với cấp bậc đại úy, làm Phó trưởng Công an TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều bây giờ). Bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM ngày 20/11/1981 cho biết: “Năm 1978, do nạn lũ lụt, cả nước bị mất mùa, tình hình lương thực trở nên khó khăn và cấp bách đối với nhân dân, bộ đội (…) bộ đội phải ăn độn mì với tỷ lệ cao” nên Quân khu 9 có chủ trương đổi mỳ lấy gạo cho bộ đội.

17-15-39_1511175
Vợ chồng ông Long trước căn nhà tình nghĩa trong hẻm

Lúc đó, vợ ông Long là thương binh hạng 4/4, tham gia Tổ hợp làm bánh mì bằng thùng phuy, thuộc Liên hiệp Hợp tác xã. Tổ hợp do ông Nguyễn Minh Hồng (cán bộ báo Hậu Giang) làm Tổ trưởng với thành viên Trần Văn Sang, đều là cán bộ kháng chiến. Họ mua gạo ở thị trường để đổi bột mỳ, khi đổi được nhiều, làm không hết để lâu mối mọt nên chia sẻ với lò bánh mỳ lớn của bà Nguyễn Thị Phú cũng ở Cần Thơ.

Bà Phú làm không hết nên tiếp tục chia sẻ với người ở tỉnh An Giang, bị Công an tỉnh An Giang bắt. Từ đó có vụ án “Đầu cơ kinh tế”, điều tra phát hiện, khi Tổ hợp bán bột mỳ có sự gợi ý của ông Long nên ông Long cũng bị khởi tố. Tòa sơ thẩm xử cuối năm 1980 tuyên án rất nặng, nhưng phúc thẩm xem xét việc đổi gạo lấy mỳ theo chủ trương chung, và mua gạo với bán bột mỳ theo giá thị trường “trục lợi khoản tiền không nhiều” nên giảm án cho các bị cáo, riêng ông Long chuyển 18 tháng tù giam thành tù treo. Theo án phúc thẩm, các bị cáo đổi được 65,8 tấn bột mỳ và bà Phú đưa sang An Giang bán 5,8 tấn.

“Tại sao Tổ hợp vợ tôi bán bột mỳ mà lại bắt tội tôi, trong khi tôi hoàn toàn không biết gì cả?”, ông Long kêu lên như vậy và đơn của ông còn khiếu nại việc khai trừ ông khỏi Đảng. Nguyên do, ông bị khởi tố ngày 17/6/1980, nhưng ông còn là đảng viên mà quy định lúc đó, tòa không xử được nên phải đình hoãn chờ làm thủ tục khai trừ.

Ông Long kể, các cuộc họp kiểm điểm quy thêm cho ông hai tội khác, là bảo lãnh ông Trần Văn Sang bị bắt trong vụ án bán bột mỳ, ở An Giang về Cần Thơ và xin 60 két bia buôn lậu ở tỉnh Long An. Thực tế, theo hồ sơ, việc bảo lãnh ông Sang không phải ông Long mà do ông Nguyễn Minh Trình, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Hậu Giang lúc đó. Ngày 23/8/1983, ông Trình đã làm giấy xác nhận được đóng dấu Viện KSND tỉnh, ghi rõ: “Tôi thụ lý hồ sơ vụ án nên có sang An Giang nhận can phạm Trần Văn Sang về (…). Chuyến đi này hoàn toàn không có anh Bùi Thanh Long (…). Việc làm của VKS, anh Long không biết gì hết”.

Còn việc xin bia ở tỉnh Long An, xảy ra giữa năm 1979, nguyên do một cán bộ ở Cần Thơ lên TP.HCM mua bia về làm đám cưới. Theo biên bản tạm giữ ngày 15/7/1979 của Công an tỉnh Long An, chỉ có 4 thùng bia lon, 2 két bia chai và 14 chai bia rời, không phải 60 két như cuộc họp kỷ luật ông Long nêu ra. Lúc đó, ông Long có viết thư cho người anh bà con làm ở Công an tỉnh Long An để xin giùm, và được giải quyết về kịp đám cưới.

Ông Long rơm rớm nước mắt nói với phóng viên: “Các lần kiểm thảo, tôi yêu cầu được nghe đọc lại nội dung biên bản họp để tôi ký tên, nhưng không lần nào đọc lại cho tập thể, cho tôi nghe và không cho tôi ký tên vào biên bản”. Căn cứ biên bản họp, ngày 1/10/1980, Tỉnh ủy Hậu Giang cũ (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang bây giờ) ra quyết định khai trừ ông Long khỏi Đảng.
 

Nhân chứng và khẩn thiết

Một số người trong vụ việc nay còn sống ở Cần Thơ, khi nhắc lại đều khóc và sẵn sàng xác nhận sự thật. Bà Nguyễn Thị Phú, sinh năm 1938, sống ở số nhà 18/12, đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ). Bà nguyên quán ở Hà Nội, lúc đó có chồng và con tại ngũ quân đội nhưng bị xử tù khi đem bột mỳ bán ở An Giang. “Tôi xin xác nhận là trong việc thực hiện mua bán, trao đổi gạo với bột mỳ của vụ án bột mỳ năm 1980, tôi chưa từng gặp và cũng không biết ông Long, cũng không có quan hệ mua bán gì với ông Long mà chỉ trực tiếp mua bán bột mì với hai ông Hồng và Sang. Trong quá trình điều tra tôi cũng thừa nhận là tôi không quen biết và không mua bán bột mỳ với ông Long”, giấy xác nhận của bà viết.

Ông Nguyễn Minh Hồng, sinh năm 1949, nay ở số nhà 22/2B, đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, Cần Thơ), tham gia kháng chống Mỹ, khi bị xử tù là Phó phòng Hành chính quản trị báo Hậu Giang. Lúc đó, ông có vợ và 2 con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn, nên hùn vốn và làm Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất bánh mì để nuôi vợ con. Giấy xác nhận của ông viết, “việc đổi bột với Quân khu 9 và bán bột cho bà Phú là do Tổ hợp bánh mì thực hiện, tôi với anh Sang trực tiếp mua bán với bà Phú(…). Còn ông Long không tham gia bàn bạc, mua bán và chỉ đạo gì cả”.

Trong ngôi nhà cấp bốn cuối con hẻm, ông Long cho biết, đây là căn nhà tình nghĩa được quận Bình Thủy tặng và đồng đội cũ góp tiền thêm xây dựng, chớ cuộc sống mấy chục năm qua rất buồn khổ. Hồi mới bị kỷ luật, ông phải về Cà Mau nơi hoạt động cũ làm thuê để mưu sinh, ở Cần Thơ còn vợ thương binh hay ốm đau với 5 con nhỏ, con gái lớn hơn 10 tuổi phải đi bán trà đá ở bến phà, con trai thứ 4 đi bán vé số.

Theo hồ sơ, khi mới xử sơ thẩm, ngày 18/12/1980, ông Long đã bị Công an Hậu Giang “buộc thôi việc về địa phương sản xuất”. Nhiều năm sau đó, các đơn kêu oan của ông Long không được cơ quan nào trả lời, tuy nhiên, ngày 2/5/1985, Tỉnh ủy Hậu Giang có nghị quyết “chấp nhận cho đồng chí Bùi Thanh Long, đại úy Công an TP Cần Thơ nghỉ dài hạn, nay về Ban Tài chính Quản trị Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới”. Ông Long được bố trí công tác với mức lương đại úy, làm việc đến năm 1991 nghỉ hưu.

Hai vợ chồng ông đều đã gần 80 tuổi, cùng: “Khẩn thiết kính xin Ủy ban Kiểm tra Trung ương bằng trách nhiệm, quan tâm kiểm tra, xem xét sự oan ức giúp cho chúng tôi bớt buồn tủi lúc tuổi già và cũng để các con cháu an tâm trong công tác, phấn đấu tích cực vì sự nghiệp cách mạng”.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.