Ngày 31/3, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 528/KL-TTCP liên quan đến các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại tỉnh Hà Nam. Một trong những nội dung trọng tâm của kết luận là kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế qua các thời kỳ đã được phân công phụ trách hai dự án này.
Sai phạm kéo dài, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân đứng đầu Bộ Y tế, bao gồm cả Bộ trưởng và các Thứ trưởng phụ trách từng thời kỳ, do đã để xảy ra các vi phạm có tính hệ thống tại hai dự án.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, quá trình triển khai các dự án xây dựng hai bệnh viện hiện đại với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, đã tồn tại hàng loạt sai phạm kéo dài và lặp đi lặp lại ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu. Hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Theo Kết luận thanh tra, dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 lãng phí lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: IT.
Đặc biệt, theo kết luận, có tình trạng ký hợp đồng xây dựng khi chưa có thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công hay dự toán chi tiết; gói thầu thiết bị y tế Bạch Mai 01 có dấu hiệu vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu; 4 gói thầu tư vấn bị phát hiện cố ý vi phạm khi trình phương án thuê tư vấn nước ngoài mà chưa rõ về năng lực tư vấn trong nước…
Những sai phạm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, với giá trị lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng. Không những thế, còn tạo ra hệ lụy xã hội nghiêm trọng khi hai cơ sở bệnh viện hiện đại rơi vào cảnh bỏ hoang gần 10 năm, không thể đưa vào sử dụng.
Hồ sơ chuyển cơ quan điều tra
Trước những vi phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hai nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu, được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mà trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thanh tra phải ban hành kết luận trước ngày 31/3 với tiến độ và chất lượng cao.
Đoàn thanh tra kiểm tra, đánh giá gần 3.000 đầu mục tài liệu, đối chiếu với hàng nghìn quy định cũ mới khác nhau.
Phó Tổng Thanh tra bày tỏ sự xót xa khi nhìn lại hình ảnh hai bệnh viện “sừng sững, đồ sộ” được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng để cỏ mọc um tùm vì không thể vận hành, đó là hình ảnh gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, và đây là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công.
Dẫn lại bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “chống lãng phí” (tháng 10/2024): “Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề lãng phí là cơ sở lý luận và thực tiễn vô cùng đúng đắn. Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề này, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đoàn thanh tra phải thực hiện được “5 rõ”: rõ nguyên nhân, rõ sai phạm, rõ trách nhiệm, rõ thiệt hại và rõ lãng phí.
Trong đó, việc làm rõ giá trị lãng phí là một yêu cầu rất mới trong thanh tra dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, nhưng là một yêu cầu cấp thiết của xã hội đặt ra trong tình hình mới, nhằm phá tan những rào cản phát triển kinh tế xã hội, để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Được biết, Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 được triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đến nay hai dự án này vẫn dở dang và bỏ hoang.
Dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 cũng có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.
Để tháo gỡ tình trạng đình trệ kéo dài, giữa tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP, đề ra cơ chế và giải pháp cụ thể nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc tại hai dự án, với mục tiêu sớm đưa vào hoạt động trong năm nay.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Cục 5, đơn vị thực hiện chức năng đôn đốc, kiểm tra, giám sát sau thanh tra cần chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện toàn diện các nội dung kết luận, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai theo đúng quy định.