| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL đang bị tấn công từ 3 phía

Thứ Sáu 19/11/2010 , 10:30 (GMT+7)

Tại TP HCM mới đây đã diễn ra Hội thảo cao cấp lần 3 giữa Việt Nam và Hà Lan về Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Đào Xuân Học
Tại TP HCM mới đây đã diễn ra Hội thảo cao cấp lần 3 giữa Việt Nam và Hà Lan về Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. NNVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học quanh vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã thực gây tác động xấu đến ĐBSCL?

Đúng thế. ĐBSCL đang bị tấn công từ 3 phía. Thứ nhất là từ phía biển, khi mà hiện tượng nước biển dâng ở các tỉnh, TP ven biển Nam bộ đã thấy rất rõ. Bằng chứng là đỉnh triều cường tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đang tăng nhanh qua từng năm. Trước đây, đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn tăng có nguyên nhân từ việc san lấp nhiều ở vùng trũng của TP HCM.

 Nhưng 2 năm nay, hiện tượng san lấp ở vùng trũng đã gần như chấm dứt, vậy mà đỉnh triều cường vẫn ngày càng lên cao, chứng tỏ có bàn tay của nước biển dâng. Rồi nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Sóc Trăng …, mấy năm qua xâm nhập mặn ngày càng sâu, có lúc nước mặn đã “bao vây” gần như toàn tỉnh. 4 thành phố ở khu vực này cũng đang phải đối mặt với triều cường ngày càng nặng nề hơn.

 Nước biển dâng ở biển Đông có đặc điểm là đỉnh triều cao hơn chân triều, do đó triều được chuyển từ biển vào các cửa sông nhanh hơn, dẫn tới việc khi triều rút đã gây xói lở bờ biển, uy hiếp nghiêm trọng các khu rừng ngập mặn. Nước biển dâng cũng tạo nên những diễn biến mới trong các dòng sông như đẩy nước mặn vào sâu hơn, khả năng tiêu thoát nước trong mùa lũ khó hơn, nhưng bù lại, việc cấp nước cho khu vực thượng lưu sẽ được cải thiện do nước sông dâng cao hơn trước đây.

Còn mũi tấn công thứ hai bắt nguồn từ đâu?

Là từ phía thượng nguồn, mà cụ thể là các hoạt động xây dựng NM thủy điện, chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mekong, tình trạng ô nhiễm môi trường… Trong đó, việc xây dựng nhiều NM thủy điện ở thượng nguồn đang có những tác động cụ thể tới hạ nguồn như làm giảm lưu lượng nước về hạ lưu, qua đó làm giảm tổng lượng phù sa cung cấp cho ĐBSCL.

 Theo nguyên tắc thông thường, các hồ thủy điện sẽ tích nước trong mùa mưa và xả nước vào mùa khô, qua đó sẽ có tác dụng giúp điều hòa mực nước sông. Tuy nhiên, các NM điện chỉ quan tâm đến lợi ích phát điện của họ mà không chú ý tới việc tham gia điều tiết nguồn nước về hạ lưu, do đó đã và đang xảy ra tình trạng khi lũ lớn, đỉnh lũ sẽ không giảm mà còn tăng lên do ảnh hưởng của mưa cực đoan. Vào mùa kiệt, dòng chảy kiệt không những không được cải thiện mà còn kiệt hơn trước. Còn những năm lẽ ra sẽ là lũ trung bình hoặc lũ nhỏ thì sẽ không còn lũ nữa, như năm nay chẳng hạn.

Còn mối đe dọa cuối cùng, thưa Thứ trưởng?

Mũi tấn công cuối vào ĐBSCL cũng là cái đáng lo ngại nhất chính là biến đổi khí hậu sẽ tạo nên những hiện tượng thời tiết bất thường rất đáng lo ngại. Chẳng hạn nếu bão lại đổ vào ĐBSCL thì không biết thế nào? Lúc ấy, muốn di dân tránh bão cũng khó. Vì thế ngay từ bây giờ phải tính tới việc hỗ trợ người dân ĐBSCL tự tránh bão ngay trong nhà bằng cách xây dựng những bàn thờ hay nhà tắm thật kiên cố để khi có bão, người dân có thể vào núp trong những chỗ ấy.

Ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là một kế hoạch lâu dài, nhưng trước mắt, chúng ta nên làm gì?

Chúng ta cần phải xem cái gì đang bị ảnh hưởng thì giải quyết trước. Chẳng hạn, về hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, Chính phủ đã đầu tư lớn trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có hệ thống nào khép kín, do đó vẫn còn có những hạn chế không nhỏ. Khả năng đảm bảo chống lũ, chống hạn của Hệ thống thủy lợi ĐBSCL vẫn chưa cao. Những năm lũ lớn, vẫn có tới 50% diện tích bị ngập trong thời gian dài. Những năm hạn, cũng có tới 50% diện tích bị ảnh hưởng.

Vì thế, đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL là việc cần phải làm ngay trong thời gian tới. Trong đó, hệ thống đê biển và rừng phòng hộ ven biển phải được quan tâm tới đầu tiên để ứng phó kịp thời với nước biển dâng. Nền nông nghiệp ở ĐBSCL cũng cần phải có những điều chỉnh để thích hợp. Cần phải xây dựng được một nền nông nghiệp mang tính chủ động cao.

Hà Lan sẽ giúp được gì cho chúng ta trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL?

Chúng ta am hiểu khá sâu sắc về những vấn đề của ĐBSCL. Còn người Hà Lan lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với những vấn đề như thế này. Họ lại còn có những công nghệ rất tốt. Do đó, nếu kết hợp giữa sự hiểu biết của chúng ta và kinh nghiệm, công nghệ của Hà Lan, chúng tôi sẽ tự tin hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

 Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm