| Hotline: 0983.970.780

Để hồi sinh vườn trái Lái Thiêu

Thứ Tư 19/06/2013 , 10:13 (GMT+7)

Bình Dương đã có nhiều giải pháp để vực dậy ngành du lịch đầy tiềm năng của tỉnh nhà, đặc biệt là quảng bá lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín, 2013”.

Giải pháp nào giúp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu (Bình Dương) vốn bị mất thương hiệu vì cách làm ăn chụp giật, cò mồi; cộng với sâu bệnh và ô nhiễm nguồn nước? Câu hỏi này được đặt ra tại Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín, năm 2013” vừa được tổ chức.

TIỀM NĂNG, THÁCH THỨC

TX Thuận An (Bình Dương) có 6 xã, phường nằm ven sông Sài Gòn với chiều dài hơn 10 km từ phường Vĩnh Phú đến An Sơn, với một hệ thống kênh rạch dài hơn 56.000 m và có diện tích vườn cây ăn trái là 1.238 ha. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí và khá nhiều loại trái cây đặc sản.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vườn trái Lái Thiêu đã bị nhiều du khách tẩy chay vì cách làm ăn chụp giật, tăng giá vô tội vạ. Trước tình hình này, Bình Dương đã có nhiều giải pháp để vực dậy ngành du lịch đầy tiềm năng của tỉnh nhà, đặc biệt là quảng bá lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín, 2013”.

TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng: Thực tế, hình thức du lịch miệt vườn ở Lái Thiêu đã có từ trước giải phóng theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà không cần bất cứ loại hình quảng bá nào. Chính vì có lợi thế nằm dọc theo sông Sài Gòn nên việc tổ chức khai thác tuyến giao thông thủy đưa du khách đến Lái Thiêu cũng rất thuận tiện.

Hơn nữa, vùng đất Lái Thiêu còn có thêm các làng nghề sốm sứ, sơn mài, gỗ mỹ nghệ gắn với hệ thống chùa chiền, đình, miếu cổ nằm giáp ranh TP.HCM nên rất hấp dẫn để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa - lịch sử.


Du lịch miệt vườn thưởng thức trái cây tại vườn được du khách rất ưa chuộng

Hơn nữa, vùng đất Lái Thiêu có nhiều tiềm năng về cây ăn trái, với các loại trái cây đặc sản nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, dâu… Đặc biệt, măng cụt đã được xác lập kỷ lục nằm trong TOP 50 loại trái cây đặc sản của VN. Thời điểm mùa vụ trái cây rộ ở đây thường bắt đầu từ dịp tết Đoan Ngọ (5/5 ÂL) nên việc khai thác tiềm năng mùa trái chín kết hợp với giới thiệu rộng rãi ngành nghề thủ công mỹ nghệ dân gian sẽ tạo ấn tượng tốt với du khách.

Vậy nhưng, ngoài tiềm năng và lợi thế trên, các vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu đã có biểu hiện “xuống cấp” và mất mùa liên tục, sản lượng trái thu hoạch không ổn định. Do đó khiến cho số lượng du khách cũng giảm dần.

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX Thuận An, nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng của măng cụt ngày càng giảm và tiếng tăm cũng mất dần vì ảnh hưởng môi trường ngày càng xấu đi như dùng nhiều thuốc BVTV, nguồn nước ô nhiễm do khu công nghiệp xả thải, giống lai tạp... Tốc độ đô thị hóa quá nhanh làm phá vỡ cảnh quan sinh thái khiến nhiều nhà vườn thu nhập giảm nên chán nản bỏ mặc không thiết tha đầu tư vào chăm sóc.

NHÀ VƯỜN VẪN “TỰ BƠI”

Thực tế, hàng chục năm nay hoạt động tiêu thụ sản phẩm của nhà vườn vẫn phụ thuộc vào thương lái theo kiểu may nhờ rủi chịu. Vào mùa rộ thu hoạch trái cây, thương lái “quát” giá nào nhà vườn cũng đành phải gật, nếu may mắn được trả cao giá thì vui mà bị ép giá thấp biết thiệt thòi cũng đành phải cắn răng chịu đựng.

Theo các nhà vườn, không chỉ thị trường đầu ra bấp bênh mà thực trạng sâu bệnh hại vườn cây cũng rất đáng lo ngại. Hơn nữa, nguồn nước tưới tiêu cũng đang bị ô nhiễm nặng, dù nhìn ngọn cây măng vẫn xanh nhưng dưới gốc rễ thì đã bị thối đen.

Ông Nguyễn Văn Dội, nhà vườn ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định (TX Thuận An) nêu thực trạng: “Trước đây, vườn măng cụt của gia đình tôi rất ít bị sâu bệnh, dùng phân bón cũng không đáng kể. Vậy nhưng bây giờ bón phân như đổ đống nhưng vườn cây cũng chẳng khá hơn, sâu bệnh phát triển rần rần khiến nhiều cây không kịp xử lý bệnh thì bị chết khô hoặc sống còi cọc. Do vậy, nhiều khi cứ nghĩ đến măng cụt là… cụt hứng”.

Theo ông Dội, vườn măng cụt khi đã gây dựng cả trăm năm, nếu vì thoái hóa, biến chất hay thất thu mà đốn bỏ thì coi như cả đời người cũng chẳng mơ mà trồng lại được. Gia đình ông hiện có 3.000 m2 vườn trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng chủ yếu vẫn là măng cụt. Để duy trì được mức sống, ông Dội đã phải “tự bơi” đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vườn cây. Đồng thời, triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ chế biến món ăn miệt vườn như gà bóp gỏi măng cụt; gà nước sầu riêng; cá lóc nướng lá măng… phục vụ du khách.

+ PGS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã chia sẻ về mô hình du lịch sinh thái ở Hàn Quốc và gợi ý cho Lái Thiêu áp dụng: “Khi xây dựng khu du lịch lấy vườn cây ăn trái Lái Thiêu làm trọng điểm, Bình Dương cần phải chú ý yếu tố cảnh quan phối hợp, bao gồm hoa cây cảnh trang trí, biểu tượng của vùng đất và con người. Yếu tố giao thông như xây dựng hoặc cung cấp các tuyến xe công cộng đi và về, xe chuyên chở chuyên dụng dọc theo tuyến lộ chính để du khách có thể lựa chọn. Đồng thời, phải xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho vườn cây ăn trái Lái Thiêu...”.

+ “Do điều kiện tự nhiên, sản phẩm du lịch của TX Thuận An không thể tách rời với sự phát triển du lịch của vùng Đông Nam bộ. Chính vì vậy sự liên kết với TP.HCM và các tỉnh lân cận trong vùng là chiến lược quan trọng. Việc tăng cường liên kết với các tỉnh sẽ xây dựng được cơ chế hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tài nguyên du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa của địa phương”, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX Thuận An.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm