| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị xử lý thêm 7 cán bộ trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Thứ Tư 08/02/2012 , 15:41 (GMT+7)

Sau khi Thành ủy TP Hải Phòng công bố xử lý kỷ luật đối với 4 “quan” huyện, xã, Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị kỷ luật thêm 7 cán bộ ...

Sau khi Thành ủy TP Hải Phòng công bố xử lý kỷ luật đối với 4 “quan” huyện, xã, Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị kỷ luật thêm 7 cán bộ khác có liên quan đến vụ cưỡng chế.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Luân - Thư ký Liên chi hội cho biết, đã tiếp nhận thông tin Thành ủy TP Hải Phòng “trảm” 4 lãnh đạo huyện, xã để cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Luân cho biết thêm, vào chiều ngày 7/2, Phó chủ tịch Liên chi hội - ông Lương Văn Trong đã ký văn bản nêu quan điểm chưa đồng tình với việc xử lý cán bộ huyện Tiên Lãng do Thành ủy Hải Phòng công bố chiều cùng ngày.  

Ông Vũ Văn Luân (ngoài cùng bên tay phải) - Thư ký Liên chi Hội trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng: "Chúng tôi trông chờ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ..."

Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Liên chi Hội trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng còn đề nghị cách chức, buộc thôi việc, khai trừ Đảng đối với 7 cán bộ huyện Tiên Lãng gồm:

Ông Bùi Thế Nghĩa - Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng vì lý do không theo dõi, giám sát UBND huyện Tiên Lãng và các phòng ban làm đúng theo quy định pháp luật; ông Phạm Xuân Hoa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, phụ trách quản lý đất đai có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng; ông Vũ Văn Hòe - Trưởng Phòng Tư pháp huyện tư vấn, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có nhiều dấu hiệu sai phạm cá nhân; ông Vũ Hồng Chuân - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phát ngôn đi ngược quan điểm, chủ trương đường lối và ông Ngô Ngọc Khánh - Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng vì đã trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch huyện điều hành công việc trái pháp luật trong việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn... Ngoài ra, 2 lãnh đạo của xã Vinh Quang là Chủ tịch Lê Thanh LiêmBí thư xã Phạm Đăng Hoan đã trực tiếp chỉ đạo việc thu hồi, cưỡng chế đất cũng bị đề nghị cách chức, khai trừ đảng, buộc thôi việc.

Phản ứng về trường hợp Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh bị đình chỉ công tác vì thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch huyện, ông Luân bày tỏ sự không đồng tình: “Ông Khanh bị ép phải làm Trưởng ban cưỡng chế, nếu ông Khanh không thực hiện nhiệm vụ thì sẽ mất chức. Đây là việc làm có dấu hiệu ép buộc, không lành mạnh cần phải được xem xét, làm rõ”.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đề nghị được cử đại diện tham gia cuộc họp do Thủ tướng chủ trì dự kiến ngày 10/2. “Những người trong Liên chi hội đã thống nhất quan điểm và đề đạt nguyện vọng xin được gặp trực tiếp Thủ tướng tại buổi làm việc của Thủ tướng với Lãnh đạo TP Hải Phòng sắp tới” - ông Luân chia sẻ.

Trước đó, vào chiều ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng kiêm Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Thành đã công bố kết quả xử lý, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc cưỡng chế đầm tôm Đoàn Văn Vươn như sau: Kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện úy và cá nhân Bí thư Bùi Thế Nghĩa về trách nhiệm thiếu lãnh đạo kiểm tra để xảy ra hậu quả, do chưa thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của luật đất đai. Giao UBKT Thành ủy căn cứ Điều lệ đảng xem xét xử lý trách nhiệm, kiểm điểm tổ chức cá nhân theo đúng quy định. Đồng thời, BTC Thành ủy cũng chuẩn bị phương án cán bộ thay thế theo phân cấp.

Dân nửa mừng nửa lo

Có lẽ chưa bao giờ tại vùng quê thuần nông Vinh Quang (huyện Tiên Lãng - Hải Phòng), những người dân nghèo vốn chỉ chân lấm tay bùn quanh năm cặm cụi trên cánh đồng lại sốt sắng đọc báo đến thế. Những người “thạo tin” lướt qua các báo để thu thập thông tin, truyền lại cho mọi người. Người dân khắp nơi thuộc nằm lòng từng chi tiết trong câu chuyện anh nông dân Đoàn Văn Vươn chống người thi hành công vụ. Người dân chờ đợi vào một kết luận giải quyết công tâm của chính quyền, xử lý đúng người, đúng tội.

Trước thông tin “bộ sậu” liên quan cùng Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị đình chỉ công tác và kỷ luật, cả huyện Tiên Lãng xôn xao bàn tán. Cảm giác chung của mọi người là sự hả lòng hả dạ, nhưng bên cạnh đó mỗi người lại có những băn khoăn riêng.  

Trong căn lều dựng tạm, bà Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) chờ pháp luật được thực thi

Nhiều suy ngẫm nhất là những cán bộ lão thành của xã Vinh Quang. Cùng với cái thở phào của sự thực thi công lý, trên gương mặt quen thuộc của các cụ, các bác còn có cái thở dài chua xót. Bác Nguyễn Duy Cận, cán bộ hội cựu chiến binh xã Vinh Quang, chia sẻ: “Những cán bộ lão thành chúng tôi, thế hệ phải cầm súng ra chiến trường chứng kiến sự hy sinh xương máu của biết bao nhiêu đồng đội để có được cuộc sống như ngày hôm nay, cảm thấy xấu hổ và rất buồn vì sự việc. Điều chúng tôi mong muốn là Tiên Lãng đi lên, nổi tiếng cả nước về những thành tựu kinh tế, xã hội chứ không phải là những việc làm bất chấp đạo lý của một bộ phận những cán bộ lãnh đạo tha hóa, biến chất như vậy. Dù sao, sự thật đã được bóc trần. Chúng tôi sẽ tiếp tục chờ đợi sự thực thi của pháp luật”.

Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân tại thị trấn huyện Tiên Lãng, nửa mừng nửa lo: “Việc lãnh đạo địa phương bị kỷ luật là do cơ quan cấp trên nhìn nhận sự việc khách quan. Theo tôi, người dân đã có công gây dựng làm kinh tế trên khu đất nuôi trồng thủy sản sau khi lấn biển cần phải được nhà nước hỗ trợ tối đa. Chúng tôi vui vì những quyết định xử lý của Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng lo rằng nếu việc xử lý cán bộ sai phạm không triệt để sẽ gây tiền lệ xấu cho thế hệ cán bộ kế cận. Mong Nhà nước có những quyết định giải quyết sáng suốt nhằm đáp ứng được quyền lợi của rất nhiều người dân nuôi trồng thủy sản như ông Đoàn Văn Vươn”.

(Theo Dân trí)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm