| Hotline: 0983.970.780

DN xù nợ, người nuôi tôm hùm trắng tay

Thứ Ba 27/07/2010 , 12:37 (GMT+7)

Trận lụt kinh hoàng cuối 2009 gần như xoá sổ làng tôm nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung. Nhưng “vận hạn” vẫn chưa buông tha người nuôi tôm khi mà hàng trăm hộ bán tôm hùm cho một DN thì bị xù nợ.

* Sau bão trời đến... bão người

Trụ sở Cty Hoà Lộc tại thôn Hoà Lợi giờ đã “cửa đóng then cài”

Trận lụt kinh hoàng cuối 2009 gần như xoá sổ làng tôm nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung - gồm 3 xã của TX Sông Cầu (Phú Yên) đẩy người nuôi tôm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhưng “vận hạn” vẫn chưa buông tha người nuôi tôm khi mà hàng trăm hộ bán tôm hùm cho một DN thì bị xù nợ.

Những ngày này, không khí gia đình chị Lê Thị Tuyết, thôn Vịnh Hoà (Xuân Thịnh) thật nặng nề, bởi số tiền lên tới 700 triệu từ bán tôm hùm cho Cty TNHH SXTM Hoà Lộc tại TPHCM đã một năm nay vẫn chưa lấy được. Vậy là bao nhiêu công sức, tiền bạc dồn hết vào nuôi tôm hùm nay trắng tay, ngoài không có tiền để tái đầu tư nuôi tôm, chị Tuyết còn phải mang cục nợ mà trước đó đã vay ngân hàng dốc vào mấy lồng tôm hùm. Chị Tuyết kể trong nước mắt: "Cách đây khoảng 4 năm, dịch bệnh sữa trên con tôm hùm đã khiến gia đình tôi mất mấy trăm triệu. Sau dịch, hầu hết người dân tôm hùm kiệt quệ. Dịch bệnh tạm lắng, gia đình tôi làm lại từ đầu, tức là đi vay vốn để đầu tư vào nuôi tôm hùm, bởi không nuôi nó thì chẳng biết làm gì".

Đầu năm 2008, gia đình chị Tuyết đã thả hơn 1.000 con tôm hùm bông, thấy không dịch bệnh gì nên chị Tuyết mừng lắm. Nhờ được “trời thương” đàn tôm rất mau lớn, sau 18 tháng thả nuôi tôm đến ngày xuất bán, cả nhà ai cũng phấn khởi vì đợt tôm này đạt 1 tấn, với giá bán 900.000 đồng/kg, cả thảy chị Tuyết thu được 900 triệu đồng hy vọng trả được nợ cũ. Sau khi bán cho Cty TNHH Hoà Lộc, bà Nguyễn Thị Phương Mai, GĐ Cty trả ngay 200 triệu đồng, số tiền còn lại bà Mai viết giấy hẹn 1 tuần sau sẽ thanh toán hết.

Chị Tuyết kể: "Từ trước tới nay các thương lái mua tôm hùm đều mua bán theo cách này, tức là trả một ít trước, số còn lại sẽ thanh toán sau khoảng 10 ngày, chính vì vậy tôi chẳng mảy may nghi ngờ bà Mai sẽ xù nợ. Đến hẹn, không thấy bà Mai đến thánh toán tôi tìm gặp thì bà ấy cứ khất lần, rồi bà ấy không ở Phú Yên nữa mà vào Sài Gòn sinh sống, tôi lại phải lặn lội vào Sài Gòn đòi nợ, bà Mai lại làm giấy hẹn. Nhưng đến nay bà Mai vẫn không trả tiền mà có ý định trốn chạy. Cùng thôn với tôi, hiện gia đình ông Lê Văn Thành cũng bị bà Mai nợ gần 700 triệu đồng".

Chúng tôi vòng sang xã Xuân Cảnh, địa phương mà bà Mai quỵt nợ nhiều nhất với 33 hộ. Mấy tháng nay, ngư dân thôn Hòa Lợi đứng ngồi không yên, đau đáu nỗi lo mất số tiền lớn từ bán tôm hùm thương phẩm cho bà Mai. Trong 33 hộ dân bị chiếm đoạt tiền bán tôm hùm thì hộ bà Phạm Thị Xuân bị nợ nhiều nhất. Bà Xuân bức xúc: "Do quá ngày thanh toán, chúng tôi liên tục đến gặp bà Mai đòi tiền nhưng bà ấy lại bảo thư thư dăm bữa, nửa tháng sẽ thanh toán đầy đủ không thiếu một xu. Giọng ngon ngọt vậy nhưng đòi hoài đòi mãi mà bà ấy không chịu trả".

Bi đát nhất có lẽ là gia đình bà Nguyễn Thị Mùi cũng ở thôn Hoà Lợi. Ngày 14/9/2009, bà Mùi bán tôm hùm cho bà Mai được 288 triệu nhưng Cty Hòa Lộc chỉ mới trả được hơn 88 triệu. Đến ngày 5/11/2009, bà Mai viết giấy nợ 200 triệu từ bán tôm hùm của bà Mùi và hẹn 1 tháng sau sẽ trả đủ. Nhưng gần 8 tháng trôi qua, bà Mai vẫn “bặt vô âm tín”, không chịu trả nợ bà Mùi. Cuối tháng 11/2009, bà Mùi đưa con trai là Huỳnh Văn Vàng (25 tuổi) vào TPHCM chữa bệnh đến nhà bà Mai đòi nợ để trả viện phí cho con, nhưng chỉ được trả 500.000 đồng tiền tàu xe đi về. Do không lấy được tiền chữa bệnh cho con trong khi bệnh của Vàng rất nặng nên cháu đã mất sau đó. Không những vậy, do mất con, mất của, chồng bà Mùi hiện nay cũng lâm bệnh nặng. Còn số tiền nợ ngân hàng 200 triệu đã đầu tư nuôi tôm hùm, giờ bà Mùi không biết lấy đâu ra để trả nợ.

Việc bà Nguyễn Thị Phương Mai “cao chạy xa bay”, không trả nợ tiền mua tôm hùm đã khiến hàng chục hộ dân ở đây lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, không có vốn để tái đầu tư nuôi tôm. Quá bức xúc, người dân phát đơn kiện bà Mai. "Tuy nhiên không biết lý do gì mà đến nay đã 7 tháng trôi qua chúng tôi vẫn chưa được giải quyết. Bị xù nợ, người thì đi xúc đìa tôm thuê, người gánh cá mướn, nợ ngân hàng không trả được, thậm chí tiền lãi chúng tôi cũng không có mà trả"- ông Lê Văn Thành mếu máo nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty TNHH SXTM Hoà Lộc có mở chi nhánh tại thôn Hoà Lợi, xã Xuân Cảnh, bản thân bà Giám đốc Nguyễn Thị Phương Mai lại là người thôn Hoà Lợi, hiện đang làm ăn, sinh sống tại TPHCM. Giữa năm 2009, bà Mai nhờ người quen giới thiệu mua tôm hùm thương phẩm của bà con ngư dân 3 xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh và Xuân Hoà. Chính vì bà Mai là người địa phương nên khi bà con bán tôm hùm rất an tâm không nghĩ rằng mình sẽ bị xù nợ. Với phương thức mua tôm hùm trả ngay tiền mặt một ít, số tiền còn lại bà Mai viết giấy hẹn 7 ngày sau sẽ thanh toán hết.

Theo kết quả điều tra của Đồn Biên phòng 344, TX Sông Cầu, từ tháng 4/2009 đến nay đã có 43 hộ dân thuộc 3 xã trên trót bán tôm hùm cho bà Mai nhưng bị xù nợ. Tổng số tiền mà Cty Hoà Lộc còn nợ không chịu thanh toán cho bà con ngư dân lên tới 4,141 tỷ đồng, số tiền này bà con chủ yếu nợ lại ngân hàng. Trong khi đó từ cuối năm 2009, Cty Hoà Lộc đã “cửa đóng then cài”, mọi tài sản của Cty đã tẩu tán hết. Bà GĐ Mai cũng không còn ở Phú Yên mà về dinh tê vào Sài Gòn... tránh rét.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất