Nhìn qua dự án đã thấy doanh nghiệp được tỉnh chỉ định thực hiện dự án này chưa bỏ một đồng vốn, đã có bốn đồng lời…
Vì sao không đấu giá đất để đầu tư?
Nhà đầu tư được chỉ định là Cty TNHH Xây dựng Mỹ Đà có trụ sở chính tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Để có được công trình này, Thái Bình sẽ giao cho nhà đầu tư 5 khu đất với tổng diện tích đất giao theo hình thức BT cho nhà đầu tư là hơn 2,7ha, trong đó hơn 1,3ha là các khu đất nằm trên các trục tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố Thái Bình.
Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình mới sử dụng được chục năm nay sẽ bàn giao cho doanh nghiệp? |
Cụ thể gồm: Khu đất cục Thuế (trụ sở cũ) tại mặt đường Lê Lợi là 1.098m2 và Kho bạc tỉnh (cũ) liền kề với Chi cục Thuế, 2.070m2. Theo bảng giá đất của tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2015 khu vực này giá đất đã lên tới 12 - 16 triệu đồng/m2. Tính đơn giản theo đơn giá đất của tỉnh thì giá trị hai lô đất này khoảng trên 50 tỉ đồng.
Tiếp đến là khu đất Trung tâm hội nghị tỉnh ở phố Hai Bà Trưng có diện tích 8.371 m2, giá đất đường Hai Bà Trưng mà được tỉnh Thái Bình phê duyệt là 12 triệu đồng. Vậy lô đất này có giá trị trên 100 tỉ đồng. Lô đất vàng thứ 4, có vị trí trung tâm nhất, doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình giao là trụ sở của Ban Bảo vệ sức khỏe tại 276 đường Trần Thánh Tông rộng 1.682 m2. Bảng giá đất ở đây lên tới 28 triệu/m2 và giá trị của lô đất này khoảng 47 tỉ đồng. Lô đất thứ 5 nằm ở nút giao thông đường Võ Nguyên Giáp - Vũ Đông - Hoàng Diệu rộng tới 14.147m2. Giá đất ở đây là 4 triệu/m2. Trị giá lô đất cũng trên 56 tỉ đồng.
Đây chỉ là khung giá đất tỉnh Thái Bình quy định nhằm khi cần phải thu hồi thực hiện các dự án phúc lợi công cộng, an ninh quốc phòng tổng giá trị của 5 lô đất đã trên 250 tỉ đồng (vượt tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng) chưa kể giá trị của các công trình tài sản trên đất và hệ số giá trị thị trường.
Một chuyên gia BĐS tại tỉnh Thái Bình cho biết những khu đất trên đều là những vị trí trung tâm, đắc địa của thành phố. Theo đó, ở những vị trí thuộc mặt đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi thì có giá dao động từ 60 - 80 triệu/m2. Tại khu đất trung tâm Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ, thuộc đường Lê Thánh Tông thì có giá thấp hơn, giá dao động vào khoảng 50-60 triệu/m2. Còn tại khu đất nút giao thông đường Võ Nguyên Giáp - Vũ Đông - Hoàng Diệu, đây là khu mới, ít sầm uất hơn thì có giá thấp hơn hẳn, giá dao động vào khoảng 25-35 triệu/m2.
Như vậy, với diện tích hơn 11.000m2 thuộc hai tuyến phố chính Hai Bà Trưng, Lê Lợi sẽ có giá khoảng hơn 700-900 tỷ. Với diện tích hơn 1.682m2 tại tuyến phố Lê Thánh Tông cũng có giá dự đoán vào khoảng hơn 85 tỷ. Khu đất còn lại có diện tích 14.147m2, sẽ có giá dao động khoảng 400-500 tỷ.
Rõ ràng giá trị của 5 lô đất trên là rất lớn. Nếu tách riêng từng lô đất, kèm theo giá trị công trình trên đất đem đấu giá chắc chắn số tiền tỉnh Thái Bình thu về còn lớn hơn con số 250 tỉ rất nhiều. Vậy tại sao tỉnh Thái Bình không đấu giá đất để lấy tiền đầu tư? Không khó để trả lời câu hỏi này!
Chỉ định nhà đầu tư
Được biết, ngày 23/2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 480/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư, giao BQL DA Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Thái Bình là Bên mời thầu; ủy quyền cho GĐ BQL Dự án ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển; kết quả sơ tuyển; hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư… tham gia dự án.
Thái Bình đã tổ chức mời thầu Quốc tế, có 3 nhà thầu tham dự nhưng 2/3 nhà thầu tham dự đã không nộp hồ sơ đấu thầu. Vì vậy, ngày 4/10/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca ký Quyết định số 2599/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư được ghi tại quyết định này là: Chỉ định nhà đầu tư.
Nguyên tắc của đấu thầu là tạo ra cạnh tranh để Chủ đầu tư có thể tìm được nhà đầu tư bỏ giá rẻ nhất và cho chất lượng tốt nhất. Trong trường hợp này, thật may cho nhà thầu Cty TNHH Xây dựng Mỹ Đà vì hai đối thủ cạnh tranh bất ngờ rút lui. Nhưng cũng thật buồn cho tỉnh Thái Bình vì lãnh đạo tỉnh đã vội vàng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định.
Bởi lẽ, 5 lô đất trên là tài sản của quốc gia nên quyết định 2599 về chỉ định nhà đầu tư của UBND tỉnh Thái Bình là không đúng. Nếu tổ chức đấu thầu không thành công, tỉnh Thái Bình cần phải tổ chức đấu thầu lại để đảm bảo tính khách quan trong lựa chọn nhà đầu tư.
Hơn nữa, dự án xây Trung tâm Hội nghị không phải là dự án cấp bách để phải lựa chọn phương án chỉ định thầu. Thậm chí nếu không nói là lãng phí, bởi Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình hiện tại mới đưa vào hoạt động được 10 năm. Nay tỉnh đã quyết bỏ lại cho doanh nghiệp tư nhân sử dụng? Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nông dân trong tỉnh thì lao đao bởi thiên tai mất mùa nhưng lãnh đạo tỉnh Thái Bình không tìm cách dồn nguồn lực tài chính để hỗ trợ nhân dân, vực dậy sản xuất thúc đẩy phát triển kinh tế mà chỉ chăm chăm vào việc “cắt đất” công để cho doanh nghiệp, đổi lấy những công trình như tòa tháp 300 tỉ hay trung tâm hội nghị 230 tỉ sẽ chỉ mang lại những cảm nhận không tốt trong lòng người.
Có thể khẳng định, việc tỉnh Thái Bình tự ý chỉ định giao cho một doanh nghiệp cụ thể là trái với luật đấu thầu. Câu hỏi đặt ra ở đây là, lãnh đạo tỉnh Thái Bình có lợi ích gì không khi dễ dàng giao tài sản của đất nước cho một doanh nghiệp tư nhân?