| Hotline: 0983.970.780

Hai 'vua' làm giàu trên đỉnh núi Chúa

Thứ Tư 25/01/2017 , 14:01 (GMT+7)

Người Sán Chí ở bản Hin (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đặt tên là núi Chúa với sự mặc định cổ truyền về vùng núi linh thiêng, thâm sơn cùng cốc.

Chuyện về người bộ đội chống Pháp có tên là ông Trương Cong bị giặc giết hại trên núi khiến ngọn núi có khi được gọi là núi "giết người". Núi Chúa, núi "giết người" cứ thế càng trở nên huyền bí, ma mị với quỷ thần kinh dị khôn lường.

Núi Chúa bây giờ phủ kín màu xanh với sự sống tràn trề. Có hai con người, hai nhân vật đã thay đổi núi Chúa, làm thay đổi cách nhìn nhận của đồng bào về ngọn núi linh thiêng này. Người Sán Chí gán cho hai người biệt danh là hai ông “vua” trên đỉnh núi Chúa.
 

Mưu sinh trên đỉnh núi

Vòng theo những nương chè dập dờn uốn lượn, chúng tôi dừng xe dưới chân núi Chúa, ngước mắt chiêm ngưỡng con đường bê tông rộng rãi phi thẳng tắp lên ngọn núi, nơi tọa lạc của ngôi nhà và hệ thống chăn nuôi trang trại mà chủ nhân là ông Nguyễn Văn Thơi.

13-52-41_2
Ông Nguyễn Văn Thơi và trang trại chăn nuôi lợn
 

Ông Thơi (SN 1958) tuổi Mậu Tuất, người gốc Thái Bình, lên Phấn Mễ định cư với cha mẹ từ năm 1976. Nguồn cơn lập nghiệp ở núi "giết người" được ông Thơi kể một lèo. Năm 1984 khi xuất ngũ về địa phương, ông xây dựng gia đình. Ngặt nỗi, ruộng vườn khan hiếm, ông bàn với vợ vào gần núi Chúa để phát dọn lau sậy, trồng lúa mưu sinh. Vợ ông gạt phắt đi mà rằng, đói no rồi cũng qua ngày đoạn tháng chứ chẳng biết vào núi có kiếm được cơm gạo hay không mà cả gan động đến sơn thần thổ địa thì chết chắc còn gì?

Vợ ông tỏ ra vững vàng lắm nhưng ông thì cho rằng đói đầu gối phải bò. Một mình ông vào chân núi phát nương, trồng mố. Đất hoang hóa vậy nhưng khi thấy ông Thơi khai phá thì bà con lại chạy ra ngăn cản và nhận những diện tích đó là sở hữu của mình. Hết đường, ông tiến thẳng lên núi để mưu sinh. Chẳng ai dám lên núi mà nhận đất của Chúa là sở hữu của mình nữa.

Những ngày đầu, áp lực từ việc phải làm ra gạo để tồn tại, ông Thơi phát bãi gieo mố, trồng ngô. Đất hoang ải lâu ngày được khai phá cho lúa xanh tốt, ông Thơi gánh thóc nương về trước sự ngạc nhiên nhưng vẫn tỏ vẻ dửng dưng của dân bản.

Tính kế lấy ngắn nuôi dài, ông Thơi sốc vác đánh gốc, bốc trà, san bạt, kè bờ ta luy, trồng các cây ngắn ngày như đỗ, lạc, chuối, đu đủ… Ông bảo mỗi quả đu đủ cũng cho một bơ gạo. Vậy nhưng đến ngày cây trái cho thu hoạch thì vợ ông mang bầu rồi sinh con. Một mình ông không cáng xuể, hàng tạ quả đu đủ trở thành thức ăn cho hàng ngàn, hàng vạn con chào mào, sáo sậu…

Vụ sau, ông chuyển sang trồng mía. Hết làm đất, nhặt cỏ, ông lại đeo dây cu loa móc vào xe cút kít, cứ dọc ngang ngọn núi mà tìm phân trâu bò trở về để bón trồng cho mía.

Khi ngô lúa đã thành bãi, cây ăn quả cho trái thơm, mía cho mật ngọt đều đặn thì ông Thơi nghĩ đến việc định cư bền vững. Ban ngày, ông làm ruộng vườn, tối đến lại quay ra đào ao thả cá.

13-52-41_3
Ông Nguyễn Văn Thơi giới thiệu ao thả cá
 

Gần một thập kỷ trôi qua, thành quả lao động của ông Thơi được hiện hữu trên đỉnh núi là hơn 2ha ruộng vườn hoa trái và ao nuôi cá. Kết quả đó đã thay ông thuyết phục vợ con cùng ông lên núi làm ăn. Gia đình ông xây nhà, mở đường rộng rãi cho xe ô tô lên xuống được. Từ đó, ông tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Thơi nói vui, bây giờ không còn lo vấn đề an ninh lương thực nữa. Nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông bây giờ là từ gần 1 mẫu lúa, hơn 1 mẫu chè cùng với hoa trái và hơn 1ha rừng. Ngoài ra, trang trại chăn nuôi với quy mô hơn 100 đầu lợn và 2.000 con gà sẽ là giá trị tích lũy, làm giàu. Hệ thống trang trại khép kín lại có lợi thế cách biệt với khu dân cư giúp cho việc chăn nuôi của gia đình ông Thơi suôn sẻ và rất ít rủi ro vì dịch bệnh. Ba người con trai của ông đã trưởng thành cả. Đỉnh núi Chúa bây giờ ngoài cơ ngơi của ông Thơi còn có cả sự hiện diện của những ngôi nhà thế hệ thứ hai đang cùng cha viết nên đời sống mới, câu chuyện mới...
 

Hồi sinh vùng đất chết

Núi Chúa được coi là miền chết bởi cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cùng với ông Thơi, ông Hoàng Văn Chiến (SN 1957) cũng là người gốc Thái Bình theo cha mẹ lên vùng kinh tế mới định cư từ năm 1976 được coi là ông “vua” thứ hai của núi Chúa.

13-52-41_1
Ông Hoàng Văn Chiến bên cánh rừng keo
 

Dáng mảnh khảnh, nhỏ xương, có phần nho nhã thư sinh của ông Chiến khiến không ít người hoài nghi về nghị lực, bản lĩnh của ông. Chị Vũ Thị Lương, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Phấn Mễ cho biết, ông Chiến là người đang sở hữu diện tích rừng keo, rừng mỡ lớn nhất của xã với trên 20ha.

Dẫn chúng tôi ngược đường lên núi, ông Chiến thoăn thoắt, vừa đi vừa kể, ông và ông Thơi là hai người lên núi làm kinh tế. Lúc ấy, mỗi người một tư duy, tối ngày tập trung vào công việc mà chẳng có thời gian tìm hiểu, trò chuyện về cách thức phát triển kinh tế của hàng xóm như thế nào.

Ngày ngày, ông Chiến lên núi chăn thả trâu bò, phát nương trồng sắn kết hợp trồng rừng. Chiến lược của ông là mỗi ngày mở ra thêm được một ít diện tích rừng trồng nhưng lại có sắn để ăn, để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Mải miết với rừng, với cây, diện tích của ông chạm đỉnh núi với 20ha.

Tạm coi rừng như phần của để dành, vì không còn diện tích để phát triển nữa, ông quay về bàn với con trai tập trung đầu tư, cải tạo vùng diện tích 7ha chỉ trồng một vụ lúa dưới bản. Do không chủ động được thủy lợi nên ngay cả cấy một vụ, người dân cũng phải trông chờ vào nguồn nước trời, thành quả bấp bênh lắm. Chợt nhận thấy nguồn sinh thủy dồi dào từ khe Dốc Lăn trên đỉnh núi Chúa, hai cha con ông Chiến đã thuê lại ruộng của dân, đầu tư kéo đường ống nước chạy dài hơn 4km từ đỉnh núi xuống ruộng đồng. Dòng nước núi Chúa làm thỏa cơn khát của đồng ruộng nứt nẻ bao năm, cũng là nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước tưới cho 0,5ha chè cùng vườn ao, cây trái cho chính gia đình ông Chiến.

Năm 2001, ông Chiến bán rừng keo, ông tiếp tục trồng gối vụ đều đặn. Vùng núi Chúa lau xám, hoang hóa bao năm giờ ngát xanh rừng keo, nuột nà thân mỡ của gia đình ông Chiến. Thu nhập từ rừng của ông đạt trên 300 triệu/năm. Ông đã mua ô tô tải để vận chuyển lâm sản cũng như vật tư nông nghiệp phục vụ trồng rừng.

Ngoài là đồng hương, ông “vua” Hoàng Văn Chiến có một điểm đặc biệt tương đồng với ông Nguyễn Văn Thơi. Ông Chiến cũng có 3 con trai trưởng thành và đang cùng cha lên non viết tiếp câu chuyện mới trên đỉnh núi Chúa.

 

Xem thêm
Yên Bái: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 67.000 tấn

Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh Yên Bái đạt hơn 67.000 tấn, trong đó một số vật nuôi đặc sản vượt kế hoạch đề ra.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Nếu không đi đường mới chỉ còn cách dừng lại

PHÚ THỌ Nhiều hộ chăn nuôi lợn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ái ngại khi thấy anh Phạm Trung Hiếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho toàn bộ đàn lợn của mình.

Bí quyết trồng cây cau ta cho ngắn lóng, quả sai và ngon

Trồng cau theo cách làm dưới đây, các đốt lóng thân cây sẽ ngắn lại, quả sai, ngon, dễ thu hái và chống gãy đổ rất tốt.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.