| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục hộ dân nuôi thủy sản kêu cứu vì chính quyền lấp kênh xây cống

Thứ Sáu 01/12/2017 , 13:05 (GMT+7)

Mới đây, Báo NNVN nhận được đơn kêu cứu của 22 hộ dân có đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại khu vực kênh 10 thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang).

Trong đơn người dân trình bày về việc chính quyền triển khai công trình đê bao khép kín, lấp kênh xây cống khiến hàng chục hộ dân mất ăn mất ngủ vì không có nước sản xuất nông nghiệp.

14-02-32_nh_-_nhieu_ho_dn_nuoi_tom_o_p_binh_quoi_hong_mng_vi_chinh_quyen_lp_kenh
Nhiều hộ dân nuôi thủy sản ở ấp Bình Quới không đồng tình với dự án lấp kênh

Trước năm 2010, tại khu vực đất của họ chỉ canh tác 2 vụ lúa/năm, đến năm 2010, chính quyền chủ trương chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Hiện tại việc nuôi trồng thủy sản đang ổn định và dựa vào kênh 10 để cung cấp nguồn nước, lưu thông hàng hóa, vận chuyển VTNN. Thế nhưng vừa qua chính quyền có chủ trương lấp kênh làm cống ngầm từ kênh 8 đến kênh 13 lên đê bao sản xuất 3 vụ khiến họ hết sức hoang mang.

Ngồi buồn bã trước ao nuôi tôm, chị Võ Thị Kim Ngà (31 tuổi, ở ấp Bình Quới, xã Bình Phú) cho biết: “Gia đình tôi có 2,4ha nuôi tôm càng xanh. Trước đây thấy người đi trước nuôi lợi nhuận cao nên năm 2010 tôi xuống xã xin xác nhận thì lãnh đạo UBND xã nói đây là khu vực được quy hoạch nuôi thủy sản. Chính vì vậy gia đình đầu tư 400 triệu đào ao, lên đê bao và thả nuôi 500.000 con tôm giống, thu nhập 500 - 800 triệu đồng/năm trong khi nếu làm lúa không đủ sống”.

Có thâm niên nuôi tôm lâu nhất tại đây, ông Văn Công Lắm (64 tuổi) cho biết, bắt đầu nuôi tôm càng xanh từ năm 2002. Với 2,5ha nuôi tôm mỗi năm cho 10 tấn, trừ chi phí còn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống đỡ vất vả, con cái được đi học, nay nghe kênh sắp bị lấp chuyển sang làm lúa 3 vụ khiến ông vô cùng lo lắng.

Ông Mai Văn Đúng có 1ha tôm cho biết: "Vào thời điểm năm 2000 sản xuất lúa còn rất bấp bênh, khi đó huyện, tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, vốn để chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh. Với 3 công đất vợ chồng tôi nuôi tôm, vụ nuôi nào cũng lợi nhuận 200 - 500 triệu”. Nhờ trúng mấy năm nuôi tôm mà ông Đúng dư mấy chục cây vàng sang được 2,4ha đất. Cách nay mấy năm ông còn cất căn nhà gần nửa tỷ đồng.

Nhiều hộ dân cho biết, tôm nuôi trong ao đến mùa nước nổi sẽ bung ra đồng ruộng và chỉ cần sau đó 3 tháng là thu hoạch bán. Nuôi tôm chân ruộng là mô hình ít rủi ro, bền vững. Mô hình trên nhiều năm trước đã được Phòng TN-MT xác nhận, với cam kết bảo vệ môi trường.

Cụ thể, vào năm 2010, như nhiều nông dân khác hộ chị Võ Thị Kim Ngà có đơn xin xác nhận gửi Phòng TN-MT, UBND xã Bình Phú với nội dung: “Hiện tại gia đình tôi có hơn 24.000 m2 đất nông nghiệp tại ấp Bình Quới, xã Bình Phú, nay gia đình khó khăn nên xin chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Tôi làm đơn xin Phòng TN-MT, UBND xã xác nhận đây có phải là khu quy hoạch nuôi tôm hay không cũng như có nằm trong khu vực đê bao 3 vụ không…”. 

Tiếp nhận đơn của chị Ngà, ông Trần Ngọc Thinh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Phú và ông Nguyễn Văn Nhớ, cán bộ địa chính xác nhận như sau: “Xác nhận hộ bà Võ Thị Kim Ngà có quy hoạch nuôi tôm là đúng quy hoạch của xã là thật”. Ngoài ra cùng thời điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch UBND xã Bình Phú xác định diện tích đất của bà Ngà nằm trong vùng được quy hoạch nuôi thủy sản.

Việc xác định trên còn được ông Nguyễn Phú Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Phú lập lại vào năm 2013. Nhiều hộ dân cho rằng giờ chính quyền địa phương phủ nhận khu vực họ nuôi thủy sản nằm ngoài quy hoạch là không đúng. Việc lấp kênh để lên đê bao làm lúa 3 vụ khác nào triệt nguồn sống của dân.

Ngày 11/10/2017 vừa qua, UBND huyện Châu Phú, BQL dự án đầu tư và xây dựng, Phòng NN-PTNT cùng UBND xã Bình Phú có buổi tiếp xúc các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở ấp Bình Quới. Tại đây, nhiều hộ nuôi thủy sản và trồng lúa đề nghị không lấp cống kênh 10 để xây trạm bơm mà nên chia thành 2 tiểu vùng đê bao (mỗi vùng 600 - 800ha) kết hợp với làm cầu. Việc ngăn kênh sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và vận chuyển hàng hóa khiến gia tăng chi phí sản xuất.

Nếu nhất quyết thực hiện công trình phải có hỗ trợ chi phí để họ chuyển đổi trong thời gian tới. Thế nhưng UBND huyện Châu Phú cho rằng ý kiến người dân đưa ra là không phù hợp.

Ông Huỳnh Tấn Hưng, Phó phòng NN-PTNT huyện Châu Phú cho biết, chủ trương của UBND huyện là nâng cấp toàn bộ hệ thống Bắc Cây Dương từ kênh 8 đến kênh 13 thuộc ấp Bình Quới, Bình Đức và kênh 13. UBND xã họp dân lấy ý kiến và nhận được sự nhất trí rất cao. Diện tích khép kín là 1.542ha, với kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn thủy lợi phí. Công trình xây dựng 8 cống ngầm nhằm kiểm soát lũ, tái cơ cấu sản xuất. Khu vực kênh 10 trước đây có quy hoạch nuôi tôm chân ruộng nhưng việc đào ao của một số hộ là chưa xin phép, cách làm tự phát.

Việc lãnh đạo huyện không chấp nhận phương án thành lập 2 tiểu vùng vì chi phí bồi thường đất rất lớn.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.