Một năm đầy sóng gió
Tình cảnh chung là các sản phẩm phân bón sản xuất ra bị tồn đọng nhiều bởi một loạt lý do: Ảnh hưởng của Luật 71 khiến phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ mà phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón tăng lên 3%, làm giảm sự cạnh tranh của phân bón trong nước.
Mô hình phân bón Lâm Thao cho cây lúa |
Mặt khác, phân bón nhập khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng có lợi thế về giá cạnh tranh gay gắt với sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt từ các thị trường gần, giá rẻ như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… ồ ạt nhập vào nước ta làm sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tụt giảm rõ rệt, nhiều doanh nghiệp giảm tải sản xuất, thậm chí đóng cửa.
Trong khi đó thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng với khoảng hơn 14 nghìn sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ của hơn 700 nhà máy sản xuất. Ước tính, tổng lượng cung phân bón mỗi năm tại Việt Nam (tính cả nhập khẩu) đã đạt khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp (10 - 11 triệu tấn). Thị trường xuất hiện phân bón giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm và uy tín của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Ảnh hưởng của thời tiết, đầu năm ấm nên nông dân sử dụng lượng phân bón chứa lân ít hơn, giữa và cuối năm có nhiều mưa, giông, bão, lũ làm hư hại hoa màu, ngập úng nhiều diện tích đất gieo trồng không thể canh tác được khiến nhu cầu phân bón giảm mạnh. Diện tích đất dành cho trồng trọt bị thu hẹp do mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất, trang trại, nuôi trồng thủy sản…
Thêm vào đó, giá cả các loại nông sản giảm cộng với sự tác động gián tiếp từ thiệt hại do chăn nuôi đem lại (giá lợn hơi giảm có lúc chỉ còn 20.000 đồng/kg) làm suy yếu khả năng đầu tư phân bón cho cây trồng của người nông dân…
Chiến lược cho dài lâu
Để giữ vững thị trường tiêu thụ, Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã chú trọng công tác thị trường, chủ động điều chỉnh cơ chế chính sách về giá bán sản phẩm, khuyến mại, chiết khấu, cải tiến, sắp xếp hệ thống đại lý cho phù hợp.
Đồng thời đầu tư, cải tiến các sản phẩm để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phân bón phù hợp hơn với chất đất, cây trồng, giai đoạn sinh trưởng để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn khi sử dụng sản phẩm của Lâm Thao. Áp dụng cơ chế trả chậm đầu vụ và cuối vụ thanh toán.
Nhờ đó mà kết quả tiêu thụ sản phẩm supe lân, lân nung chảy, NPK 12.5.10 đều tăng với tổng doanh thu đạt 4.230 tỷ đồng bằng 100,1% so với cùng kỳ. Hơn 1.084.474 tấn hàng đã được đưa đến tay người nông dân trong đó: supe lân 387.422 tấn, lân nung chảy 65.800 tấn, NPK 631.252 tấn. Lợi nhuận đạt ước đạt trên 207 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ.
Để có được kết quả đó, Cty đã huy động, cân đối trong sử dụng nguồn vốn cả về vật chất lẫn con người sao cho có hiệu quả cao nhất. Đào tạo, nâng cao trình độ người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, thúc đẩy động lực phát huy tính năng động sáng tạo, sáng kiến tiết kiệm. Năm 2017 đã có 341 sáng kiến tiết kiệm của người lao động được công nhận với giá trị làm lợi đạt trên 50 tỷ đồng. Tuân thủ đúng quy trình quy phạm trong sản xuất axit, supe và NPK. Tổ chức thực hiện chuyển đổi mẫu bao bì phân bón thúc từ tráng PP sang ghép màng OPP đồng thời thử nghiệm phương án khả thi chống kết khối NPK bón thúc quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng bao bì và sản phẩm, tăng cường cạnh tranh. Bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, định kỳ hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ đảm bảo các dây chuyền sản xuất ổn định, liên tục, đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường.
Vận chuyển hàng từ kho của nhà máy |
Việc tiến hành xử lý đồng bộ xử lý nước thải, khí thải trong đơn vị đã được kiểm soát thành công. Nước sản xuất theo một quy trình tuần hoàn khép kín nên không có nước thải ra sông Hồng và hàm lượng khí thải SO2 đã nhỏ hơn giới hạn cho phép. Đầu tư trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục tại dây chuyền sản xuất axit số 1…
Về xây dựng cơ bản, dây chuyền sản xuất NPK số 4 công suất 150.000 tấn/năm đã hoàn thành thi công xây lắp, nghiệm thu kỹ thuật, chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải sản phẩm NPK 12.5.10, hiện đang tiến hành hiệu chỉnh thiết bị, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chạy thử sản phẩm NPK 16.16.8 và tiến tới bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I năm 2018. Giá trị của dây chuyền này là 222.237 triệu đồng sẽ giúp cho Cty “bắt đúng mạch” của thị trường là NPK hàm lượng cao, chất lượng cao.
Bước sang năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón vẫn ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Luật 71, ảnh hưởng của Nghị định 108/2017 của Chính phủ về việc siết chặt thị trường phân bón, khó khăn cho các đơn vị đang sản xuất đưa các bộ sản phẩm mới ra thị trường. Thời tiết sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường. Thị trường phân bón ảnh hưởng nhiều do một số sản phẩm phân bón nhập khẩu tăng 5% thuế nhập khẩu như đạm SA, ure và một số hàng hóa khác… có tác động làm tăng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 là tiêu thụ 1.155.000 tấn sản phẩm thì công tác thị trường trở thành một giải pháp quan trọng. Các hội nghị đầu bờ, mô hình trình diễn phân bón Lâm Thao sẽ được mở rộng khắp cả nước. Cty sẽ sớm đưa dây chuyền NPK số 4 vào sản xuất để đưa bộ sản phẩm NPK hàm lượng cao (NPK 16.16.8; NPK 16.8.8; NPK 13.13.13; NPK 16.8.16) kịp thời ra thị trường đáp ứng yêu cầu của khách hàng để tăng sản lượng tiêu thụ phân bón.
Tập trung phát triển các bộ sản phẩm quy chuẩn bón phân khép kín (ưu tiên cho sản phẩm NPK hàm lượng cao) cho từng loại cây trồng, chất đất, vùng lãnh thổ và tập quán canh tác của bà con nông dân. Phân vùng thị trường cho các đại lý phù hợp với khả năng tài chính, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dự trữ sản phẩm của từng khách hàng, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nông dân khi mùa vụ tới.