| Hotline: 0983.970.780

Hiến cả bờ xôi ruộng mật

Thứ Năm 15/05/2014 , 09:54 (GMT+7)

"Nhà có 550 m2 đất màu chứ nếu có nhiều đất hơn nữa tôi cũng hiến hết cho thôn”, bà Cao Thị Ngợi (xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa,Thanh Hóa) cho hay.

Hiến toàn bộ đất SX

Bà Cao Thị Ngợi (75 tuổi) ở thôn Lộc Bính từng e ngại mỗi lần trời mưa phải mang theo đôi ủng khi bước chân ra khỏi nhà vì bùn, vì nước thì nay đôi chân ấy có thể đi uống nước, trò chuyện với hàng xóm từ đầu làng đến cuối làng mà không còn sợ bẩn.

Bởi, con đường ấy đã được nâng cao hơn 30 cm, trải bê tông vào tận ngõ nhờ Chương trình xây dựng NTM.

Đành rằng, đó hầu hết là tiền của, công sức do dân đóng góp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhưng nghe bà Ngợi nói về những ích lợi mà Chương trình mang lại tôi cũng cảm thấy mở cờ vì một chủ trương đã thuận lòng dân.

Bà Ngợi cho hay, cán bộ thôn biết bà già cả lại sống một mình, ít có điều kiện tham dự các cuộc họp nên Bí thư Chi bộ, thôn trưởng và các đoàn thể đã đến tận gia đình tuyên truyền về lợi ích của Chương trình NTM và vận động bà hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn. Dù chưa hiểu thật tường tận về chương trình này nhưng nghĩ đến việc không phải lội bùn đi thăm con cái, có nhà văn hóa rộng rãi để sinh hoạt, họp hành nên bà ủng hộ tuyệt đối.

13-36-49_1Bà Ngợi hiến toàn bộ đất SX cho thôn làm nhà văn hóa

Bà bảo: “Thấy nhà nào nhà nấy hừng hực khí thế làm NTM, tôi không đi làm công với bà con được thì chỉ biết hiến đất thôi. Nhà có 550 m2 đất màu chứ nếu có nhiều đất hơn nữa tôi cũng hiến hết cho thôn”.

Chẳng phải ai cũng nhận thức sâu sắc được như bà nhưng chính tinh thần vì cộng đồng, vì tập thể của bà đã giúp thôn Lộc Bính xây mới được nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.

“Bây giờ, chiều nào tôi cũng đi bộ lên nhà văn hóa xem các cháu học sinh chơi thể thao, tập văn nghệ. Thấy các cháu được sinh hoạt lành mạnh tôi cũng thấy vui và phấn khởi”, bà Ngợi nói thêm.

Cũng giống như bà Ngợi, ở Lộc Bính có đến 36 hộ dân hiến hơn 2.600 m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp làm đường GTNT, giao thông nội đồng và nhà văn hóa. Đi đầu là hộ bà Cao Thị Mùi (hiến 200 m2); bà Trần Thị Nga (200 m2); anh Lê Thanh Hải, Cao Lai Thà, Lê Minh Tâm (100 m2)… Thậm chí, thôn Minh Quang có đến 117 hộ tình nguyện hiến hơn 723 m2 đất vườn và hơn 6.000 m2 đất nông nghiệp xây dựng các công trình phúc lợi. Người ít vài ba chục mét vuông, người nhiều lên đến hàng nghìn mét vuông.

Chị Nguyễn Thị Quang, thôn Minh Quang bao nhiêu năm “quang gánh đè vai”, máy cày, máy gặt làm dịch vụ có đó nhưng không thể hoạt động vì đường nội đồng chưa thông. Sau khi thôn vận động hiến đất làm đường giao thông nội đồng, chị bàn với chồng hiến 2.278 m2 đất màu và đất hai lúa để thôn làm đường.

“Mất đi mấy sào đất ruộng kinh tế gia đình tôi eo hẹp hơn nhưng bây giờ đôi vai tôi không còn phải gánh; xe công nông, máy gặt chạy ra đến tận ruộng cũng coi như cũng bù lại cho vợ chồng tôi và hàng xóm công lao động, sức khỏe để làm thêm những việc khác kiếm thêm thu nhập”, chị Quang phân tích.

Hiến đất hiến luôn cả nhà

Trong 3 năm qua, xã Hoằng Hợp đã huy động gần 70 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, tiền do dân đóng góp hơn 8,4 tỷ; vốn DN, kêu gọi con em xa quê hơn 600 triệu đồng. Có 580 hộ dân tự nguyện hiến đất, công trình trên đất với tổng diện tích hơn 30.300 m2 (đất ở 2.277 m2, đất nông nghiệp hơn 28.000 m2) để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản.

Đến thôn Hợp Tiến, xã Hoằng Hợp khi hỏi về đóng góp xây dựng NTM, ai ai cũng nhắc đến trường hợp chị Lê Thị Thủy.

Chồng mất sớm, một mình chị bươn chải nuôi hai đứa con trai ăn học nên người. Khi thôn vận động hiến đất mở đường chị bảo: “Ngoài đất và tường rào, các bác cứ dỡ nửa gian nhà cấp bốn nữa mà làm cho thoải mái”.

Việc làm của chị Thủy khiến bà con làng xóm kính nể nhưng cũng không ít người nói chị "dở hơi" khi trong nhà có tới hai đứa con trai sắp đến tuổi lấy vợ, rồi lấy đất đâu cho chúng ra riêng.

Còn với hộ anh Đồng Ngọc Cương, thôn Lộc Ất, việc đóng góp xây dựng NTM “cũng là nghĩa vụ của một công dân”.

Anh Cương là con liệt sĩ, sau khi lập gia đình hai vợ chồng anh SXNN nuôi 4 đứa con ăn học (hiện có 2 con đang học đại học ở Hà Nội).

Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng nhận thấy phong trào xây dựng NTM mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của gia đình anh và làng xóm nên anh tự nguyện dỡ bỏ nhà bếp và hiến 30 m2 đất vườn cho thôn làm đường GTNT.

13-36-49_2Dù bị nhiều người nói là "dại dột" nhưng với chị Thủy việc dỡ nhà, dời tường rào mở rộng đường là một quyết định đúng đắn

Số tiền hơn 4 triệu đồng được Ban Kiến thiết thôn hỗ trợ dựng lại nhà, anh cũng đóng góp luôn cho thôn. Anh bảo: “Chủ trương Đảng, Nhà nước đề ra hợp với lòng dân nên tôi không có gì phải tiếc cả. Đóng góp của tôi còn rất nhỏ so với các hộ dân khác”.

Đúng như lời anh Cương, xây dựng NTM không phải chỉ làm trong ngày một ngày hai mà thành công. Đây là cuộc cách mạng trường kỳ đòi hỏi sự thống nhất, đoàn kết từ các cấp chính quyền đến mỗi một người dân. Những đóng góp dù là một tấc đất, một viên gạch, một xe cát, một ngày công… đều góp phần rất lớn đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm