| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT

Thứ Tư 01/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngày 1/7, hơn 1 triệu thí sinh (TS) cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 2 môn thi đầu tiên là Toán và Ngoại ngữ. Môn Toán thi theo hình thức tự luận, thời gian 180 phút. Môn Ngoại ngữ sẽ kết hợp trắc nghiệm và viết, thời gian 90 phút.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước có 1.004.486 TS dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trong đó số TS thi chỉ để xét tốt nghiệp là 279.001, chiếm gần 28%. Còn lại trên 725.000 TS dự thi với 2 mục đích: xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, chiếm 72%.

Cả nước có 38 cụm thi quốc gia do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do các địa phương chủ trì. Kỳ thi năm nay có 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

Hoàn tất thủ tục

Sáng 30/6, hơn một triệu TS trên cả nước đã đến các điểm thi để nghe phổ biến quy chế, hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

Thủ đô Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng khi nhiệt độ lên tới 37-39 độ C. Riêng ngày 30/6, nhiệt độ lên đến 40 độ C. Trước giờ vào làm thủ tục dự thi, các TS và cả phụ huynh đều không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, hồi hộp trước nhiều điểm mới của kỳ thi “kép” lần đầu tiên diễn ra này.

Có mặt tại trường ĐHSP Hà Nội, PV ghi nhận đông đảo TS đã có mặt từ sáng sớm để tránh thời tiết quá nắng nóng. Thực hiện chủ trương đổi mới công tác tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh cử nhân chính quy tập trung của trường ĐHSP Hà Nội năm 2015 có nhiều nét mới. 

Bên cạnh việc duy trì quy mô tuyển sinh trên toàn quốc cũng như điều kiện xét tuyển với những học sinh tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm các kỳ đều đạt loại khá trở lên, nhà trường có những chính sách tuyển sinh mới như sau: Về phương thức tuyển sinh, trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì làm cơ sở tuyển chọn. Trường không tổ chức các bài kiểm tra riêng, trừ các môn thi năng khiếu như nhạc, họa hay thể thao.

TS Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, thành viên BCĐ cụm thi ĐHSP Hà Nội cho biết: Nhà trường tổ chức 27 điểm thi (bao gồm 6 điểm thi tại ĐHSP Hà Nội, 3 điểm thi tại ĐHQG Hà Nội và 18 điểm thi tại các trường THCS, THPT, THCN và CĐ lân cận). 1992 cán bộ coi thi được huy động.

Việc in sao đề thi cũng được đảm bảo an toàn tại trường. Ngoài ra, 210 sinh viên tình nguyện (SVTN) đã tham gia hỗ trợ TS và người nhà. Ký túc xá ĐHSP Hà Nội cũng phát huy tối đa phòng ở dành cho TS nếu có nhu cầu. Hết giờ làm thủ tục đăng ký dự thi ngày 30/6, số TS có mặt là 19.466 hồ sơ, đạt 97,6% (tổng số hồ sơ TS đăng ký dự thi là 19.937 hồ sơ).

Ghi nhận tại các phòng không có nhiều sai sót, chủ yếu là sai môn thi. Trong đó, thí sinh Đỗ Quốc Cường (điểm thi trường THPT Nguyễn Tất Thành) đăng ký thi 4 môn là Tiếng Anh, Ngữ văn, Địa lí, Lịch sử, nhưng bị nhầm môn Lịch sử thành môn Sinh học. TS Nguyễn Văn Hiền khẳng định, đến 11h trưa cùng ngày, BCĐ điểm thi ĐHSP Hà Nội đã chỉnh sửa toàn bộ những sai sót để các TS yên tâm bước vào kỳ thi.

Ngoài chỉnh sửa sai sót, kiểm tra thông tin trên thẻ dự thi, giám thị còn cẩn thận dặn dò các thí sinh không mang điện thoại, ví tiền, vật dụng đắt tiền vào phòng trong suốt kỳ thi.

Còn tại ĐH Kinh tế Quốc dân, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh cho biết trường tiếp nhận 11.950 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có 31.000 TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 2.053 hồ sơ của TS tự do. Tỷ lệ hồ sơ của Hà Nội là 68,3%, Nam Định 28,1%, các địa phương khác chiếm 3,6%. Trong số 8 môn đăng ký dự thi, môn Toán chiếm tỷ lệ cao nhất với 99,6%, môn Ngữ văn 90%, môn Ngoại ngữ 87%, môn Lịch sử thấp nhất chỉ chiếm 9,5%.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã lập 18 điểm coi thi với tổng số 438 phòng thi, huy động 1.171 viên chức, sinh viên tham gia coi thi. Trường đã thuê ĐH Bách khoa in sao đề thi, bảo đảm cho số lượng đề thi các môn đủ cho TS dự thi.

Ngoài ra, Đoàn Thanh niên và Hội SV trường đã hoàn thành phương án tiếp sức mùa thi với hơn 800 SV tham gia. Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ đào tạo đã chuẩn bị 2.600 chỗ ở cho TS dự thi có nhu cầu ở ký túc xá, chuẩn bị phục vụ ăn uống và bảo đảm sinh hoạt cho TS và gia đình TS.

Hà Nội lập bộ phận ứng trực tại các điểm thi

Để hỗ trợ kỳ thi, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, tại mỗi cụm thi, mỗi quận, huyện, thị xã cần thành lập bộ phận ứng trực tại các điểm thi, thành phần tham gia có đại diện các đơn vị liên quan, gồm Sở GD-ĐT, Sở GT-VT, Sở Y tế, Công an, Điện lực… 

Nhiệm vụ của bộ phận này là trực thường xuyên tại vị trí quy định trước, trong kỳ thi đến khi TS rời khỏi khu vực thi ngày thi cuối cùng; xử lý trực tiếp hoặc đề xuất biện pháp giải quyết, có xác nhận giao - nhận giữa các kíp trực. Mỗi nơi trực cần thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin. 

UBND TP sẽ tổ chức 9 đoàn kiểm tra theo các cụm thi; thành lập Sở chỉ huy trong các ngày thi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT, các trường tại các cụm thi và lãnh đạo quận, huyện, thị xã có trách nhiệm hoàn thiện tốt nhất cơ sở vật chất, nhân lực tham gia công tác thi, tạo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.

Cùng tham gia hỗ trợ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trên địa bàn thủ đô, tại các điểm thi, lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, sinh viên tình nguyện đã có mặt từ rất sớm để đảm bảo trật tự ATGT, hướng dẫn, hỗ trợ TS và người nhà.

Lực lượng hỗ trợ đã có mặt từ 6 giờ sáng, bố trí đội hình vừa đảm bảo giao thông vừa trợ giúp tốt nhất cho các TS. Để tránh ùn tắc, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) vừa tổ chức phân làn từ xa, vừa chốt trực trước các địa điểm thi.

Với sự xuất hiện, hướng dẫn của CSGT, Thanh tra GTVT tình hình giao thông khu vực quanh các điểm thi tương đối ổn định, không xảy ra ùn tắc, không có hiện tượng xe ôm chèo kéo, dừng đỗ bừa bãi gây cản trở giao thông. Bên cạnh đó còn có lực lượng sinh viên tình nguyện tại chỗ vừa hướng dẫn các TS vào phòng thi, vừa tích cực tham gia phân làn, tổ chức giao thông, sắp xếp nơi nghỉ, chờ đợi con em cho các phụ huynh.

Đảm bảo không để xảy ra sai sót

Lần đầu triển khai kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên ngành giáo dục hết sức cẩn thận, không chủ quan, bảo đảm không để xảy ra sai sót nào…

Đó là cam kết của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 vào sáng 29/6.

Ông Phạm Vũ Luận cho biết, đến nay các công tác chuyên môn chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã hoàn tất đúng như dự kiến. Đề thi và công tác in sao đề thi cũng đã làm xong, bảo đảm tính bí mật tuyệt đối, an toàn.

Trong quá trình triển khai, Bộ GD-ĐT nhận được sự hỗ trợ, hiệu quả, to lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp ở tất cả các địa phương. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hỗ trợ ngành giáo dục cho việc triển khai kỳ thi đổi mới lần này.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm