| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hoà: Chuột, sâu bệnh uy hiếp lúa ĐX

Thứ Sáu 17/02/2012 , 09:20 (GMT+7)

Dù đã có khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng đến nay chuột, sâu bệnh vẫn gia tăng, uy hiếp lúa ĐX tỉnh Khánh Hòa.

Hỗ trợ 6.000 gói thuốc diệt chuột

Chế thuốc diệt rầy
Ngay từ đầu vụ ĐX, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đã khuyến cáo các địa phương tăng cường diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh, nhưng đến nay chuột, sâu bệnh vẫn gia tăng, uy hiếp lúa ĐX.

Chuột tấn công dữ dội

Tại cánh đồng Láng Nhớt thuộc thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích (Ninh Hoà), hàng chục ha lúa ĐX trong giai đoạn làm đòng và trỗ bông đang bị nạn chuột cắn phá dữ dội. Chuột nhiều vô kể nên không có đám ruộng nào mà không có dấu cắn phá của chúng.

Hiện bà con nơi đây đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp diệt chuột như gài bẫy, đánh bã, đổ nhớt… nhưng chúng vẫn hoành hành ở nhiều nơi. Ông Nguyễn Minh Tâm, thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì nạn chuột cắn phá ruộng lúa nhà mình tả tơi, mà không có cách diệt nổi: “Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng. Những năm được mùa thì thu hoạch được khoảng 7- 8 tạ thóc, vừa đủ trang trải chi phí tiền BVTV, ăn đến giáp hạt. Nhưng vụ này tôi cầm chắc mất mùa, bởi nạn chuột cắn phá dữ dội, gây thiệt hại từ 10- 20%”, ông Tâm than vãn.

Chưa bao giờ nạn chuột lại nhiều vô kể như vụ năm nay. Nguyên nhân do năm ngoái không xảy ra mưa lũ lớn để “quét” lũ chuột trên các gò cao, nên đã tạo cơ hội cho lũ chuột trú ẩn, sinh sôi mạnh khiến lúa bị tàn phá. Mọi biện pháp diệt chuột “truyền thống” lâu nay bà con vẫn áp dụng như gài bẫy, đánh bã, đổ nhớt xe quanh ruộng đều không hiệu quá, đành bó tay “ông tý”.

Cùng cảnh ngộ, ruộng lúa nhà ông Nguyễn Bẩm, thôn Vạn Thuận cũng bị nạn chuột cắn phá. Thấy vậy ông Bẩm xót ruột, mua thuốc chuột ở quầy BVTV với giá 5.000 đ/gói để quanh bờ ruộng, đồng thời cắm các cây bẹo bằng bao nilon cho chuột sợ, nhưng không thấy giảm.

Tại phường Ninh Hà, TX Ninh Hoà, bà con nơi đây cũng đang khốn đốn vì nạn chuột cắn phá lúa rất mạnh. Thê thảm nhất là những chân ruộng nằm gần QL1A, các gò đồi, bụi rậm thì bị thiệt hại nghiêm trọng hơn. Ông Trần Hớn, một nông dân chua xót nói: “Ruộng nhà tôi do nằm khu vực cánh đồng Tam Bảo, cạnh gò hoang nên bị chuột cắn phá mạnh, gây thiệt hại từ 20- 30%. Cũng may phát hiện sớm, dùng bạt nilon bao quanh ruộng, đánh bả; chứ không đã bị lũ chuột xơi sạch”.

Theo Chi cục BVTV Khánh Hòa, trên địa bàn toàn tỉnh, chuột đã gây hại với diện tích 420 ha/18.480ha, tỷ lệ phổ biến 5- 10%. Chi cục  đã hỗ trợ hơn 6.000 gói thuốc diệt chuột cho bà con. Tuy nhiên kinh nghiệm đút kết, để diệt chuột hiệu quả là các chủ ruộng không nên làm đơn lẻ, mà cần có sự tổ chức phối hợp cộng đồng, diệt đồng loạt trên phạm vi rộng. Những vùng bị chuột gây hại nặng cần sử dụng các loại thuốc hóa học để ngăn chặn như Fokeba, Klerat, Rat-K...

Sâu bệnh nở rộ

Bên cạnh nạn chuột hoành hành, các loại sâu bệnh gây hại lúa như bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông, rầy nâu… cũng đua nhau nở rộ, uy hiếp lúa ĐX. Tại cánh đồng Cây Véo, thôn Trường Châu, xã Ninh Quang (Ninh Hoà), như bao hộ khác, gia đình ông Mai Trúc đang tích cực phòng trừ sâu bệnh. Ông Mai cho biết: “Trước Tết ruộng lúa nhà tôi không bị sâu bệnh. Nhưng khi ăn Tết xong ra thăm đồng thì thấy ruộng lúa đám bị rầy, đám thì bị đạo ôn mà xót cả ruột. Những đám lúa đang xanh nhiễm bệnh đạo ôn lá đã chuyển sang màu tím bầm”. Ông Mai còn cho biết thêm, ông đã phun thuốc diệt rầy 3 lần và mỗi lần chi phí hàng trăm ngàn đồng, nhưng vẫn chưa khắc phục được rầy.

Theo quan sát của chúng tôi, cả vùng lúa đều bị nhiễm bệnh rầy, đạo ôn chứ không riêng gì ruộng nhà ông Mai. Anh Đoàn Hữu Thương, thôn Phước Lộc, xã Ninh Quang đang ra đồng phun thuốc diệt rầy.  “Nhà tôi có 2 mẫu ruộng, nhưng hầu như đều bị rầy “chụp” phủ hết. Ngày nào tôi cũng phải ra đồng phun thuốc diệt rầy, sáng thì từ 6- 8h, chiều từ 15- 18h, mệt hết cả người”, anh phủi tay lắc đầu nói.

Theo Chi cục BVTV tỉnh, sau Tết thời tiết thất thường, trời âm u, có sương mù, lạnh vào sáng sớm và chiều tối đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh bùng phát. Bệnh đạo ôn lá và cổ bông tập trung chủ yếu trên các giống nhiễm như ML202, ML48, IR17494, DV108 ở các chân ruộng sạ dày, bón thừa đạm. Theo đánh giá ban đầu, toàn tỉnh Khánh Hoà có 930 ha bị nhiễm đạo ôn lá và cổ bông, tỷ lệ phổ biến từ 10- 15%, có nơi 30%. Ngoài ra rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đang gây hại diện tích lúa ở huyện Ninh Hòa, TP Nha Trang, TP Cam Ranh với mật độ phổ biến 750- 1.500con/m2; diện tích bị nhiễm là 126 ha, phòng trừ 126 ha...

Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Khánh Hòa: Khi xuất hiện bệnh đạo ôn, cách tốt nhất là dùng thuốc nhưng dùng phải đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng và phải đủ nước. Để phòng trừ bệnh đạt hiệu quả cao cần ngưng bón đạm và các loại phân bón lá, sử dụng thuốc Fuji-One 40EC hoặc Filia 525 SE. Đối với đạo ôn cổ bông phải phun phòng trước khi trổ 5- 7 ngày bằng FUJI-ONE 40 EC, Beam 75 WP, Filia 525 SE, Flash 75WP, phun với nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

Rầy nâu còn là môi giới truyền virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen. Khi thấy rầy xuất hiện mật độ 2- 3 con/dảnh thì tiến hành phun Butyl l10WP, Actara 25WG, Applaud-mip, Bassa 50ND, Carbosan 25EC, Marshal 200SC, Vithoxam 350 SC và thực hiện theo phương pháp 4 đúng .

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm