| Hotline: 0983.970.780

Không còn nước để uống

Thứ Tư 02/07/2014 , 09:28 (GMT+7)

Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng nắng nóng liên tục và gay gắt, lượng mưa trung bình chỉ đạt 132mm, bằng 25 - 30% so với cùng kỳ. 

Hạn hán xảy ra khắp nơi làm hầu hết các giếng đào bị khô kiệt, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Ngay làng chài Bãi Xép thuộc khu vực 1, phường Gềnh Ráng nằm sát nách TP Quy Nhơn, khô khát cũng đang hành hạ hơn 200 hộ dân. Nguồn nước duy nhất của hơn 900 nhân khẩu ở đây là 4 cái giếng khơi công cộng. Tuy nhiên, hiện nay các giếng khơi nói trên bắt đầu cạn kiệt, khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn.

Qua quan sát, chúng tôi thấy quanh các giếng khơi này luôn túc trực hàng chục chiếc máy bơm gắn ngay trên mỗi thành giếng, hàng chục người dân bâu quanh, chỉ chực nhìn thấy đáy giếng có nước là cắm điện bơm như vắt từng giọt nước. Mỗi lần mô tơ chạy, chỉ 30 giây là nước lại cạn. Có người túc trực từ sáng đến trưa mà vẫn chưa đến lượt bơm.

Ông Tình (58 tuổi) ở tổ 2, Khu vực 1, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), than thở: “Mùa hè năm ngoái tuy giếng cũng cạn nhưng không đến nỗi thức đêm thức hôm chờ bơm nước như năm nay. Mới đầu mùa hè nước ở các giếng đều cạn kiệt. Nước hiếm nên việc sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng phải hết sức tiết kiệm. Còn nước uống thì mua nước đóng bình chứ đâu dám uống nước này vì không vệ sinh”.

Tại xã miền núi Phước Thành (Tuy Phước), hiện có trên 100 hộ dân ở thôn Cảnh An 1 và Cảnh An 2 thiếu nước sinh hoạt, bởi nguồn nước giếng đã cạn kiệt, phần đông bà con mua nước bình để uống hoặc đi xin những giếng còn nước đem về dùng.

“Mặc dù có đến 2 giếng đóng và 2 máy bơm nhưng hiện nay gia đình tui gần như không còn nước để sử dụng. Cả nhà tui phải thay phiên nhau đi xin nước giếng từ trạm y tế xã, cách nhà khoảng 200m, nhưng chỗ nước này cũng chỉ dám để dành nấu ăn”, bà Phạm Thị Bắc (42 tuổi) ở xóm 5, thôn Cảnh An 1, than thở.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cho tất cả hệ thống chính trị phải khẩn trương huy động và ưu tiên nguồn lực giải quyết nước sinh hoạt cho người dân các vùng đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

Còn tại Phước Thắng, 1 xã nằm ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang xảy ra gay gắt. Ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện nay, tại địa phương có hơn 200 giếng nước của những hộ dân ở các thôn Lạc Điền, Đông Điền và An Lợi đã bị xâm nhập mặn và nhiễm phèn không thể sử dụng. Người dân phải đi mua nước về dùng”.

UBND huyện Tuy Phước chỉ còn cách vận động người dân đào giếng sâu hơn, khoan giếng mới để tìm nguồn nước.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có đến 18.700 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 8 thì số hộ dân bị thiếu nước sẽ tăng lên gần 29.000 hộ thuộc 4 huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và Tuy Phước.

Nắng hạn đã làm cho nhiều công trình ao hồ bị cạn kiệt nước. Đến nay trên địa bàn tỉnh này đã có 112/165 hồ chứa nước thủy lợi đã cạn kiệt nước. Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, hạn hán sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2014. Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định nói đây là đợt hạn hán nặng nề kể từ 30 năm nay trở lại đây.

Để khắc phục tình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp chính quyền các địa phương đang bị thiếu nước nghiêm trọng hỗ trợ kinh phí để người dân đào giếng nơi có điều kiện; sửa chữa, đào sâu thêm các nước giếng hiện có; những vùng gần với các công trình cấp nước tập trung thì hỗ trợ để dân mua nước với giá 5.000 đồng/m3 và nơi không có điều kiện sử dụng nước sông, suối thì tận dụng nguồn nước cho lắng phèn và lọc để tắm giặt; nước uống thì sử dụng bằng nước bình.

Công ty TNHH KTCTTL Bình Định tiếp nước bổ sung từ kênh tưới vào các khu vực bị khô hạn để lấy nước sử dụng cho sinh hoạt và vật nuôi.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất