| Hotline: 0983.970.780

Lễ diễu binh lớn nhất lịch sử

Chủ Nhật 10/10/2010 , 08:21 (GMT+7)

Sáng 10/10, hàng vạn người đã kéo về khu vực Quảng trường Ba Đình để theo dõi Lễ míttinh, diễu binh, diễu hành trọng thể kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đông đảo lực lượng: Công an, quân đội, các đoàn thể xã hội và khách quốc tế... sẽ diễu binh, diễu hành trong tiết trời thu Hà Nội.

Lực lượng bộ binh tham gia hợp luyện

Sáng 10/10, hàng vạn người đã kéo về khu vực Quảng trường Ba Đình để theo dõi Lễ míttinh, diễu binh, diễu hành trọng thể kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đông đảo lực lượng: Công an, quân đội, các đoàn thể xã hội và khách quốc tế... sẽ diễu binh, diễu hành trong tiết trời thu Hà Nội. Đợt diễu binh này được xem là lớn nhất từ trước tới nay.

Đây chính là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện 10 ngày của Đại lễ.

Đúng 7 giờ 55 phút, đoàn rước lửa truyền thống tiến về quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngọn lửa để thắp đuốc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được những vận động viên tiêu biểu cho phong trào thể dục-thể thao giương cao trên tay tiến vào Quảng trường Ba Đình.

Ngọn lửa truyền thống biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc Việt Nam đã được các vận động viên trao cho Đại tá Nguyễn Văn Bình - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thắp lên đài lửa Đại lễ.

Trong bản nhạc Quốc ca oai hùng, loạt đại bác đã được bắn lên. Sau màn giới thiệu đại biểu của Ban tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Chủ tịch nước nhấn mạnh là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống của cả dân tộc, Thăng Long-Hà Nội nổi bật lên những phẩm chất đặc biệt: văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, địa linh nhân kiệt, kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam...

1.000 năm qua với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Thăng Long-Hà Nội vẫn vững vàng khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Đứng giữa thủ đô huy hoàng trong ngày Đại lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ lòng biết ơn tới Tổ tiên và các bậc tiền nhân đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để Hà Nội có được như ngày nay.

“Trong thời khắc lịch sử này, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng cả nước và thủ đô còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước. Toàn thể nhân dân Việt Nam trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực phấn đấu xây dựng thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp. Tích cực xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng gửi lời cảm ơn bạn bè quốc tế, nguyện cùng các dân tộc trên thế giới phấn đấu cho cuộc sống hòa bình, sự phồn vinh của mỗi dân tộc, hạnh phúc của mỗi con người.

Sau bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bài hát “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng” được vang lên với giọng ca của 1.000 diễn viên từ các đơn vị, trường nghệ thuật tại Hà Nội.

Không khí tại Quảng trường Ba Đình lúc này hết sức náo nhiệt. Trong lòng mỗi người đều có chung một niềm tự hào về Thủ đô khí phách, kiên cường và tin tưởng vào một tương lai ngời sáng.

Oai hùng lực lượng vũ trang

Đúng 8 giờ 15 phút, chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội bắt đầu.

Mười chiếc máy bay trực thăng của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và logo biểu trưng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội bay trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Tiến vào Lễ đài là xe mang Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy được đặt trên mặt trống đồng, biểu trưng cho sự bền vững của dân tộc. Hình tượng rồng thiêng vươn mình bay lên thể hiện khát vọng hóa rồng của dân tộc Việt Nam. Cùng lúc, 108 thanh niên cầm 54 dải lụa, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đi cạnh xe Quốc huy, thể hiện khối đại đoàn kết vững chắc của dân tộc.

Kế tiếp là xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Các cháu thiếu nhi Hà Nội đại diện cho thế hệ trẻ cả nước quây quần quanh Bác Hồ.

Sau ảnh Bác là khối 200 vận động viên đại diện cho các môn thể thao thể hiện tinh thần thượng võ và sức mạnh của dân tộc. Những đôi tay rắn chắc của các vận động viên đang nâng cao lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và Hồng kỳ tung bay trước gió.

Trong tiếng quân nhạc oai hùng, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng tham mưu trưởng, Quân đội nhân dân Việt Nam-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân dẫn đầu đội hình diễu binh tiến vào Lễ đài.

Tiếp theo, Đoàn Quân nhạc Việt Nam với quân phục màu trắng, mang theo trống, kèn tiến vào Lễ đài. Âm thanh hào hùng của Đoàn Quân nhạc là khúc anh hùng ca, cổ vũ và động viên toàn quân, dân ta tiến về phía trước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Quân kỳ Quyết thắng - Lá cờ đỏ sao vàng lấp lánh những tấm Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, thể hiện sự bách chiến, bách thắng của của Quân đội Việt Nam tiến vào Lễ đài.

Tiếp theo là khối sỹ quan Lục quân, khối sỹ quan Phòng không-Không quân và khối sỹ quan Hải quân trong khí thế oai hùng, lần lượt tiến vào Lễ đài. Trong suốt chặng đường 55 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Hải quân đã làm nên truyền thống: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng.”

Kế đó là khối sỹ quan Biên phòng, lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia. Ngày nay, những chiến sỹ biên phòng luôn cảnh giác, phòng chống tội phạm, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và thế trận an ninh nhân dân ở vùng biên cương Tổ quốc.

Khối nữ sỹ quan Thông tin tiến vào Lễ đài. Phát huy truyền thống “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn,” các nữ sỹ quan Thông tin đã đóng góp phần quan trọng bảo đảm mạch máu thông tin trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp theo là diễu binh của sư đoàn 301 và khối chiến sỹ Đặc công. Qua hàng nghìn trận đánh trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Bộ đội Đặc công đã làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía.

Trong trang phục màu xanh nước biển, các chiến sỹ Cảnh sát biển đại diện cho hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc tiến vào lễ đài. Đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã có 12 năm xây dựng và trưởng thành.

8 giờ 30 phút tiến qua Lễ đài là phần giương cao lá cờ của lực lượng công an nhân dân mang dòng chữ “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” được gắn những tấm Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Kế đó, là khối sỹ quan đại diện cho lực lượng an ninh nhân dân Việt Nam anh hùng.

Khối nữ Cảnh sát giao thông đại diện cho lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam tiến vào Lễ đài. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng cảnh sát đã vượt qua khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Tiếp theo là khối Nam tự vệ trong sắc phục truyền thống Tự vệ Thủ đô Hà Nội, đại diện cho lực lượng tự vệ cả nước. Không chỉ đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng này đang ra sức thi đua sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vẫn trong không khí hào hùng ấy, khối Nam dân quân và Nữ dân quân các dân tộc trong sắc phục muôn màu rực rỡ của các dân tộc Việt Nam tiến vào Lễ đài. Trong lịch sử dựng và giữ nước, đây được coi là lực lượng “ngụ binh ư nông”, thời bình tham gia sản xuất, thời chiến cầm gươm, súng đánh giặc bảo vệ quê hương.

Rực rỡ Hà Nội

8 giờ 32 phút, xe rước hình tượng Rồng thời Lý đã dẫn đầu cho cuộc diễu hành của Thủ đô Hà Nội qua Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Đi theo xe là đoàn hộ tống trong trang phục màu vàng, tay tung bay những dải lụa trông vô cùng rực rỡ.

Trong tâm thức của người Việt Nam, Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối. Nghìn năm qua, hình tượng Rồng luôn đồng hành cùng với Thăng Long-Hà Nội và cả dân tộc. Ngày nay, Hà Nội cùng cả nước đang tạo thế cho Rồng Việt Nam bay lên, hội nhập và phát triển cùng bạn bè năm châu.

Sau hình tượng Rồng là khối diễu hành Biểu trưng của Thủ đô Hà Nội - hình tượng cách điệu của Khuê Văn Các - ngôi sao đặc trưng cho văn hiến Việt Nam: Hai tầng mái như hai cánh tay đỡ hóc hình chữ H, góc đao bay lên, dưới là hình vuông tạo chân cột giống chữ N. Hai chữ Hà Nội viết tắt lồng vào nhau, bừng lên dưới ánh sáng của ngôi sao Khuê.

Nhiều năm qua, Thăng Long-Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, hành chính quyết định vận mệnh quốc gia. Đất kinh kỳ thu hút hiền tài bốn phương, hội tụ tinh hóa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới, hình thành nền văn hiến Thăng Long-Hà Nội.

Tiếp theo là xe rước bằng công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa Thế giới. Đi cùng với xe là đoàn tháp tùng với trang phục màu xanh, trên tay là lá cờ truyền thống tung bay trong trời thu Ba Đình.

Khu Trung tâm Hoàng thành là minh chứng về sự phát triển nền văn minh dân tộc Việt Nam. Khu Hoàng thành có 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.

Cùng lúc này, những tiếng trống hội vang lên rộn rã, thôi thúc lòng người đắm mình trong không khí lễ hội của non sông.

Hướng về mảnh đất ngàn năm

Tiếp phần diễu hành của Thủ đô Hà Nội là diễu hành của khối Cựu Chiến binh. Lực lượng này khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sau các cuộc chiến tranh đã đem sức lực và trí tuệ của mình tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Thời gian qua, nhiều Cựu chiến binh đã trở thành những nhà quản lý giỏi, nhà khoa học xuất sắc. Đã có 20 cựu chiến binh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Với ý tưởng hình tượng con tàu rẽ sóng ra khơi, khối Thanh niên bước qua Lễ đài với hình ảnh cánh chim đang tung bay. Bông hoa hướng dương hướng về ánh sáng mặt trời, thể hiện sức sống, sự vươn lên khẳng định mình của tuổi trẻ Việt Nam.

Khối Công nhân, Nông dân tiến vào Lễ đài trong tâm trạng vô cùng hứng khởi. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, 2 giai cấp này có những đóng góp vô cùng to lớn, là đội quân chủ lực của cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, họ là những người tham gia tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Tiếp theo là khối Trí thức. Trong lịch sử hào hùng, đội ngũ trí thức Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ này có sự lớn mạnh, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tiếp nối truyền thống 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đội ngũ trí thức Việt Nam nguyện mang hết sức lực, tinh thần, trí tuệ để cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc.

8 giờ 45 phút, khối công chức, viên chức Nhà nước tiến vào Lễ đài. Trong 65 năm đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức luôn xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của cách mạng và chế độ. Ngày nay, đội ngũ này cần nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Nâng cao chuyên môn, tích cực, sáng tạo... để xây dựng đất nước phồn vinh, Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Khối Doanh nhân tiến vào khu vực Lễ đài với xe mô hình được thiết kế trên ý tưởng Thánh Gióng cầm gậy tre, cưỡi ngựa sắt, bay trên đỉnh núi Sóc. Đây cũng là biểu tượng Cúp Thánh Gióng trao tặng các Doanh nhân tiêu biểu hàng năm.

Đến nay, Việt Nam đã có trên 4 triệu doanh nhân tại trên 400.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Họ đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội. Trong vòng 10 năm gần đây, có 95 doanh nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Tiếp theo là khối diễu hành của đoàn đại biểu đại diện cho những phụ nữ Việt Nam anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang. Hướng về Đại lễ, các thế hệ phụ nữ Việt nam tiếp tục phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo đức, tri thức và kỹ năng nghề nghiệp..., góp phần xây dựng đất nước.

Trong trang phục rực rỡ của, khối các Dân tộc Việt Nam gồm đại diện 54 dân tộc con Rồng, cháu Tiên từ mọi miền Tổ quốc tụ hội về Thủ đô Hà Nội. Họ cùng rước ảnh “Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam,” phấn khởi đi bên xe Đại đoàn kết mang dòng chữ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.”

Khối đồng bào tín đồ tiến vào Lễ đài với những nét đặc trưng, thể hiện trên trang phục của từng Tôn giáo. Hiện, cả nước có khoảng 25% dân số theo các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo... Dù số lượng tín đồ nhiều hay ít, các tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó, nêu cao tinh thần yêu nước, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với hình ảnh quả địa cầu trên xe, khối đại diện cho cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đang rảo bước trên Quảng trường Ba Đình. Hiện, có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù sống xa quê, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn.

Khối Bạn bè quốc tế gây sự chú ý của nhiều khán giả khi diễu hành qua Lễ đài. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia, trao đổi kinh tế thương mại với 224 nước và vùng lãnh thổ và là thành viên của gần 70 tổ chức quốc tế và khu vực.

Tiếp theo là khối thông tấn báo chí. Đây là lực lượng quan trọng trên mặt trận tuyên truyền ở các mặt trận, phản ánh mọi diễn biến của cuộc sống, động viên quân và dân cả nước lao động, chiến đấu... Đến nay, toàn quốc có 706 cơ quan báo chí in; 67 đài phát thanh, truyền hình và hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp.

Khối nghệ thuật biểu diễn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thuộc ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, với các xe biểu tượng, trang phục đặc sắc bước vào Lễ đài.

Khối này cũng biểu diễn một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình thu hút hàng ngàn nghệ sỹ, diễn viên tham gia với màn múa cờ, rồng, trống hội... đặc sắc và phong phú.

9 giờ 5 phút, 1.000 em thiếu nhi thả bóng bay và chim bồ câu lên bầu trời.

Đúng 9 giờ 15 phút chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã thành công tốt đẹp.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm