| Hotline: 0983.970.780

Lùm xùm quanh một dự án khu công nghiệp

Thứ Tư 13/11/2013 , 09:36 (GMT+7)

Đó là dự án KCN Đông Nam, nằm trên địa bàn 2 xã Bình Mỹ, Hòa Phú, huyện Củ Chi (TP.HCM). Thu hồi đất từ 5-6 năm nay, những cánh đồng lúa, màu, những vườn cây trái, trang trại hàng trăm ha ở đây vẫn bỏ hoang hóa, còn hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất trắng tay, không còn nơi bám víu.

Đó là dự án KCN Đông Nam, nằm trên địa bàn 2 xã Bình Mỹ, Hòa Phú, huyện Củ Chi (TP.HCM). Thu hồi đất từ 5-6 năm nay, những cánh đồng lúa, màu, những vườn cây trái, trang trại hàng trăm ha ở 2 xã này vẫn bỏ hoang hóa, còn hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất trắng tay, không còn nơi bám víu. Điều đáng nói là, xung quanh dự án KCN này, có rất nhiều khuất tất, nhập nhèm. 

Nghịch lý!

Trong khi hàng trăm ha ruộng vườn sau thu hồi vẫn bỏ hoang từ nhiều năm nay thì cả ngàn người dân có đất bị thu hồi làm KCN Đông Nam ở 2 xã Bình Mỹ, Hòa Phú, huyện Củ Chi phải tha phương làm thuê, chạy ăn từng bữa.

TỪ KHÁ THÀNH NGHÈO

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huệ, 58 tuổi, ở ấp 1, xã Bình Mỹ chào bằng một câu dài: “Đoạn đường Bến Than giáp ranh hai xã Hòa Phú – Tân Thạnh Đông này trước năm 2007 chỉ một vài quán cà phê, ăn uống lèo tèo, chủ yếu phục vụ bà con ăn sáng trước khi vác cuốc ra đồng. Từ năm 2008 đến nay, hàng quán mọc lên nhiều hơn, tấp nập hơn. Khách đến phần lớn vẫn là nông dân, nhưng là “nông dân thất nghiệp”, ăn xong không vác cuốc ra đồng nữa mà tụ tập bàn tán về KCN, rồi tán dóc, đánh bài…”.

Ghé vào trang trại gây nuôi động vật hoang dã rộng gần 3.000m2 của ông Huệ, chúng tôi thấy những dãy chuồng nuôi nhím, dúi, ba ba, rùa, kỳ đà trống trơn. “Trước năm 1994, khu trang trại này là ruộng nước thấp hơn mặt tỉnh lộ 9 cả mét. Mất gần 2 năm trời san lấp, cải tạo, tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức mới được thế này.



Người dân 2 xã Bình Mỹ và Hòa Phú bức xúc trình bày với PV NNVN

Thời điểm nuôi nhím đang thịnh, chỉ riêng con giống thôi tôi đã kiếm ngót tỷ bạc/năm rồi. Làm chưa được bao lâu thì có quyết định thu hồi. Cứ tưởng không còn phải lo chuyện kinh tế nữa, ai dè… Trang trại của tôi có mấy ao ba ba, chuồng trại con giống được xây dựng kiên cố, chưa kể nhà cửa, cây cối, hoa màu. Vậy mà họ đến kiểm kê tài sản trong vòng có 2 tiếng là xong!”, ông Huệ bức xúc nói.

Cách trang trại của ông Huệ vài chục mét là một “rừng cỏ” cao lút đầu người. Đó nguyên là cơ sở sản xuất lông mi giả của chị Nguyễn Kim Phượng, từng làm ăn phát đạt và tạo công ăn việc làm cho cả chục lao động.


Trang trại gây nuôi ĐVHD rất lớn Ba Huệ nằm trong KCN Đông Nam, được đoàn kiểm kê đến làm việc trong 2 tiếng là xong


Do nằm trong dự án, nhiều năm nay, chuồng trại của ông Huệ trống trơn thế này

Chị Phượng là một trong số ít hộ bị thu hồi đất sớm nhất, năm 2007. Sau khi nhận tiền đền bù, chị Phượng thanh toán nợ nần, mua được một căn nhà nhỏ để 2 mẹ con tá túc là vừa hết. Chị phải mưu sinh bằng cách lang thang nay đây mai đó ở Sài Gòn với nghề cũ.


“Rừng cỏ” này trước năm 2007 là cơ sở sản xuất lông mi giả rất “hoành tráng” của chị Nguyễn Kim Phượng

Ông Nguyễn Văn Đông, 56 tuổi, ở ấp 2 xã Hòa Phú, cho biết, gia đình ông có 4 người, đều trông vào gần 7 công đất ruộng, trồng lúa, sen. Vậy nhưng vừa rồi, ông là người duy nhất bị UBND huyện Củ Chi cưỡng chế thu hồi đất. Hiện nay, 2 vợ chồng ông phải đi khắp nơi tìm việc làm thuê.

Ông Đông nói: “Trung bình mỗi tháng tôi thu khoảng 6 triệu đồng từ mấy công trồng sen. Chưa kể lúa. Dù không giàu được nhưng cả nhà sống khỏe. Giờ họ cưỡng chế, thu hồi rồi bỏ hoang. Nhìn xót lắm mà không biết làm sao”.

Theo ông Đông và nhiều người dân bị thu hồi đất ở 3 xã Tân Thạnh Đông, Hòa Phú, Bình Mỹ thì UBND huyện Củ Chi cưỡng chế, thu hồi đất sai tên dự án; đưa Quyết định thu hồi đất chậm từ 6 tháng đến 2 năm; các căn cứ để cưỡng chế, thu hồi đất là những công văn, văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật; có một vài văn bản quy phạm pháp luật thì đã hết hiệu lực; ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất, quyết định bồi thường không đúng trình tự, quy định của cấp có thẩm quyền; phê duyệt phương án bồi thường không đúng thẩm quyền...

“Vì bức xúc, khiếu kiện nhiều, nên tính đến thời điểm này tôi là người duy nhất bị cưỡng chế”, ông Đông nói.

Ở xã Bình Mỹ, trang trại của ông Nguyễn Trọng Đạt là một trong những mô hình thành công nhất. Trên diện tích 1 ha, chưa tính ao cá, đàn heo rừng, bò, dê của ông mỗi loại lên đến hàng trăm con, đàn gà các loại không đếm nổi. Ông Đạt cho biết, mỗi năm “bèo” lắm ông cũng bỏ túi tiền tỷ từ trang trại này. Vậy mà cuối cùng, ông phải ngậm ngùi giải tán hết đàn gia súc, gia cầm để giao đất cho huyện… bỏ hoang.

Ở NHÀ XÂY, CHẠY ĂN TỪNG BỮA

Hầu hết các gia đình có đất bị thu hồi hiện đều có hoàn cảnh giống nhau. Đó là, nhận một cục tiền đền bù xong, họ không biết làm gì ngoài việc chia cho các con, sửa sang nhà cửa. Hộ nào bị thu hồi trắng thì dùng số tiền ấy mua đất, làm nhà… xong là vừa hết. Giờ chỉ biết đi làm thuê, hoặc ăn dần vào tiền đền bù.

“Gia đình tôi chỉ có 1,25 công đất, vừa là nhà ở, vừa làm vườn, trồng cây ăn trái. Nhưng cũng đủ sống qua ngày cho 4 người. Rồi cán bộ đến bảo thu hồi, bồi thường cho tôi 492 triệu, tôi không đồng ý vì số tiền ấy làm sao đủ cho chúng tôi xoay xở đây?

Họ bảo nếu không nhận tiền là mai mốt ra Trung ương mà nhận tiền. Thế là tôi đành chấp nhận. Cầm tiền đi mua miếng đất 300m2, cất nhà ở xong là vừa hết tiền. Giờ có nhà xây, nhưng phải chạy ăn từng bữa. Khổ lắm chú ơi”, ông Tạ Văn Nu, 65 tuổi, ở ấp 3, xã Bình Mỹ, nói như khóc.

Ông Lê Văn Thiết, 70 tuổi, có gần 1,3 ha đất ruộng, trồng lúa 3 vụ, bình quân 1 năm thu khoảng 20 tấn thóc. Sau khi bị thu hồi, hiện ông Thiết chỉ còn mảnh vườn nhỏ sau nhà trồng cây ăn trái, là nguồn sống của 7 người. Tháng 5/2008, ông nhận tiền bồi thường 95.000 đồng/m2, được 1,1 tỷ đồng. Số tiền này hiện cũng đã bay đâu hết.

Ông Tạ Văn Giò, 57 tuổi, có 1,1 ha trồng bưởi, sầu riêng, măng cụt và bông lài, kể: “Gia đình tôi cả con, dâu, cháu gần 20 người chỉ trông vào mảnh vườn này. Nhưng đủ sống. Chỉ riêng bông lài thôi, mỗi tuần thu 3-4 triệu chứ không ít. Tháng 1/2009, tôi nhận tiền bồi thường được 1,7 tỷ đồng. Về chia cho các con mỗi người hơn trăm triệu để sửa sang nhà cửa. Thế là hết”.



Những người dân nghèo, bệnh tật càng nặng hơn vì lo buồn cho những ngày sắp tới (trong ảnh: anh Nguyễn Văn Hồng và bà Nguyễn Thị Tím)

Bà Nguyễn Thị Tím, 75 tuổi, ở ấp 3, Bình Mỹ, có 330m2 đất vườn, nhà, bị thu hồi trắng. Nhưng bà chỉ được bồi thường số tiền 220 triệu đồng (?). Cầm tiền về, bà không biết làm gì cho “ra tấm ra món”, cuối cùng, cứ hao mòn dần, nay cũng đã hết! Bà trở thành trắng tay thực sự, phải đến tá túc nhờ ở nhà người anh ruột.

Ghé vào căn nhà trống trước hở sau của hộ anh Nguyễn Văn Hồng, 49 tuổi, nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ, chúng tôi không khỏi xót xa. Anh Hồng bị bệnh gút, từ 7-8 năm nay, các khớp chân, tay nổi những cục to bằng trái táo, đau nhức khiến anh không thể đứng, phải di chuyển bằng chiếc ghế đẩu và đôi tay.

Hàng ngày, vợ anh phải đi gần 2 chục cây số để làm thuê lấy hơn trăm ngàn đồng nuôi chồng và 3 con đang đi học. Anh là một trong số hơn 20 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù. “Sao anh không nhận tiền đền bù?”, tôi hỏi. “Đất thổ cư, mặt tiền ở đây giá 6-7 triệu đồng/m2 mà họ đền bù có hơn 1 triệu, làm sao chấp nhận?”, anh Hồng đáp.

Tại xã Hòa Phú, hàng chục hộ dân chúng tôi gặp cũng trong tình cảnh như các hộ ở xã Bình Mỹ.

“Trước giờ bà con chỉ biết làm ruộng, nên nhận tiền đền bù xong lấy ra sửa sang nhà cửa, mua đất làm nhà mới, chia cho các con… cuối cùng hết. Chúng tôi cũng đã tổ chức mấy lớp tập huấn chuyển đổi nghề cho bà con, nhưng hiệu quả chưa cao”, ông Huỳnh Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm