| Hotline: 0983.970.780

Một giống tốt năm nay, nhưng vài năm sau sẽ khác...

Thứ Hai 26/06/2017 , 09:15 (GMT+7)

Ông Hà Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia đã bộc bạch nhiều điều với NNVN xung quanh vấn đề sửa đổi các quy định công nhận giống cây trồng. 

Tiếp tục vấn đề sửa đổi các quy định công nhận giống cây trồng như thế nào để giống đưa ra SX đúng với bản chất của giống, không có chuyện khi vượt qua "cửa ải" hội đồng thì là hoa khôi, ra đồng ruộng lại biến thành "Thị Nở"...

Lâu nay có tình trạng một số giống lúa dù tự quảng cáo là chống chịu tốt lại bị dịch trên diện rộng. Phải chăng công tác đánh giá tính chống chịu của giống có vấn đề, thưa ông?

Tất cả các giống cây trồng mới sau khi nghiên cứu chọn tạo hoặc nhập nội theo quy trình công nhận giống của ta từ trước đến nay chủ yếu quan tâm đến năng suất, chất lượng còn tính chống chịu sâu bệnh, hạn, rét, mặn làm chưa tập trung, chưa bài bản. Thứ nữa, do 10 năm trước đây biến đổi khí hậu chưa phức tạp như hiện nay, giờ thị mọi thứ đã khác.

Nay cần tập trung vào đánh giá tính chống chịu sâu bệnh, chống chịu điều kiện bất lợi. Cần đưa nó vào thành chỉ tiêu bắt buộc để đánh giá trong điều kiện nhân tạo, đối với sâu, rầy phải nuôi cấy sau đó thả vào, đối với bệnh cần tạo vết thương cơ giới rồi truyền bệnh vào xem giống có chống chịu được không.

Ngoài ra khi khảo nghiệm sản xuất cần tìm những nơi có áp lực sâu bệnh cao để thử giống ngoài tự nhiên. Công việc này phải giao cho cơ quan chuyên môn là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm chứ không nên giao cho tác giả giống tự liên hệ với Viện BVTV vì tính khách quan không cao. Phải có 1 đầu mối chịu trách nhiệm về việc này thì kết quả đưa ra mới chính xác.

Cho nên bây giờ nhiều giống khi đánh giá là kháng vừa (trung bình) nhưng khi ra thực tế hiệu quả kháng rất thấp, vẫn bị nhiễm sâu bệnh. Bởi thế, theo tôi giai đoạn này ngoài đánh giá thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng nhất định phải đánh giá chống chịu. Chống chịu giờ phải là quan trọng số 1 vì hiện nay với cây lương thực đã có bộ giống năng suất, chất lượng tương đối nên cần quan tâm đến tính chống chịu, nhất là chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét, chịu mặn.

Dựa vào đâu ông đưa ra khuyến cáo như vậy?

Tôi nói có cơ sở thực tiễn cả đấy.

Hai sự cố giống điển hình là BC15 cách đây mấy năm và Thiên ưu 8 vừa qua phải nói khách quan là chúng tốt về năng suất, về chất lượng nên được phát triển, mở rộng diện tích rất nhanh, đứng hàng nhất nhì ở miền Bắc. Tuy nhiên đặc tính của BC15 là dễ nhiễm đạo ôn, còn Thiên ưu 8 trong báo cáo đánh giá ban đầu kháng trung bình nhưng khi phát triển ở diện tích lớn vẫn thành dịch.

Muốn thành dịch có 3 điều kiện, cần diện tích cây vật chủ lớn tạo nguồn thức ăn sẵn có, cần vi sinh vật gây bệnh cư trú nhiều, cần nhiệt độ, ẩm độ phù hợp. Ba yếu tố đó đều có ở vụ xuân năm nay tại Hà Tĩnh. Đối với những năm như vậy cần phòng trừ ngay tại giai đoạn đạo ôn trên lá, phòng trừ là chính chứ không phải trị khi đã mắc bệnh. Giai đoạn lúa trỗ cần phải phun ngay mà phải phun kép.

Ở đây ngoài chuyện phòng trừ chủ quan còn có thể xuất hiện các nòi đạo ôn mới có tính độc cao hơn khi Hà Tĩnh trồng liên tục, trên một diện tích lớn Thiên ưu 8. Cho nên để an toàn sản xuất cần luân chuyển giống dù tốt đến mấy để cắt đứt nguồn sâu bệnh. Đối với đạo ôn, nếu phòng trừ tốt sẽ không thành dịch.

Điều quan trọng nữa mà chúng ta chưa làm được là giống sau khi được công nhận chính thức vẫn phải quản lý chất lượng, đánh giá lại khả năng chống chịu sâu bệnh. Vì sao? Vì sau khi giống ra rồi nếu tác giả không chọn lọc tốt, có thể theo thời gian từ mức nhiễm trung bình nó mất tính kháng đi, dễ bị nhiễm. Mức kháng cao là điểm 0, điểm 1, kháng trung bình là điểm 5, nhiễm vừa là điểm 7, nhiễm nặng là 9 điểm.

Đối với BC15 dễ bị đạo ôn nên vụ đông xuân không khuyến cáo cấy, còn với Thiên ưu 8 có tính kháng vừa, nhưng vẫn có thể thành dịch khi gặp 3 điều kiện: lượng vật chủ lớn (diện tích trồng nhiều), vi sinh vật gây bệnh nhiều, thời tiết ẩm độ, nhiệt độ phù hợp cộng thêm với việc phòng trừ không tốt.

Xin cảm ơn ông!

"Bài học rút ra là không nên sử dụng dụng 1 giống liên tục mà ít nhất 2 vụ lại chuyển sang giống khác rồi quay lại sử dụng tiếp (cần có những bộ giống tương đương nhau để luân phiên). Các giống được công nhận vẫn cần kiểm tra tính đúng giống, kiểm tra tính chống chịu sâu bệnh. Bởi có khi sau công nhận, qua quá trình nhân giống có thể làm thay đổi một số đặc điểm của giống, nhất là lúa thuần. Thiên ưu 8 có thể lúc công nhận có tính kháng vừa, nhưng sau 7 - 8 vụ sản xuất có khi lại mất dần đi tính kháng.

Sau khi công nhận nhất thiết vẫn cần kiểm tra, theo dõi nhất là với những giống đã có diện tích sản xuất rộng. Có đáng bao nhiêu đâu? Quản lý 1 giống 1 năm mất khoảng vài chục triệu nhưng xảy ra sự cố thì mất cả trăm, cả ngàn tỉ. Nay cứ bảo xã hội hóa, các công ty phải tự kiểm tra sản phẩm của mình nhưng theo tôi vẫn phải có cơ quan có trách nhiệm kiểm tra song song và độc lập. Tôi nói điều này không phải vơ việc về cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm đâu", ông Hà Quang Dũng.

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng

Công ty AVAC Việt Nam thành công cung ứng 3 triệu liều vacxin ra thị trường, thể hiện hiệu quả bảo hộ vượt trội và tiềm năng mở rộng đối tượng tiêm phòng.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.