| Hotline: 0983.970.780

Muốn chấn chỉnh lễ hội, cấp trên phải làm gương

Thứ Năm 05/03/2015 , 06:16 (GMT+7)

Chia sẻ với Báo NNVN về những biến tướng trong lễ hội hiện nay, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng, muốn chấn chỉnh lễ hội trở lại với phong tục truyền thống thì vấn đề số 1 là cấp trên phải làm gương.

Phục hồi cái hay, bỏ cái dở

Làm sao để vấn đề tâm linh, tín ngưỡng không trượt thành mê tín dị đoan, thưa ông?

Tâm linh cần làm theo hướng tốt. Thí dụ như tránh vấn đề hình thức chủ nghĩa. Đi lễ chùa chỉ cần 1 nén hương là thành tâm chứ không phải như bây giờ đi chùa, đi đền càng nhiều hương đốt càng tốt, đồ mã càng đốt nhiều càng tốt.

16-27-51_img_4039
Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Trong dân gian có quan niệm “Một tí lộc thánh bằng một gánh lộc trần”, cho nên người ta quan niệm càng cướp được nhiều lộc thánh thì càng tốt. Điều đó cần hiểu ra sao, thưa ông?

Đó là do tư tưởng cạnh tranh có từ sau đổi mới, còn trước đấy không có. Cho nên người dân cần hiểu rằng tâm linh là không thể mua bán được.

Có ý kiến cho rằng, vì từ sau 1954, ở miền Bắc, chúng ta đả phá tất cả các vấn đề tâm linh tôn giáo cho nên đã tạo ra sự đứt gãy về lễ hội và thuần phong mỹ tục. Những thế hệ đi trước không có cơ hội trao truyền tinh hoa văn hoá của cha ông cho thế hệ sau. Vì thế, lớp hậu sinh này tuy thiếu hiểu biết nhưng thừa “tinh nhạy” với “lợi lộc” từ lễ hội, nên đã phục hồi lễ hội một cách ồ ạt và bày vẽ thêm để trục lợi khiến cho lễ hội bị biến tướng, lệch lạc?

Đấy là đúng. Đó là vấn đề về lịch sử. Tôi cho cái chính nhất vẫn là vấn đề tư tưởng. Trước đây quá ư tập thể, bây giờ quá ư cá nhân, thành thử ra hai cái không đều nhau.

Thưa ông, hiện nay liệu có phải người dân đang thiếu niềm tin nên họ đi tìm niềm tin ở thần thánh hay không?

Đúng vậy. Người dân đang thiếu niềm tin. Niềm tin đó ở đâu? Là ở người lãnh đạo. Vì không có niềm tin nên mọi thứ đều hình thức. Khái niệm quan trọng nhất đối với tôi là người đứng đầu phải làm gương. Người trên làm gương tốt thì không phải tuyên truyền nhiều, nhân dân sẽ làm theo. Đó cũng chính là phong tục Á Đông.

Các lễ hội truyền thống theo tục lệ cũ như chém lợn, đập trâu vừa qua đã tạo ra nhiều tranh luận ồn ào. Theo ông, trong thời đại giao lưu quốc tế hiện nay, có nên giữ lại các tục lệ cũ không?

Mình phục hồi nhưng những cái dở phải bỏ đi. Bỏ ngay lập tức thì có thể người ta sốc. Tôi xin dẫn một vài ví dụ trong thời gian tôi làm Chủ tịch Quỹ Văn hóa Thụy Điển và Chủ tịch Quỹ Văn hóa Đan Mạch đã phục hồi phong tục tập quán tốt, bỏ đi những tục lệ không tốt.

Ở Phú Thọ có tục thờ Nõ Nường, một thời bị mất. Chúng tôi tham gia khôi phục. Nhưng chúng tôi không khôi phục đầy đủ tục lệ này mà chỉ lấy cái hồn của tục lệ mà thôi.

Nõ Nường ngày xưa ở làng đó, đêm đến tắt đèn, sau đó tất cả trai gái ra ngoài sân ngủ lẫn với nhau. Chúng tôi làm hồi sinh lễ hội nhưng không phục hồi hoạt động ngủ đêm. Vì thế, nhìn vào lễ hội chém lợn, đâm trâu, thì cần giữ được cái thần của lễ hội, ngoài ra có thể tìm cách thay thế bằng lợn giả hay trâu giả.

Hay chúng tôi cũng giúp làng Lệ Mật, nay là phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), họ có tế lễ múa rồng giết rắn. Chúng tôi không phục hồi toàn bộ mà chỉ phục hồi những mỹ tục của lễ hội.

Tóm lại, về phần tâm linh, cần làm thế nào giữ được cái tốt của tục lệ, còn những cái xấu thì cần thay đổi.

Cấp trên phải làm gương

Phải chăng lễ hội hiện nay đang mất đi nét đẹp truyền thống mà sa đà vào hình thức chủ nghĩa, thưa ông?

Theo tôi phải xem lại cái hồn của các hội mùa xuân ngày xưa. Bây giờ nói đến là cái gì? Đứng về phương diện xã hội học, cái gốc và cái thiêng liêng của lễ hội mùa xuân là Tết. Hồn của Tết tỏa ra hồn của các hội hè: Một phần tâm linh, một phần vui chơi trong làng xã. Ngày xưa đi sát 2 vấn đề đó thì không có những biến tướng trong lễ hội.

Xã hội càng hiện đại thì con người dường như càng tin vào mê tín dị đoan. Họ tin rằng có những đấng siêu nhiên nào đó ban cho họ chức này tước kia. Họ cầu xin thần thánh cũng tức là hối lộ thần thánh...

Buôn thần bán thánh (cười). Tôi cho tất cả những sự kiện tiêu cực đó chỉ đẻ ra nhiều nhất từ sau đổi mới (1986). Đấy là cái mốc của lịch sử. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta đi lễ đền chùa là giữ tâm linh để cho bình an, yên ổn là chính, chứ không phải là đi cầu giàu sang, chức tước. Cái xuất phát của hiện tượng này là phải thấy từ sau đổi mới.

Phải nói rằng đó là mặt trái của đổi mới, tức là kinh tế thị trường. Đã gọi là kinh tế thị trường, ở tất cả các nước trên thế giới, đều cạnh tranh. Nói chung, ngay cả những nước lớn, bắt đầu kinh tế thị trường đi lên từ chủ nghĩa tư bản dã man. Sau khi đi vào ổn định, chủ nghĩa tư bản mới có các quy luật để kìm hãm những cái từ thuở dã man đó.

Theo ông, làm thế nào để lễ hội trở về với thuần phong mỹ tục truyền thống, để những nét đẹp văn hóa không bị những biến tướng trong lễ hội làm méo mó đi?

Muốn lễ hội trở về với thuần phong mỹ tục truyền thống phải cải tạo tất cả tư tưởng xã hội. Cần đặt trong vấn đề cả xã hội phải cải tạo, chứ không phải chỉ lẻ ra một việc, có lệnh cấm làm việc này, cấm làm việc kia. Trong khi người ta không có cái chung, chỉ nghĩ đến cá nhân mà không nghĩ đến tập thể, thì những biện pháp không đồng bộ sẽ như muối bỏ biển.

Trong đó, vấn đề số 1 tôi cho rằng cấp trên phải làm gương. Trên mà nghiêm thì dưới phải theo. Làm gương từ những người đứng đầu làng xã đến Trung ương. Bây giờ các vị lãnh đạo cấp trên lại đi tin thầy bói, đi lễ chùa để cúng tiền làm cái chùa thật to chứ không nghĩ đến cái hồn của ngôi chùa thì làm thế nào nhân dân tin tưởng làm theo được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm