Đổ máu bởi… bề bề
Trước đây, ấn tượng của tôi về loài giáp xác này vỏn vẹn chỉ là giá rẻ và ăn rất… khó chịu vì toàn vỏ là vỏ.
Thế mà tôi đã nhầm, nhầm to là đằng khác. Loại bề bề bán hàng rổ ở chợ mỗi cân chỉ vài chục ngàn đồng ấy là bề bề canh, con nhỏ như ngón tay chuyên dùng để nấu cho ngọt nước. Có một loại bề bề nữa là bề bề khơi thân to như cổ tay, bắp tay, hai con đặt vừa một đĩa quý đến mức có giá cả nửa triệu đồng một cân mà không phải lúc nào xỉa tiền ra cũng có được.
Bề bề hay còn gọi là tôm tít, tôm tích, tôm thuyền, tôm búa tùy vùng miền là tên của nhóm giáp xác biển. Chúng thuộc loại họ tôm dữ chuyên ăn thịt sống, săn cá nhỏ, nhuyễn thể và giáp xác nhỏ hơn với đôi chân thứ nhì rất to thường gọi là càng chuyên dùng để tìm diệt.
Bề bề có mặt rộng rãi tại những vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên toàn cầu, con to nhất bắt gặp ở vùng biển Đỏ thân dài tới 24,8cm. Mặc dầu phân bố phổ biến như thế nhưng những hiểu biết về bề bề chưa nhiều ngoài một số nghiên cứu về phân bố, sản lượng khai thác, đặc điểm sinh học.
Thạc sĩ Bùi Văn Điền (Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Bắc) kể năm 2009 anh bắt đầu quan tâm đến con bề bề thuyền bởi lúc sản xuất tôm giống tình cờ có mua được vài con từ những người chuyên khai thác ở vùng đảo Cát Bà (Hải Phòng).
Tò mò bởi kích cỡ to lớn của chúng cũng như độ quý hiếm nên anh đã thử thả vào bể nuôi. Bề bề khác hẳn tôm ở chỗ khi chưa vào chắc thì thịt rất óp, cảm giác chỉ toàn vỏ là vỏ nhưng đến mùa, nhất là giai đoạn sinh sản từ tháng ba tới tháng năm âm lịch và từ tháng 9 tới tháng 11 âm lịch thịt chắc lấp đầy vỏ. Khi ấy thực khách chỉ việc dùng kéo rạch hai đường bên hông chúng rồi lật vỏ ra, bên trong ú ụ thịt. Ở điểm chắc lép theo mùa này bề bề rất giống cua hay ghẹ.
Chưa nơi nào ở Việt Nam nuôi bề bề trong khi đó sản lượng đánh bắt tự nhiên của loài này đang cạn kiệt thấy rõ. Để sưu tầm thêm bề bề giống, anh Điền phải đi cùng tàu khai thác lênh đênh trên biển cách bờ hàng chục hải lý.
Ba bốn ngày ròng ăn biển, ngủ biển như vậy cùng lắm mua được mươi cặp đủ tiêu chuẩn là cùng. Buổi nào bận không trực tiếp đi biển được thì phải ngóng trực từng giờ, từng phút. Hễ nghe điện thoại báo: “Bề bề về!” là tung chăn mà dậy. Dù đang ngủ với vợ cũng phải tốc táo lên đường mà đón bề bề về trung tâm.
Bề bề giống
Bề bề bắt từ tự nhiên về thả ở môi trường lạ hai ngày đầu không ăn gì, mười con chết chín khiến anh lạnh cả sống lưng. Một con bố mẹ giá mua vào đã 200.000đ mà cả vài chục cặp rủ nhau “đi” một lúc thì sao không buốt trong lòng? Số sống sót, quen thung thổ nước nôi, con đực mới giở trò tán tỉnh con cái. Cái bơi đằng trước, đực cứ bám sát gót ở phía sau.
Cái kiêu kỳ búng đuôi, xua đuổi, nó giơ cả tám cái gai nhọn lên hăm dọa nhưng đực vẫn không chờn lòng mà vòng lên phía đầu tán tiếp. Rất nhiều lần búng đuôi, vòng đầu đón chặn như vậy, vũ điệu tán tỉnh kết thúc bằng màn giao vĩ (dính hai đuôi vào nhau - PV).
Trứng đã được thụ tinh, bề bề mẹ ôm bọc trứng như canh kho báu. Hễ thấy động hay có ánh đèn chiếu tới là nó đề cao cảnh giác, giấu trứng rất kỹ xuống đáy. Lúc đầu anh Điền còn tưởng là chúng ăn lẫn trứng của nhau nhưng sau nhiều lần quan sát mới phát hiện ra đặc điểm độc đáo này. Lắm con mẹ giấu kỹ quá, không thể tìm ra. Bọc trứng tội nghiệp không được ấp sẽ bị ung hết.
Bình thường bề bề đã nổi tiếng hung dữ, khi nó đẻ đặc tính đó còn được nhân lên gấp bội. Bởi thế, nghiên cứu về loại động vật nhiều chân này nhà khoa học cũng phải đổ máu nhiều lần dù không đến mức nguy hiểm tính mạng. Số là đuôi bề bề có tám cái gai sắc lẹm như lưỡi dao lam, chỉ búng cái là toạc da, là đứt thịt đối thủ.
Bề bề thuyền trong tự nhiên đang cạn kiệt, giá bán rất đắt đỏ nên nghiên cứu để sản xuất giống được hi vọng sẽ là một đối tượng nuôi trồng rất có tiềm năng. |
Thêm vào đó, đầu bề bề còn có đôi “càng” nhọn như đoản kiếm rất lợi hại cho việc đâm chọc. Ngư dân khai thác dày dạn kinh nghiệm mà quên không đeo găng tay thì vẫn bị bề bề búng, cặp vào tay đổ máu như thường. Lúc bắt con bề bề cái đang ôm bọc trứng ra khỏi bể cho tôi chụp ảnh, bàn tay anh Hạnh cũng nhạt nhòa một màu đỏ. Vợ anh Hạnh cùng nằm trong nhóm nghiên cứu nên lắm buổi về nhà tay cả hai đều bông băng trắng xóa. Cũng đành cười xòa với nhau một tiếng chứ còn biết làm sao?
Trong những cái bể xi măng của Trạm Nghiên cứu thủy sản nước lợ tại Hải Thành (Dương Kinh – Hải Phòng) tôi tha hồ ngắm nghía những con bề bề to lớn khác thường ôm những bọc trứng hồng hào bơi lội tung tăng. Ban đầu anh Điền nghĩ bề bề là họ tôm nên quá trình sản xuất sẽ giống tôm nhưng chúng lại giống cua hơn.
Tôm mẹ thành thục, trứng thụ tinh rồi được đẻ ra một thời gian là nở thành ấu trùng, qua nhiều giai đoạn hóa thành tôm con còn bề bề đẻ ra bọc trứng liên kết với nhau bằng màng nhầy rồi ấp ở miệng bằng những cặp chân. Hàng ngày nó nằm ngửa ra vệ sinh và đảo trứng bằng chân, hễ có động là đem trứng giấu biệt vào cát, vào hang hốc. Cứ ấp trứng thế chừng 10-15 ngày sẽ nở. Đặc tính ấp trứng này rất giống cua và khác hẳn tôm biển bởi tôm biển đẻ trứng xong là thôi (tôm nước ngọt cũng đẻ trứng và ấp - PV).
Ấu trùng của bề bề ăn những thứ tương tự như ấu trùng của cua từ trứng artemia đến thức ăn tổng hợp. Chúng cũng rất cần đáy cát hoặc giá thể vì có tập tính thích đào lỗ. Nghiên cứu các loại đáy bằng cát mịn, rong câu, vỏ san hô sò điệp thì thấy đáy cát thích hợp nhất, dễ áp dụng nhất cho sản xuất bề bề giống. Hiện nay anh Điền đã cho bề bề đẻ và nuôi thành công nhưng mới chỉ ở quy mô thí nghiệm.