| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý ở một xã nghèo

Thứ Sáu 01/03/2013 , 10:09 (GMT+7)

Nếu xét theo diện nghèo, khó thì không ngờ một xã hoàn toàn chỉ có người Kinh, lại đứng đầu trong tốp nghèo nhất của 15 xã thuộc huyện Tri Tôn.

Thấy chúng tôi quan tâm về nghịch lí là xã có nhiều “tỉ phú nông dân” mà xin xét diện khó khăn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) Nguyễn Văn Văn (thạc sĩ kinh tế) bộc bạch: “Lí do là, nếu tính thu nhập đầu người và năng suất lúa thì rất khó để cấp trên công nhận xã nghèo".

Nếu xét theo diện nghèo, khó thì không ngờ một xã hoàn toàn chỉ có người Kinh, lại đứng đầu trong tốp nghèo nhất của 15 xã thuộc huyện Tri Tôn. Thậm chí nghèo hơn cả các xã có người Khmer và xã biên giới trong huyện, như Lạc Quới, Vĩnh Gia, Lê Trì, Lương Phi, Núi Tô…

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Văn cho biết thêm: "Tính bình quân đầu người thì xã đạt trên 15,5 triệu đồng/người/năm, còn năng suất lúa lại thuộc loại cao, có khi đến 9 - 10 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa năm qua cũng đạt khoảng 57.000 tấn. Có điều, cái khổ là ruộng của các chủ đất ngoài tỉnh sở hữu và canh tác hoặc cho thuê mướn lại, chứ ruộng của người dân, khoảng 6.000 dân (420 hộ), trong xã chỉ được khoảng 27% trên diện tích 5.000 ha ruộng của xã”.

Ông Ban, Bí thư Đảng ủy xã, giải thích thêm: “Trước đây vùng này là cánh rừng tràm bạt ngàn, sau năm 1975, Nhà nước khuyến khích khai hoang và mỗi người đến đây được 1 phần đất, tính từ bờ kênh chạy sâu vào giữa khoảng 500 m (đất nằm giữa hai kênh đào là 1.000 m, được chia làm hai phần) và được đo dọc theo kênh để có tổng diện tích là 3 ha/vạt đất. Nhưng do đất bị phèn nặng nề lại ít có kinh tháo phèn, thau chua, nên nhiều người làm ruộng bị lỗ triền miên, khiến đất bị thay đổi chủ nhiều lần. Khi đất rẻ, các đại gia đến thu mua”.

Giá bán cho lần thay đổi chủ sau cùng vào khoảng 30 triệu đồng một vạt đất. Sau nhiều chủ làm ruộng, lại được Nhà nước đầu tư lớn về thủy lợi khoảng mười năm trở lại đây nên vùng này có được năng suất lúa rất cao, lại làm được 3 vụ/năm, nhưng lúc này ruộng đất đã tích tụ về cho những điền chủ ở các nơi khác và có người đến 1.050 ha, còn loại điền chủ nhỏ cũng có vài trăm, vài chục ha ở các địa phương khác đến mua là chuyện thường. Đến nay, người dân không còn “cục đất chọi chim”, nếu muốn có ruộng thì các điền chủ hét giá 1 phần đất giá ngót nghét cả tỉ đồng.

Ông Bùi Văn Hồng, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi xã cũng góp lời: “Thủy lợi ở đây được Nhà nước đầu tư đảm bảo 3 vụ. Còn giao thông được 2 tuyến đường: tuyến vào xã 2 km; tuyến chạy dọc theo địa bàn xã 7 km; còn đường 92 dài 4 km đã có nền hạ và khoảng 10 km giao thông nội xã mà mùa mưa không đi được”.


Khu tái định cư của xã Vĩnh Phước không có người ở do không có đất SXNN

Ông Hồng cũng cho biết, so với các xã được nhắc tới, giao thông ở Vĩnh Phước còn kém nhiều, mặc dù được tỉnh, huyện quan tâm. Hộ khá ở đây, qua các xã khác chỉ là hộ nghèo mà thôi. Nghịch lí thêm điều này, do xã có đất ven kênh, đường để bố trí định cư, nên phải gánh luôn các hộ nghèo “không có đất cắm dùi” ở các xã lân cận về định cư; thành thử xã nghèo còn là cái túi chứa hộ nghèo từ các nơi.

Các điền chủ lớn, nhỏ không ở tại địa phương làm ruộng mà cho dân xã Vĩnh Phước thuê với giá khiến nông dân cũng “mệt mỏi”: 1 công ruộng tốt giá 2 triệu đồng, còn thấp hơn cũng 1,5 triệu đồng. Có điều họ cho thuê đất khác địa chủ ngày xưa là lấy tiền trước nên nông dân sau đợt làm lúa có thất mùa, lỗ trắng thì chỉ có nước kêu trời, chớ kêu ai.

Chúng tôi xuống thăm các hộ dân có nhà (nhà tôn lá tạm bợ) được bố trí dọc theo tuyến kênh và lộ cà na (lộ mới), địa bàn thuộc 2/4 ấp của xã Vĩnh Phước là An Phước và Vĩnh Lợi. Ông Nguyễn Phước Hồng cho biết: “Tôi và thằng rể (Nguyễn Hiền Hậu) mỗi ngày đi bán vé số kiếm được 100.000 đồng để tự nuôi sống mỗi gia đình có 3 - 4 miệng ăn”. “Ruộng sau nhà không phải của chú sao?". Ông trả lời: “Gần như toàn bộ ấp này không ai có đất và cũng không ai có tiền mướn được ruộng để làm”. “Sao vậy chú?”. “Chúng tôi nghèo không có khả năng mướn đất”.

Đưa chúng tôi rời khỏi ấp, anh Lê cho biết thêm: “Các anh nghĩ coi, một công đất mướn giá cũng từ 1,5 - 2 triệu đồng. Mướn vài công cũng không có tiền, mà chẳng lẽ họ xẻ đất ra cho anh mướn vài công?”. Quan sát nhiều căn nhà đóng cửa, bỏ không, anh Lê cho biết: “Đó là nhà của các hộ đi làm mướn xa ở các nơi. Ở Bình Dương là nhiều nhất”.

Sang ấp Vĩnh Lợi, ông Võ Văn Chí, Trưởng ban ấp, cho chúng tôi biết thêm tình hình ở ấp: “Ấp tôi quản lí có khoảng 86 hộ dân, khoảng 30 hộ có đất, tính bình quân được 1,5 ha/hộ, hộ nhiều 3 ha, hộ ít vài công. Còn lại người dân làm thuê kiếm sống, không có tiền mướn đất. Ở đây có được vài hộ có tiền thuê đất nhưng cũng bấp bênh lắm”. Sao lại bấp bênh? Ông Nguyễn Văn Hiến, 61 tuổi, cho biết: “Trên tính toán, trừ tiền thuê đất, mỗi năm 2 vụ, hoặc 3 vụ, 1 công còn được khoảng 3 triệu đồng. Trừ chí phí, công, vật tư, 1 năm/công còn được 1 triệu hoặc trên triệu đồng. Nếu có việc làm đều đều thì làm mướn sướng hơn thuê đất làm ruộng”. Nghe ông nói mà chúng tôi thấy buồn cho người nông dân sống ngay trên mảnh đất “cò bay thẳng cánh”!

Vợ chồng anh Phạm Thanh Giang, 31 tuổi, người mướn được 20 công đất, tâm sự: “Em thấy cũng như chú Hiến nói, mướn ruộng cũng lo lắm vì chủ họ lấy tiền trước, còn được hay không thì người mướn chịu, nên theo em, làm ruộng kiểu này, lời thì lời ít mà lỗ thì lỗ nhiều”.

Về xã, hỏi thêm việc làm từ thiện của những “đại gia đất”, ông Văn cho biết: “Kêu gọi họ cũng mệt mỏi lắm. Ngay cả việc áp thuế vượt hạn điền mà nhiều vị cũng kéo dài, chưa thực hiện xong”. Nghe ông Văn, ông Ban bức xúc: “Vận động họ tham gia vào công tác xã hội cũng không phải là chuyện dễ”.

Để giúp đỡ nông dân xã Vĩnh Phước có trên 70% nghèo khổ, không có đất, làm mướn, cần có khảo sát cụ thể để đưa xã vào diện khó khăn có chính sách hỗ trợ. Mặt khác, nếu cần có chính sách thuế vượt hạn điền, buộc chủ điền chia sẻ quyền lợi cho nông dân.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm