| Hotline: 0983.970.780

Người dân phải có việc làm ổn định

Thứ Tư 11/12/2013 , 10:40 (GMT+7)

UBND huyện Hoài Đức xác định ngay từ đầu, muốn cán đích NTM nhanh và giữ vững thì việc đầu tiên là lo cho người dân có việc làm với thu nhập ổn định.

Là huyện ngoại thành Hà Nội, huyện Hoài Đức có diện tích đất tự nhiên gần 8.400 ha, gần 53.000 hộ với 218.511 người. Huyện có 19 xã, 1 thị trấn với khoảng 1.000 DN và 13 làng nghề. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hoài Đức xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: UBND huyện xác định ngay từ đầu, muốn cán đích NTM nhanh và giữ vững thì việc đầu tiên là lo cho người dân có việc làm với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng bị thu hẹp để phục vụ đầu tư xây dựng cho khoảng 90 dự án là các công trình phúc lợi tập thể, điểm công nghiệp, đô thị; trên 1.400 ha đất để xây dựng các công trình KT-XH, an ninh quốc phòng. 

Đứng trước vấn đề này, lãnh đạo huyện xác định: Nếu hết đất nông nghiệp thì người dân phải có trình độ tay nghề để làm những công việc có tính kỹ thuật cao. Vì vậy, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo từ huyện đến cơ sở phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc phát triển KT-XH địa phương.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu kiểm tra một cơ sở trồng nấm tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức

Năm 2004, khởi điểm của hướng đi đổi mới đó là sự ra đời của Trung tâm Dạy nghề huyện với tổng diện tích 5.140 m2 gồm 19 phòng, trang thiết bị tương đối đầy đủ cho 9 nghề, gồm: dệt len, nấu ăn, hàn, kỹ thuật điện, tin học… Ngoài số kinh phí đầu tư gần 5.400 tỷ đồng (từ năm 2004-2010), mỗi năm UBND huyện cũng trích thêm 200 - 350 triệu đồng để công tác đào tạo nghề được thuận lợi hơn.

Từ đó đến nay, Trung tâm đã mở được 104 lớp sơ cấp nghề cho 3.107 học viên. Đa số sau khi qua đào tạo đều có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt, có một số học viên lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng nấm đã tự mở rộng mô hình sản xuất (SX) để mang lại thu nhập cao cho bản thân và thu hút thêm nhiều lao động cùng địa phương.

Cũng theo ông Đức, lao động nông thôn có thu nhập ổn định đã khiến cho huyện nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng NTM. Thế nhưng, việc tuyên truyền và tư vấn học nghề chưa được thường xuyên, sâu rộng nên tỷ lệ lớn người dân vẫn chưa hiểu hết tác dụng của học nghề và chưa kiếm sống được bằng nghề đã học.

Thêm vào đó, đào tạo nghề mới chỉ dừng lại ở một địa chỉ duy nhất là Trung tâm Dạy nghề huyện nên cũng chưa đáp ứng được một số nghề theo nhu cầu. Ngoài ra, chính sách học nghề hiện nay quá thấp nên chưa khích lệ được cả người dạy lẫn người học cùng tham gia.

Để khắc phục những bất cập trên trong năm 2014, đại diện huyện Hoài Đức cho biết, dù đã có nhiều xã cán đích NTM nhưng giữ được nó cần phải có lộ trình. Vì vậy, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề đối với DN và lao động trên địa bàn huyện. Đồng thời huy động các nghệ nhân, kỹ sư và người lao động có tay nghề giỏi trong các DN, cơ sở SX kinh doanh, làng nghề tham gia xây dựng giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn. 

Ông Đức kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách phù hợp với lao động nông thôn có tuổi từ 35- 60 bởi đây là nhóm đối tượng khó tìm được việc làm (ngay cả khi có trình độ nghề sơ cấp). Đồng thời tạo thêm điều kiện trong chính sách tín dụng sau học nghề để người nông dân có thêm điều kiện để tạo việc làm.

Đặc biệt, cần có chế tài đối với DN không thực hiện theo quy định của pháp luật. Riêng với TP Hà Nội, ông Đức mong muốn TP tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm dạy nghề, đồng thời bổ sung biên chế cho huyện làm công tác chuyên trách về dạy nghề.

+ Ông Lê Hữu Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, kiến nghị: Công cuộc xây dựng NTM sẽ gặp khó khăn nếu Đề án 1956 không nâng mức hỗ trợ cho giáo viên.

Hiện nay, mức hỗ trợ cho giáo viên quá thấp, trình độ tiến sĩ mới được trả 25.000 đồng/giờ. Thêm vào đó, mức vay tiền từ ngân hàng chính sách vẫn gặp khó khăn. Nhiều địa phương mạnh dạn đầu tư cho nông dân đi học nước ngoài, Ban chỉ đạo Đề án 1956 cũng cần tính đến phương án này để hỗ trợ cho địa phương.

+ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: Hà Nội có nhiều điều kiện để ứng dụng công nghệ cao vào SXNN dưới hình thức HTX. Cơ hội phát triển của nông nghiệp sẽ rộng hơn nữa nếu được đầu tư, nâng cao công tác đào tạo những nghề phù hợp với đối tượng là lao động nông thôn.

Vì vậy, cần chuyển đổi những nghề nông thôn có tính truyền thống sang những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa, trồng nấm...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.