| Hotline: 0983.970.780

Người lao động Việt Nam cuối cùng ở Ai Cập đã về nước

Thứ Tư 16/02/2011 , 09:43 (GMT+7)

Ngày 10/2 vừa qua, người lao động VN cuối cùng ở Ai Cập đã phải trở về nước.

Ông Đặng Ngọc Quang, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập

Vừa chân ướt chân ráo trở về Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tham tán thương mại tại Ai Cập hơn 3 năm, hôm qua (15/2) ông Đặng Ngọc Quang đã dành riêng cho NNVN cuộc trò chuyện về nguyên nhân khiến cho người lao động VN cuối cùng ở Ai Cập đã về nước và dự báo trong thời gian tới về thị trường xuất khẩu lao động khá tiềm năng này.

Ông Quang cho biết, ông đã đảm nhiệm vai trò là 1 tham tán thương mại đúng 9 năm 11 tháng ở hầu hết các nước trong vùng Trung Đông. Tại đây, ông phải thực hiện 5 nhiệm vụ: gặp gỡ quan chức chính quyền địa phương; gặp gỡ các doanh nhân có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài; khảo sát nhu cầu tại các chợ; đến thư viện, các cửa hàng sách để tìm hiểu về nhu cầu XKLĐ ở đây và gặp gỡ một số người Việt (cả người đã định cư lâu năm và người mới sang lao động) để nắm bắt về khó khăn, vướng mắc mà người lao động VN đang gặp phải.

Điều gì tại đất nước Ai Cập đã đọng lại trong ông ngay khi hoàn thành sứ mệnh là một tham tán thương mại Việt Nam, thưa ông?

Ai Cập là nước đông dân thứ hai ở châu Phi, với khoảng 83 triệu người. Ai Cập là một nước Hồi giáo với gần 90% dân số theo đạo Hồi, phần lớn thuộc dòng Sunni, một nhánh của Hồi giáo; người theo Thiên chúa giáo chiếm khoảng 10% dân số. Kinh tế Ai Cập phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, môi giới trung gian, xuất khẩu dầu mỏ và du lịch; cũng có hơn 5 triệu người Ai Cập đang làm việc ở nước ngoài, đa số tại Ảrập Xêút, vùng Vịnh như UAE và châu Âu. Chi phí sinh hoạt ở đây cũng rẻ như ở Việt Nam.

Lao động nước ngoài đang làm việc tại Ai Cập chủ yếu là người Philippin và Indonesia sang làm giúp việc gia đình. Tuy nhiên, chỉ có 20 người lao động VN sang đó làm việc, chủ yếu trong nhà hàng khách sạn. Qua khảo sát, tôi thấy có người đang nhận lương đầu bếp từ 3.000-4.000 USD/tháng. Thế nhưng ngày 10/2 vừa qua, người lao động VN cuối cùng đã phải trở về nước.

Vì sao vậy, thưa ông?

Vì phong tục ở Ai Cập cực kỳ khó sống như người làm thuê không được ăn cơm chung với chủ hay phải đi riêng 1 cổng dành cho người giúp việc. Rồi cả những món ăn nữa, họ không thể thích ứng được. Bên cạnh đó, lúc này chính trị Ai Cập đang bất ổn cũng là nguyên nhân khiến cho người lao động VN không thể thích ứng nên phải xin về nước.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng cho rằng, người lao động VN có yếu điểm là khả năng ngoại ngữ quá kém. Có người ở đến 5- 10 năm mà vốn ngoại ngữ không được cải thiện. Nguyên nhân bởi cách sống thụ động, sau giờ làm việc thì chỉ thích ăn uống tụ tập, uống rượu chè mà không dành ra thời gian để học hỏi tiếng. Ngoài ra, người Việt cũng thiếu tự tin, không dám ra ngoài để tìm môi trường cọ xát vốn ngoại ngữ của mình với dân bản địa.

Nếu như về nước sớm hạn, những doanh nghiệp đưa sang có phải chịu trách nhiệm hoàn phí không?

Hiện nay, VN và Ai Cập chưa có ký kết về XKLĐ nên những người lao động này đi dưới hình thức tự do (thi tuyển trên mạng online, đủ điều kiện của các nhà hàng Ai Cập đăng tuyển) và không qua bất kể doanh nghiệp XKLĐ nào cả.

Theo ông tại sao không có doanh nghiệp nào dám đầu tư vào một thị trường có nhiều tiềm năng như Ai Cập?

Được đi nhiều nước trong khu vực, tôi thấy có rất nhiều nhà hàng có người VN. Thế nhưng riêng với Ai Cập chỉ có khoảng 3 nhà hàng có bóng dáng người Việt. Có thể nhìn thấy những khó khăn, rủi ro như đã nói ở trên nên các nhà đầu tư không dám liều.

Bản thân Ai Cập là nước XKLĐ rất lớn và cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Ai Cập có nhu cầu việc làm rất lớn vì dân số hơn 83 triệu người, trong khi người giàu Ai Cập rất thích tìm kiếm người giúp việc là người nước ngoài. Họ sẵn sàng chi trả lương cao hơn thuê người bản địa (khoảng 600 USD/tháng). Có người bảo với tôi, sẵn sàng trả lương cho 1 người quản lý ít nhất là 2.000 USD/tháng, nhiều thì tới 10.000 USD/tháng. Thế nhưng lại có ít người Việt đáp ứng được điều đó bởi ngoại ngữ không đạt yêu cầu.

Chỉ tiêu 87.000 lao động VN đi xuất khẩu vào năm 2011 mà Bộ LĐTB-XH đặt ra liệu có phải là quá khó không trong khi năm 2010 chúng ta chưa đạt được?

Ai Cập là một thị trường được các công ty quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Hoa Kỳ cũng có một lượng lớn dân nhập cư Ai Cập. Ai Cập có thu nhập GDP đầu người ở mức 5.800 USD, đứng thứ 133 trên thế giới. Ngoài ra, hiện tại Ai Cập cung cấp khoảng 55% sản lượng vải cotton trên thế giới.

Số liệu 85.000 hay 87.000 cũng tương ứng như nhau thôi, không có ảnh hưởng nhiều. Và nhiều người cũng đánh giá rằng, kinh tế 2011 sẽ khó khăn hơn năm trước nên tôi e chúng ta cũng không dễ đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra, mục tiêu đó sẽ càng khó đạt nếu như không nhận được sự can thiệp và hỗ trợ của Chính phủ.

Nhiều năm gắn bó với công việc “giám sát” về XKLĐ, theo ông, các doanh nghiệp cần chú trọng điều gì trong năm nay?

Bên cạnh các thị trường truyền thống thì các DN nên tiếp cận thị trường lao động mới ở vùng Vịnh. Ở đây, tuy chính trị một số nước sẽ có nhiều thay đổi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu cần lao động làm việc. Chúng ta nên nắm bắt để có thể tìm kiếm thêm cơ hội làm việc. Bên cạnh đó, đây là những thị trường tiềm năng nên rất cần sự đầu tư vốn và có kế hoạch dài hạn. Chúng ta đừng nghĩ rằng, chỉ tống lao động giản đơn đi bởi nước ngoài cũng như VN, nhóm đối tượng giản đơn này cũng thừa khá nhiều.

Ngoài ra, người lao động cũng cần xác định trước rằng, các ông chủ ở Ai Cập hay các nước Trung Đông cũng khá khó tính và sẵn sàng không trả lương và gửi trả về nước cho người lao động nếu như có biểu hiện của sự vi phạm kỷ luật. Ví dụ như vi phạm quy định không cho phép nam giới đi vào ký túc xá dành cho nữ giới.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất