| Hotline: 0983.970.780

Đã xác định tác nhân gây tôm hùm bông chết ở Khánh Hòa

Thứ Năm 25/04/2024 , 17:37 (GMT+7)

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông ở các mẫu thu tại xã Vạn Thạnh.

Tôm hùm bông bị chết ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Tôm hùm bông bị chết ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Xác định tác nhân gây tôm hùm chết

Ngày 16/4, Sở NN-PTNT Khánh Hòa phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) và UBND huyện Vạn Ninh tổ chức đoàn khảo sát để đánh giá cụ thể tác nhân gây tôm hùm chết trên địa bàn 2 xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng, thuộc vịnh Vân Phong.

Tại các điểm đến, đoàn đã tiến hành đo các thông số cơ bản (nhiệt độ, pH, độ mặn, oxy hoà tan) tại hiện trường. Cùng với đó, thu 4 mẫu nước, 1 mẫu trầm tích ở vùng khảo sát, bảo quản trong dụng cụ chuyên dùng, mang về phòng thí nghiệm của Viện III để phân tích.

Ngoài ra, còn thu 4 tôm hùm nuôi (150 - 210g/con), tôm có dấu hiệu đen mang (ở Mũi Nai, xã Vạn Thạnh), đỏ thân ở cả hai điểm khảo sát, mang về phòng thí nghiệm của Viện III để phân tích.

Đến ngày 22/4, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã có báo cáo kết quả khảo sát tình hình nuôi tôm hùm lồng chết ở các địa phương.

Theo đó, đối với mẫu môi trường nước cho thấy: Hàm lượng oxy hòa tan tầng đáy thấp hơn giới hạn cho phép (<5,0 mg/l) ở hai điểm thu mẫu (Mũi Nai: 4,32 mg/l; Xuân Vinh, xã Vạn Hưng: 4,47 mg/l). Mật độ Vibrio spp.: 4/4 mẫu nước (chiếm 100%) vượt giới hạn từ 1,8-3,3 lần.

Nhiệt độ môi trường nước tại lồng nuôi thôn Xuân Vinh cao (31,1°C); hàm lượng H2S khá cao trong các mẫu nước đã thu.

Đối với mẫu trầm tích tại vùng nuôi thôn Xuân Vinh cho thấy, các thông số trong trầm tích là khá cao, ngoại trừ giá trị pH.

Cơ quan chuyên môn đã phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông ở các mẫu thu tại xã Vạn Thạnh. Ảnh: Kim Sơ.

Cơ quan chuyên môn đã phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông ở các mẫu thu tại xã Vạn Thạnh. Ảnh: Kim Sơ.

Còn đối với mẫu tôm thu ở cả hai vùng khảo sát đều không có biểu hiện nhiễm kí sinh trùng, âm tính với tác nhân gây bệnh sữa (Rickettsia like bacteria). Tuy nhiên, phát hiện 100% số tôm thu ở Mũi Nai, xã Vạn Thạnh nhiễm nấm Fusarium sp. nhưng không phát hiện thấy loài nấm này ở các mẫu tôm thu tại Xuân Vinh, xã Vạn Hưng. Ngoài ra, phát hiện loài vi khuẩn Vibrio alginolyticus với mật số cao ở cả các mẫu tôm ở 2 vùng khảo sát.

Từ những kết quả trên, Viện III nhận thấy: Nhiệt độ nước các vùng khảo sát thời gian qua cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ gia tăng khả năng phát triển của các tác nhân gây bệnh cho tôm hùm.

Đã phát hiện thấy tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông (nấm Fusarium sp.) ở các mẫu thu tại Mũi Nai, xã Vạn Thạnh. Đây rất có thể là tác nhân nguyên phát gây khó khăn cho việc hô hấp tôm hùm bông, làm tôm thiếu oxy và chết rải rác ở vùng nuôi Mũi Nai.

Bên cạnh đó, mật số vi khuẩn Vibrio tổng số cao trong các mẫu tôm, mẫu nước và mẫu trầm tích vùng khảo sát, đặc biệt V. alginolyticus tìm thấy với mật số cao trong các mẫu tôm rất có thể là tác nhân thứ phát góp phần gây hiện tượng tôm chết rải rác.

Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ, cùng với việc thả tôm với mật độ dày, giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa đã góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.

Khuyến cáo

Trước tình hình trên, Viện III khuyến cáo người nuôi tăng cường che mát lồng/bè nuôi khi có nắng nóng. Thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi.

Trước đó, đoàn công tác của Sở NN-PTNT Khánh Hòa khảo sát vùng nuôi tôm hùm chết. Ảnh: KS.

Trước đó, đoàn công tác của Sở NN-PTNT Khánh Hòa khảo sát vùng nuôi tôm hùm chết. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, san thưa mật độ tôm nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường lặn theo dõi tôm nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu ăn yếu đen mang thì sử dụng formalin nồng độ 300 ppm tắm cho tôm trong 20 phút, tắm 3 lần trong 7 ngày liên tục để điều trị.

Ngoài ra, người nuôi có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh đỏ thân theo khuyến cáo của cơ quan thẩm quyền (TBKT 03-02:2017/BNNPTNT) để điều trị tôm hùm có dấu hiệu đỏ thân trong khu vực.

Đưa các lồng/bè đã xuất bán lên khỏi mặt nước, giãn cách các lồng bè nuôi (nếu được) nhằm đảm bảo sự thông thoáng nước. Không nên đặt lồng nuôi tôm hùm ở vùng nước nông (<8m nước), đặc biệt là vùng nuôi thôn Xuân Vinh, xã Vạn Thạnh. Người nuôi chưa nên thả giống mới trong thời điểm này.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.