| Hotline: 0983.970.780

Những "kỳ nhân" chân đất ở Ninh Bình

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:10 (GMT+7)

Nghe tôi ngỏ lời nhờ giới thiệu một số hộ nuôi trồng thuỷ sản khá, anh em ở Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đều bảo “Để chúng tôi đưa anh đến cụ Doãn”.

Nghe tôi ngỏ lời nhờ giới thiệu một số hộ nuôi trồng thuỷ sản khá, anh em ở Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đều bảo “Để chúng tôi đưa anh đến cụ Doãn”. Gọi là “cụ”, nhưng đến nơi, thấy "cụ" chỉ ngoại lục tuần một chút và vẫn rất phong độ, đi đứng nhanh nhẹn hơn cả thanh niên.

Nuôi tôm bất bại

Tên đầy đủ của ông là Đặng Thanh Doãn. Rời quân ngũ, đến định cư tại nơi vợ đang làm việc ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn từ nhiều năm trước, năm 2005 ông thuê 4 ha đầm và bắt đầu nuôi tôm. 4 ha nhưng diện tích đủ điều kiện nuôi tôm chỉ có 1, phần còn lại phải sử dụng nuôi loài thủy sản khác. 1 ha đầm tôm ấy được ông quy hoạch theo cách riêng của mình. Ông nói:

- Khâu phòng bệnh cho tôm cực kỳ quan trọng, có thể nói đó là khâu quyết định việc thành bại. Ngoài việc kiến tạo ao và lắp đặt những máy móc, thiết bị như mọi chủ đầm khác, thì tôi thực hiện rất nghiêm ngặt vệ sinh ao. Với mỗi ao nuôi, tôi phải dùng bạt quây kín bờ để ngăn không cho cáy, còng, chuột... vào vuông tôm. Mặt ao cũng có lưới để phòng chim bay qua thải phân xuống...

Thăm đầm tôm của ông, thấy quả đúng như vậy. Có thể nói không một thứ côn trùng hay con vật nào có thể lọt qua cái “hàng rào điện tử McNamara” do ông dựng để xuống ao tôm được. Những người làm thuê được phân công rất rành mạch: Ai làm ở vuông tôm nào biết vuông ấy, cấm không được sang vuông khác. Làm việc, ăn, nghỉ đều ở ngay đầm tôm, rất hạn chế đi ra ngoài.


Ông Đặng Thanh Doãn (phải) đang kiểm tra tôm thương phẩm

Ninh Bình có hơn ngàn héc ta đầm tôm, nhưng diện tích nuôi theo phương thức công nghiệp chỉ 30 ha, trong đó có 1 ha của ông Doãn, còn lại là nuôi theo phương thức quảng canh và quảng canh cải tiến, bởi muốn nuôi được tôm theo phương thức công nghiệp khó hơn nuôi tôm theo hai phương thức sau rất nhiều, vì thế chủ đầm chỉ dám nuôi tôm theo phương thức công nghiệp khi đã làm chủ được kỹ thuật. Ông Doãn cho biết:

Suốt từ ngày nuôi tôm đến nay, ông Đặng Thanh Doãn chưa thất bại một năm nào. Năm nay, giá tôm thẻ chân trắng không được như những năm trước (loại tôm 30-32 con/kg giá 160 ngàn mỗi ký), nhưng vụ tôm mới rồi, với 6,5 tấn tôm trên 1 ha đầm của mình, ông đã thu tiền tỷ và đang thả lứa tôm mới.

Cũng bắt đầu từ năm nay, ông bắt đầu quy hoạch để triển khai nuôi tôm trên diện tích gần 6 ha đầm thuê được ở khu vực khác.

- Thực ra, chẳng ai dám nói chắc rằng mình đã làm chủ được hoàn toàn về kỹ thuật nuôi tôm, bởi cái công việc này nó nhiều rủi ro lắm. Nhiều khi con tôm đã lớn, đã đạt kích cỡ của tôm thương phẩm rồi mà vẫn chưa chắc. Lơ là một tí, mất cảnh giác một tí là trắng tay ngay. Chỉ có điều là phải biết cách dự phòng mọi tình huống để tránh rủi ro và khi lỡ xảy ra điều rủi ro thì phải có cách hạn chế nó, để chỉ phải chịu tổn thất ít nhất.

Không thể ghi lại hết những gì mà ông gọi là "kinh nghiệm đúc rút ra được trong mỗi lứa tôm", nhưng chỉ một chi tiết này thôi, đủ thấy cái “khác người” của ông. Nghe ông ra lệnh “đánh cho tôi 2 kg tôm”, anh người làm tung chài xuống ao và mẻ chài được đúng... 1,95 kg. Ông bảo, những người làm ở đây đều được ông đào tạo rất cẩn thận, nên ai cũng nắm rất vững về kỹ thuật và có kỹ năng làm việc rất thuần thục.

Kỳ tài SX giống cua, ngao

Cách nhà ông Đặng Thanh Doãn không xa là cơ ngơi của ông Phạm Văn Quang, người SX cua biển giống có tiếng ở huyện Kim Sơn. Từ một người nuôi ngao có tiếng ở Kim Đông, ông chuyển sang SX cua giống. Mấy năm nay, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường từ 80 vạn đến 1 triệu con cua bể giống, chưa kể một lượng hàu giống tương đương, và có thể nói ông đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật SX giống cua, giống hàu.

Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, từ năm 2010, ông Quang bắt tay vào SX ngao giống. Hai năm liền (2010-2011) thất bại, tiền của “đội nón ra đi” không ít, nhưng thất bại không làm người nông dân trung niên này nản lòng. Trái lại, chính từ những lần thất bại đó mà ông đã tìm ra được nguyên nhân vì sao con ngao không chịu sinh sản trong cơ sở của mình.

Ông bảo, việc đó cũng giống như vị bác sỹ trước bệnh nhân vậy, khi vị bác sỹ tìm ra gốc bệnh của bệnh nhân có nghĩa là ông ta sẽ có cách chữa được bệnh. Năm 2012 này, thành công đã đến, như một sự đền bù cho sự cố gắng không mệt mỏi của ông: Cơ sở SX giống ngao này đã cho ra đời trên 600 triệu ngao cám. Kỹ sư Trần Đức Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình cho biết:

- Sản xuất được ngao cám đã khó, bởi môi trường để ấu trùng ngao phát triển thành ngao cám đòi hỏi vô cùng khắt khe, có thể nói là khắc nghiệt. Nhưng từ ngao cám đến ngao cúc (ngao bằng cái cúc áo, đủ tiêu chuẩn thả xuống bãi nuôi) cũng là một công đoạn khó khăn không kém. 600 triệu ngao cám chỉ được 180 đến 200 triệu ngao cúc (khoảng 30%) là cùng.

"Thành công của anh Quang rất đáng khích lệ, bởi thị trường ngao giống ở Ninh Bình đang cần hàng tỷ ngao cúc mỗi năm, trước nay vẫn phải mua từ tỉnh ngoài. Từ cơ sở SX của anh Quang, hi vọng Ninh Bình có thể chủ động hoàn toàn về giống ngao trong những năm tới...", ông Sáng nói.

"Vua dê" núi đá

Rời đất biển Kim Sơn, chúng tôi trở lại thành phố Ninh Bình để lên “xã đá” Đông Sơn (thị xã Tam Điệp). Ninh Bình là “Vịnh Hạ Long trên cạn”, bởi ba phần tư diện tích của tỉnh là núi đá, có hàng trăm khoảnh đất nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá. Và trang trại của ông Trịnh Văn Đàm ở Đông Sơn là một khoảnh đất như vậy, có tên gọi là Quèn Thờ.


Ông Trịnh Văn Đàm và đàn dê trong trang trại của mình

Với nhiều người “yếu bóng vía”, thì chỉ riêng việc sống ở đó thôi, đã là một sự hãi hùng, nói gì đến phát triển, làm giàu giữa cái “ma trận” toàn đá ấy. Thế mà chỉ từ hai đôi bàn tay của vợ chồng người cựu binh này, từ một chốn hoàn toàn hoang sơ với ngút ngàn cỏ dại, giờ đây đã trở thành một trang trại khang trang, đâu ra đấy, với 2 ha ao cá, còn lại thì nào khu chuồng trại nuôi hươu, dê, lợn, gà, nào vườn cây với rất nhiều loại gỗ quý.

Nhìn ông giữa đàn dê giữa bốn bề chất ngất núi đá, cây cối um tùm, tôi bỗng nhớ lại chuyện ông Tô Vũ, sứ thần nhà Hán, bị vua Hung Nô bắt đi chăn dê giữa núi đá hoang vu suốt 19 năm trời. Chẳng biết ông Tô Vũ thời ấy chăn được bao nhiêu dê, còn đàn dê của “ông Tô Vũ ở Việt Nam thời @” này có tới trên 200 con, chưa kể đàn hươu mấy chục con nữa.

Cười sảng khoái giữa bốn bề núi đá, ông kể rằng quê ông ở huyện Yên Mô. Rời quân ngũ năm 1992, ông lấy vợ. Hai vợ chồng trần lực ra làm nhưng rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. Không cam chịu, ông tìm hướng làm ăn, và sau nhiều ngày suy tính, vợ chồng ông khăn gói vào Quèn Thờ lập nghiệp, trước không biết bao nhiêu là lời can ngăn của người thân, của bạn bè.

- Lúc đó, trong lưng vợ chồng tôi không có lấy một đồng vốn. Để có cái ăn trước mắt, chúng tôi vỡ đất cấy lúa, trồng ngô, sắn, vét đất thành ao để nuôi cá cải thiện. Đất mới nên lúa, màu khá tốt, lại gần như không có sâu bệnh. Sau mấy vụ, lúa ngô đã dư thừa, chúng tôi nghĩ cách “tiêu thụ” số lương thực dư thừa ấy bằng cách vay tiền mua lợn, mua cá về nuôi.

Cho đến nay, không chỉ trụ vững giữa vùng đất bốn bề toàn đá này mà ông Đàm còn trở thành một người giàu có. Hàng năm, lãi ròng từ trang trại đều đạt mức trên dưới 500 triệu đồng. Ngoài gia đình ông, trang trại lúc nào cũng có 5 người làm, được trả công từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Lứa lợn đầu tiên được hơn 1 tấn thịt hơi và lứa cá đầu tiên cũng được hơn 5 tạ. Tiền lãi lại được vợ chồng ông quay vòng bằng cách mua thêm lợn giống, cá giống về nuôi. Cứ thế, từ không đến có, từ có ít đến có nhiều. Cùng với lúa, ngô, lợn, cá...; vườn cây của vợ chồng ông cũng ngày càng vươn rộng ra. Không chỉ trồng cây ăn trái, mà vợ chồng ông còn nghĩ đến chuyện lâu dài hơn bằng cách đầu tư trồng hàng trăm cây gỗ quý.

Được Hội Nông dân cho vay thêm vốn, ông Đàm quyết định làm ăn lớn: Đầu tư nuôi dê, nuôi hươu. Dê núi đá Ninh Bình từ lâu đã trở thành thương hiệu, mà trang trại hơn 20 ha đất do vợ chồng ông đang sử dụng lại rất thuận lợi cho việc nuôi loại con đặc sản này. Để làm chủ được kỹ thuật nuôi dê, nuôi hươu, ông đã đến khá nhiều trang trại ở nhiều tỉnh để “tầm sư”...

Ninh Bình là một tỉnh nghèo. Nhưng những người nông dân giỏi như ông Doãn, ông Quang, ông Đàm thì không hiếm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm