| Hotline: 0983.970.780

Phát rừng đặc dụng để… trồng rừng?

Thứ Ba 28/08/2012 , 10:01 (GMT+7)

Nhiều cây gỗ tại khu vực suối Khuổi Hoi thuộc rừng đặc dụng Na Hang đã bị phát, đốt bừa bãi để xử lý thực bì, chuẩn bị… trồng rừng.

Người dân thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang bất bình khi thấy nhiều cây gỗ tại khu vực suối Khuổi Hoi thuộc rừng đặc dụng Na Hang đã bị phát, đốt bừa bãi để xử lý thực bì, chuẩn bị… trồng rừng.

Lần theo thông tin của bạn đọc, PV NNVN đã vượt gần 300 km đường đồi núi và hàng chục km đường rừng đèo dốc hiểm trở để tiếp cận thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Vì nơi đây có khu rừng Khuổi Hoi đang bị phát, phá xử lý thực bì trồng rừng. Dẫn chúng tôi cuốc bộ hơn một giờ từ thôn Nà Lạ rồi vượt qua các khe núi và lau lách, khu rừng Khuổi Hoi xuất hiện với các vạt núi có cỏ lau, cây cối bị chặt phá tan hoang, lộ ra một vùng trắng giữa đại ngàn sơn cước.

Anh Triệu Xuân Phú - Trưởng thôn Nà Lạ bần thần: “Phát hết rừng thế này dân ở đây ức lắm, mấy năm trước thì kiểm lâm căn dặn chỗ này là đất rừng đặc dụng Na Hang, nên dân Nà Lạ không được chặt gỗ làm nhà, không được bẻ hoa, hái củi. Chính vì dân nghe lời kiểm lâm nên dân ra sức giữ đất rừng, những đám đất trống mới ngày nào bị dân phát để trồng ngô, lúa thì nay cây gỗ đã tái sinh, dây leo phủ kín, có gốc cây đường kính khoảng 50 cm, nếu cứ để thế này vài năm nữa là chim, muông thú trở về sinh sống, nước khe núi lại chảy như ngày xưa. Bây giờ cây to rồi lại thuê người chặt phá, đốt sạch đi như thế để trồng lại rừng thì tệ hại lắm, mưa lũ lớn sẽ cuốn trôi hết đất màu…”.


Những cây gỗ lớn mới bị đốn hạ để chuẩn bị trồng rừng đặc dụng?

Nhìn toàn cảnh khu vực đã bị đốt phát, có chỗ đã đốt sạch chỉ còn lại tro bụi thật thảm hại. Tuy nhiên, công việc phát thực bì vẫn diễn ra bình thường, 20 công nhân miệt mài phát dọn từ hôm 31/7 đến nay chưa lúc nào nghỉ ngơi, chỗ đã phát chỉ chờ đốt và dọn sạch để trồng cây là xong việc. Có những vạt rừng cây mới được đốn hạ, nhựa chảy túa ra thật đau xót.

 Một số người dân thấy việc phát phá này ảnh hưởng đến sinh thái và cuộc sống người dân, họ đã ra sức lên tiếng bảo vệ. Riêng gia đình ông Chúc Thồng Sênh, hộ nghèo lâu năm của thôn Nà Lạ, thì ông coi cây nứa trong rừng đầu nguồn Khuổi Hoi thuộc rừng đặc dụng Na Hang là nơi cứu cánh những ngày đói giáp hạt. Vì ruộng đất trồng lúa, ngô quá ít, quanh năm bị thiếu gạo ăn, có lúc đói quá, chẳng biết đi đâu về đâu kiếm cái bỏ miệng cho qua ngày thì gia đình ông Sênh cứ nhìn thẳng rừng xanh mà tiến bước. Khi vào rừng hái được cây nấm, cái măng, lúc thì vài nắm lá rừng cũng qua cơn đói.

Từ hôm 1/8, ông Sênh nghe tin kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang thuê người vào phát rừng để trồng lại rừng, ông Sênh đã túc trực 24/24 giờ ở một cái lán nhỏ tại Khuổi Hoi, vừa hái măng rừng ăn những ngày giáp hạt thế này, vừa quyết tâm bảo vệ bãi đất rừng có cây nứa.

Thấy lợi ích từ rừng, ông Chúc Thồng Sênh mạnh bạo “hù” những công nhân đang phát rừng thuê cho kiểm lâm rằng: “Đứa nào phát vào rừng nứa này tao bắn chết”, chính vì ngại kẻ khố rách áo ôm cùng đường, nên vạt rừng có mấy bụi nứa mà dân bản gọi là “vườn” ông Sênh thì nay vẫn còn, chưa ai dám đụng đến.

Trong túp lều ông ăn ngủ tại đó, chỉ có vài kg măng nứa khô được ông xếp gọn gàng chờ đến phiên chợ tới, ông đem đi đổi lấy gạo ăn. Tưởng chúng tôi là đoàn cán bộ vào trồng rừng, ông Sênh không mặn mà mời nước, mà lặng lẽ bỏ ra khỏi lán, rồi buông câu nói của kẻ bần cùng “tao cấm đứa nào chặt khu rừng này”.

... Mấy đứa trẻ Nà Lạ miệt mài dẫn đường, tiếp tục đưa tôi vượt qua từng khu, từng vạt thung lũng, sườn núi. Tất cả đều đã phát sạch trơn, chỗ nào cây cỏ khô héo đã đốt rồi, chỗ mới phát xuống chắc chỉ vài hôm nữa cũng thành tro bụi, một bãi đất phẳng phiu để kiểm lâm thỏa sức trồng rừng theo kế hoạch giao đã gần đạt như ý.


Khi có mồi lửa “xử lý thực bì” đi qua thì cây đứng, cây nằm đều sẽ bị cháy rụi

Nghe mấy đứa trẻ khoe ở xóm Nà Lạ có một người làm to trên xã, khi quay về thôn, tôi đã nhờ bọn trẻ dẫn đến nhà, mới biết tên anh là Chúc Văn Ngân – Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Phú. Trong câu chuyện trao đổi ngoài giờ, anh Ngân cho hay: “Khu vực đang phát thuộc khu Khuổi Hoi, thôn Nà Lạ, là khu vực đất rừng đặc dụng, kiểm lâm đã thuê dân phát dọn với diện tích khoảng trên dưới 40ha để chuẩn bị trồng mới rừng, nghe đâu chỉ trồng mỗi cây lát thôi”.

Ông Triệu Xuân Phú - Trưởng thôn Nà Lạ, cho biết: Nà Lạ có 72 hộ, 100% người dân tộc Dao, thôn chỉ có 14 ha ruộng. Đất sản xuất ít, nên 70% là hộ nghèo, hiện nay còn gần chục hộ thường xuyên bị thiếu đói lương thực. Nguyên nhân chính bị thiếu ăn, cũng bởi thiếu đất sản xuất và đông con.

Chúng tôi lấy câu chuyện “phát phá cây rừng để trồng mới rừng” tại Khuổi Hoi trao đổi với ông Khổng Văn Quang, Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, được biết: Khu vực Khuổi Hoi là vùng lõi rừng đặc dụng, nhưng đất trống, chủ yếu là lau lách nên mới phát đi để trồng rừng đặc dụng. Việc trồng rừng diễn ra bài bản vì đã có Cty tư vấn thiết kế ở Tuyên Quang thực hiện khảo sát. Việc trồng rừng này là theo chỉ tiêu hàng năm tỉnh Tuyên Quang giao cho huyện Na Hang, huyện đã giao cho 3 Ban quản lý cấp cơ sở (Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, Hạt Kiểm lâm Na Hang, Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang) thực hiện phát triển rừng.

Theo kế hoạch, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang phân bổ xuống 4 xã để thực hiện gồm: Sơn Phú, Khâu Tinh, Thanh Tương, Côn Lôn, chỗ nào đất trống thì tổ chức trồng, chứ không phải phát rừng để trồng rừng. Trong năm nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng trồng 240 ha rừng phòng hộ đặc dụng chủ yếu là trồng cây lát và 285 ha rừng sản xuất, ưu tiên cây keo (theo Nghị định 147, sau 18 tháng sẽ nghiệm thu mới hỗ trợ). Còn rừng đặc dụng thuê người dân phát và trồng sau 4 năm mới nghiệm thu và thanh toán.


Xử lý xong thực bì, một góc Khuổi Hoi thuộc rừng đặc dụng Na Hang đã thoáng như thế này

Khi tôi hỏi “tại sao ở khu vực Khuổi Hoi có nhiều cây gỗ có đường kính trên 40 cm vẫn bị đốn hạ để trồng rừng?”, ông Khổng Văn Quang trả lời: “Việc này cần phải xem lại, vì hôm nay tôi cũng mới nghe các anh nói, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo cho kiểm tra ngay”.

Vậy, có hay không việc phát dọn và xử lý thực bì trồng rừng đặc dụng tại huyện Na Hang đã chặt hạ cả cây gỗ tại rừng Khuổi Hoi để trồng mới rừng? Chúng tôi xin chuyển những thông tin này đến các cấp có thẩm quyền tại tỉnh Tuyên Quang vào cuộc làm rõ đúng sai.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.