Đường sá xa xôi, nhà bán trú chỉ đủ cho một lượng học sinh nhất định, còn lại tất cả học sinh vùng cao huyện Mường Lát, Thanh Hoá muốn theo được con chữ phải dựng lều, lán tạm bợ trên sườn núi, bất chấp mọi khó khăn, thiếu thốn.
>> Quằn quại trong ''bão trắng''
>> Dưới đỉnh Sài Khao
Khổ cực giữa rừng
Từ cổng trời Trung Lý (Mường Lát) đi dọc đường chúng tôi dễ dàng nhận ra ở các điểm trường THCS hàng chục cái lều, lán được các em dựng lên làm “bản doanh” tìm chữ. Để được tận mắt chứng kiến gần trăm chiếc lều ngổn ngang giữa rừng, chúng tôi tiếp tục ngược lên thị trấn Mường Lát, rồi xuôi theo phía tả ngạn sông Mã. Sau hơn 4 giờ đồng hồ quăng quật trên cung đường hình sin, lởm chởm đất đá bằng xe máy, chúng tôi mới đến được Trường THCS Mường Lý.
Thời điểm chúng tôi lên, trời cũng đã lạnh, kèm theo tiếng gió rít từng hồi làm cho cảnh vật nơi đây trở nên đìu hiu, hoang vắng. Trong lều học của Giàng Seo Chơ, lớp 6B, bản Muống 1 tuềnh toàng, xiêu vẹo. Cái lều trọ học của Chơ nằm chót vót trên sườn núi. Bốn “cột nhà” làm bằng cây rừng to như cổ chân được chôn dưới nền đất núi, những bức tường ọp ẹp bằng nan che, nan nứa, "mái ngói” làm bằng lá cọ. Mùa nắng không sao, đến mùa mưa gió những lều trọ học ướt nhũn, quần áo, sách vở lại được các em phơi giăng đầy trên các cành cây, bờ rào, phiến đá.
Lều học tuềnh toàng trên sườn núi
Mấy ngày nay, căn lều của Vàng A Pó, lớp 7B, bản Sài Khao bị bung vách. Cơn mưa phùn vừa qua làm cái chăn mỏng manh ướt sũng. Đêm đến, Pó phải sang ở cùng lều với Seo Chơ. Pó bảo: Ở đây buổi tối lạnh lắm, nhà nghèo không có chăn, quần áo ấm mặc nên mấy đưa tối nào cũng phải ở chung một cái lều ôm nhau để ngủ. Lều chỉ mang tính tạm bợ, mùa đông da thịt đứa nào cũng thâm bầm. Đống lửa nhỏ đốt 24/24 giờ trong lều nhưng cũng không xua tan được cái lạnh thấu xương của miền sơn cước.
Năm nào cũng vậy, vào thời điểm đầu đông học sinh trường THCS Mường Lý lại có một ngày chuẩn bị về nhà chuẩn bị đồ đạc gậy gộc, tre, nứa, lá cọ… đến gia cố cho lều của mình. Hôm nay ngày đi học đầu tuần nhưng Pó đã phải xin phép nghỉ học. Đi bộ hơn 20 km từ bản Sài Khao đến trường, “cõng” theo một đống vật dụng xuống núi, tới trường khiến Pó đã mệt lử, nói không thành hơi. “Em chỉ xin nghỉ một ngày ở nhà làm lại cái lều rồi sẽ đi học lại. Mùa này mưa, lạnh nếu không làm kịp sẽ không có chỗ ở”, Pó nói.
Con trai còn chủ động được trong việc sửa sang nhà cửa, con gái như Hàng Thị Vàng, lớp 7A, bản Ún thì khó khăn hơn nhiều. Hai năm nay Vàng ở lều để học. Lần đầu tiên xuống trường, Vàng được bố mẹ dựng cho cái lều trên khu "đất vàng" trước cổng nhà bán trú. Đã qua hai mùa đào nở, lều của Vàng không được tu sửa nên đã mục nát. Nhà cách xa trường, bố mẹ Vàng phải lên nương, rẫy không có thời gian chăm sóc cho em nên giờ lều của Vàng chỉ để làm bếp nấu ăn cùng các bạn. Tối đến Vàng sang phòng của các bạn nữ khác ngủ, nay xin ngủ chỗ này, mai ngủ chỗ nọ. Vàng tâm sự: “Nhiều khi muốn bỏ học về nhà, thấy đi học khổ quá. Không học lại không biết cái chữ, em đành phải theo học được đến đâu hay đến đó”. Tôi hỏi, nếu có một điều ước em ước gì? Vàng nói: Em chỉ ước có một cái lều chắc chắn không bị mưa gió để tối em không phải đi ngủ nhờ nữa.
Mưa xuống sách vở, quần áo ướt sũng
Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý, chia sẻ như thấu hiểu nỗi khổ của các em. Tối nào thầy Dũng và giáo viên cũng lên thăm các em ăn ngủ tại các lều lán. Hiện nay nhà trường đã được xây 2 nhà bán trú với 20 phòng học, mỗi phòng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết số học sinh của nhà trường. Đến nay, ngoài các phòng bán trú học sinh còn phải dựng gần 100 lều trên các sườn đồi làm chỗ ở.
Thiếu thốn trăm bề
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, rồi nhìn các em mà thầy Dũng rơi nước mắt. Như thầy Dũng nói thì ai thấy cảnh tượng các em ăn ở, học hành thiếu thốn, khổ cực không rơi nước mắt mới là lạ. Đồ đạc của các em chỉ vỏn vẹn mấy cuốn sách, vài ba bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, chiếc chăn chiên mỏng treo lủng lẳng bên vách lều để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt vùng sơn cước.
Ngoài cái sạp bằng tre, nứa ọp ẹp, các em không có chiếu. Thàng Pó vừa về quê cuối tuần nên em còn có gạo. Bữa cơm trưa hôm đó mấy đứa bạn của Pó tập trung đông đủ để ăn cơm mới. 11 giờ 30 phút, mùi cơm thơm nồng bốc lên nghi ngút, bốn năm con mắt chỉ đau đáu nhìn vào nồi cơm, thèm thuồng. Tôi hỏi cơm chín rồi sao các em chưa ăn? Pó bảo, còn phải chờ thằng Chơ nữa. Mấy ngày nay nó chưa được cơm ăn rồi, toàn ăn sắn. Tôi hỏi Chơ đi đâu? "Nó không biết em xuống, chắc đói nên vào nhà dân xin cái gì bỏ bụng đó mà", Pó cho biết.
Thằng Chơ vừa chạy về tới lều, chỉ trong chớp mắt bọn chúng đã bê nồi cơm lên múc ăn ngấu nghiến. Nhìn vào mâm cơm trưa của ba em, chúng tôi thấy cay cay sống mũi vì ngoài nồi cơm chỉ có bát nước mắm và tí rau rừng làm canh. Tôi chỉ kịp hỏi được dăm ba câu, quay lại nồi cơm đã trơ đáy.
Xong bữa cơm, cả nhóm đứng lên vươn vai sung sướng. Bát đũa vứt lổng chổng, Chơ nhanh nhảu gạt sang một bên mời chúng tôi ngồi. Chơ bảo, hầu hết các bạn đến đây trọ học đều ở xa 10-20 cây số, một tháng có khi về được một lần, có khi hai nên ở đây thiếu ăn, đói là chuyện thường tình. “Mùa đông nhà xa bọn em ít về lắm. Cứ tuần nào không về nhà là không có cái ăn rồi. Trung bình một tháng bọn em phải vào rừng lấy rau, măng, đi đào trộm củ sắn về ăn trừ bữa. Hôm nọ mấy đứa vào rừng bắt được con chuột về làm thịt thế là có bữa ăn tươi, còn không cả tháng không thấy mùi thịt cá”, Chơ tâm sự.
Bữa cơm chỉ có nuồi canh rau rừng
Để có rau xanh ăn trong ngày, trước lều, lán của các em đều được trồng rau. Tuy nhiên, rau cũng sống theo kiểu cỏ cây mọc trên rừng. Không phân, không nước, rau dần tàn lụi. Sao không vãi phân cho rau tốt lấy cái ăn?, tôi hỏi. Chơ bảo, tiền mua bút, vở còn chẳng có lấy đâu tiền để mua phân. Bọn em cứ trồng vậy thôi, từ đầu vụ đến cuối vụ cũng kiếm được một bữa ăn ra trò.
“Khu bán trú dân nuôi dành cho học sinh trường THCS Mường Lý được đầu tư xây dựng với gần 6 tỉ đồng, do UBND huyện Mường Lát làm chủ đầu tư vừa đưa vào sử dụng đầu năm học 2010-2011, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Khu nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, kéo dài gần suốt dãy nhà. Một số góc tường của nhà cũng xuất hiện vết nứt, nền sân sụt lún vào tới tận móng nhà”, thầy Dũng cho biết. |
Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở mà học sinh trường THCS Mường Lý còn thiếu trầm trọng nước sinh hoạt. Cứ sau giờ lên lớp, hàng trăm học sinh lại rồng rắn nối đuôi nhau tay xách can, xách xô đi bộ hàng trăm mét xuống các khe nước múc từng can lên làm nước sinh hoạt. “Khổ lắm anh ơi, vào mùa nắng còn đỡ, mùa đông chúng em không thể xuống suối tắm được. Múc nước lên thì chỉ được một, hai can 5 lít thì không đủ nước để tắm. Chưa nói đến lều lán tuềnh toàng không có chỗ mà tắm”, Giàng Thị Séo tâm sự.
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, xã Mường Lý có bốn dân tộc sinh sống là Mông, Mường, Thái, Kinh, trong đó người dân tộc Mông chiếm đa số. Đây là xã có tỉ lệ đói nghèo cao nhất tỉnh 605/869 hộ, chiếm hơn 70%. Nguyên nhân của đói nghèo ở đây là do thiếu đất canh tác lúa nước, cả xã chỉ có 6 ha ruộng nước. Bà con chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn mỗi năm một vụ, phụ thuộc vào thiên nhiên, nên thiếu đói lương thực triền miên. Hằng năm, tỉnh Thanh Hoá phải cấp từ hai đến ba đợt gạo cứu đói cho nhân dân Mường Lý. Toàn xã hiện có hơn 300 em học sinh cấp tiểu học, THCS phải trọ học, dựng lều lán ngoài khu vực trường. Do còn rất nhiều khó khăn nên phần lớn số học sinh của xã chỉ học hết cấp THCS, hoặc số ít học hết THPT là bỏ học đi làm ăn xa, ở nhà lên nương rẫy phụ giúp gia đình.