| Hotline: 0983.970.780

Phận porter trên "nóc nhà Đông Dương"

Thứ Tư 09/01/2013 , 09:18 (GMT+7)

Mặc dù mồ hôi đã thấm ướt ngực áo và đôi vai mỏi trĩu vì những gùi hàng lỉnh kỉnh đủ thứ nặng đến 30-40 kg, nhưng họ vẫn không hề kêu ca một tiếng...

Mặc dù mồ hôi đã thấm ướt ngực áo và đôi vai mỏi trĩu vì những gùi hàng lỉnh kỉnh đủ thứ nặng đến 30-40 kg, nhưng họ vẫn không hề kêu ca một tiếng mà chỉ lặng lẽ dẫn đoàn luồn rừng lên núi.

Đánh bạc với số phận để sinh nhai

Mấy năm trở lại đây, khi những tour du lịch sinh thái khám phá rừng Hoàng Liên và chinh phục đỉnh Fansipan hút khách trong và ngoài nước đến với Sa Pa, thì trong muôn nghề kiếm sống của cư dân nơi đây có một thứ nghề mới ra đời: porter (làm phu khuân vác cho khách du lịch).

Không ai thống kê chính xác đội quân ấy hiện có bao nhiêu người, nhưng nhìn thì ai cũng biết dân porter chủ yếu là người Mông ở Sa Pa, vì nhà nghèo, ít học, lại ít ruộng nương nên phải đi làm thuê kiếm sống. Mới đầu cũng chỉ có vài người theo nghề này, còn bây giờ khách du lịch đến đông, làm phu khuân vác cũng kiếm được chút tiền trang trải cho cuộc sống nên ở các thôn bản người ta rủ nhau đi thành từng đoàn, từng tốp. Porter vì thế chính thức trở thành một nghề mưu sinh của dân nghèo dưới chân núi Hoàng Liên.


Đường lên đỉnh núi còn xa

Nói như vậy, cứ ngỡ làm porter dễ lắm, cứ bỏ sức ra là có tiền đút túi, nhưng có tìm hiểu mới biết để kiếm được mấy đồng thật lắm gian lao. Anh Tỏa (dân tộc Mông, thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ), một người đã theo nghề gần 10 năm nay, trong cùng chuyến đi chia sẻ với tôi: “Đường lên đỉnh Fansipan cheo leo hiểm trở, chủ yếu là dốc đá trơn trượt, nhiều đoạn phải nhờ thang sắt mới leo lên được. Luồn sâu vào rừng già, đường mòn lổn nhổn gốc trúc, trời nắng còn dễ đi chứ mưa thì bùn lầy lép nhép ngập đến bắp chân. Chống gậy một mình lên đỉnh núi còn thở không ra hơi nữa là phải gùi thêm một gùi hàng nặng trĩu sau lưng.

Nếu không phải là người bản địa có sức khỏe tốt, quen địa hình, chịu đựng được gian khổ sương gió thì không thể làm nổi. Trong lúc gùi hàng nếu chẳng may sơ sẩy trượt chân một cái, không rơi xuống vực đá mất mạng thì cũng gẫy chân gẫy tay, tàn phế suốt đời…Cũng có nhiều người đi được vài lần, không chịu đựng được nên phải bỏ cuộc”.

Đánh bạc với số phận, mỗi chuyến đi như vậy một porter cũng chỉ kiếm được không quá 150.000 đồng. Ngả lưng ghé tạm gùi hàng nặng trịch xuống một gốc cây cho đỡ mệt, quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đen sạm vì những chuyến đi dài, anh Tỏa chỉ tay về phía người phụ nữ mang trang phục Mông đen đang gù lưng với thồ hàng cao quá đầu chật vật leo qua một thân cây lớn đổ chắn ngang đường bảo với tôi đó chính là chị Chô, vợ của anh, tranh thủ thời gian rỗi cũng đi gùi hàng cho khách.


Vợ chồng anh Tỏa cùng với khách tại một chặng nghỉ chân

Bán sức lao động, ăn uống kham khổ, tiết kiệm từng xu, hai vợ chồng nhìn chung chỉ đủ sống và nộp các khoản tiền cho con cái ăn học. Đó là chưa kể những lúc ngã bệnh, kiệt sức vì leo núi. Cùng với hai vợ chồng anh Tỏa, chị Chô, còn hàng chục, thậm chí hàng trăm porter khác ở các thôn bản vùng cao Sa Pa cũng đang gắng gỏi bám nghề, bám tuyến đường sinh tồn lên đỉnh núi cheo leo để kiếm sống.

Ước mơ trên đỉnh ngàn sương

Nếu như bao du khách lặn lội đường xa hàng trăm km đến Sa Pa với ước mơ một lần trải nghiệm cảm giác ngủ đêm rừng giữa già, đặt chân lên đỉnh Fansipan cao 3.143 m cho thỏa chí, thì hạnh phúc của những porter người Mông nơi đây lại là hằng ngày sau chặng đường dài mòn chân rút sức gùi hàng leo lên đỉnh núi sẽ được trở về dưới mái nhà ấm cúng với cuộc sống sung túc, đầy đủ.

Màn đêm dường như sập xuống nhanh hơn trên núi Fansipan ở độ cao 2800 m so với mực nước biển. Khoảng 8 h tối, sau khi dựng xong lều bạt và tất bật lo nấu bữa ăn cho khách, khách ăn xong, đã ấm áp trong túi ngủ, thì Hảng A Sểnh, một porter ở xã Sa Pả cùng với những người bạn của mình mới có thời gian giở cơm nắm chấm muối ớt ra ăn. Hơ tay trên ngọn lửa cho đỡ cóng, nheo mắt vì khói trúc, anh bộc bạch: “Chúng tôi chẳng mong gì hơn một cuộc sống sung sướng. Được như vậy thì ai còn đi làm porter phải trèo đèo lội suối, ăn ngủ ở rừng làm gì cho mệt. Giờ nhà còn khó khăn, không bỏ được nghề thì mong mỗi chuyến đi thu nhập cao hơn và nhà nước sớm làm con đường thuận tiện lên đỉnh núi để gùi hàng đỡ vất vả thôi. Cũng mong cho con cái sau này đi học biết chữ có cái nghề ổn định không phải leo núi kiếm tiền như chúng tôi bây giờ".



Dựng lều ngủ qua đêm ở điểm cao 2.800 m

Càng về đêm dân porter tụ tập về quanh đống lửa càng đông. Cũng như mọi đêm, đêm nay họ sẽ chen chúc nhau trong căn lều ẩm ướt chật hẹp, hoặc ngồi dựa lưng vào nhau giữa trời, câu chuyện câu trò, thức trắng đêm trông đồ cho khách, mệt quá thì tranh thủ chợp mắt một chút chờ sớm mai tiếp tục lên đường.

Vất vả mưu sinh trên đỉnh Fansipan, ngoài những người lớn tuổi như anh Sểnh, anh Tỏa, chị Chô…còn có cả những đứa trẻ người Mông mà ở độ tuổi ấy đáng ra các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Giữa mưa mù gió lộng ở độ cao 3.143 m, mặc dù mệt muốn đứt hơi sau chặng đường dốc, đầu tóc và quần áo ướt như chuột lột, khuôn mặt tím tái vì rét, nhưng hai em nhỏ chạc 15, 16 tuổi vẫn cố gắng mời khách mua nước uống. Ở trên đỉnh núi, mỗi lon nước giải khát thường bán được với giá gấp ba lần bình thường nên từ mờ sáng, dù chưa có gì lót dạ, các em phải nhịn đói để bám theo đoàn leo núi. Khách mua đông thì còn kiếm được, chứ có chuyến đi ít người mua, người ta không biết thông cảm, lại kêu đắt chê ỏng chê eo, hàng bị ế, lại phải tiu ngỉu gùi về.

Được biết cả hai em đều ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, vì nhà nghèo không đủ tiền đi học nên phải bỏ dở giữa chừng theo các anh chị lớn hơn và những đứa trẻ khác cùng hoàn cảnh lên núi kiếm sống. Seo Lử, một trong hai em bảo rằng khoản tiền bán được sẽ mang về đưa cho bố mẹ trang trả nợ nần, nuôi đàn em đang đi học. Dù không hỏi thêm, nhưng nhìn vào đôi mắt hồn nhiên của các em, ẩn sâu sau nét thiếu ngủ và mệt mỏi, tôi như thấy được một ngọn lửa khát khao bỏng cháy: ngày mai được tiếp tục đến trường!

Chia tay với "nóc nhà Đông Dương", khi đoàn chúng tôi trở về, trời vẫn mưa không ngớt. Ngoái nhìn lại phía sau, chỉ thấy ẩn hiện trong sương mù dáng lô nhô của những gùi hàng di động âm thầm lặng lẽ vượt dốc tiến vào rừng sâu. Rừng trúc nghiêng ngả trong từng trận gió rít ù ù. Đỉnh Fansipan vẫn còn ở đâu đó rất xa.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm