Người bị bỏng bà chỉ dùng miệng thổi mà lành. Trẻ con bị lở loét, mọc đơn bà lấy lá rừng làm thuốc chỉ một hôm là khỏi. Những chuyện khó tin nhưng có thật về một "thần y" người Nguồn ở rẻo cao Tuyên Hóa.
>> Buồng thiêng và uy quyền vòng cườm
>> Gia đình 4 người có 104 ngón tay, chân
Chưa thất bại bao giờ
"Thần y" ấy có tên là Đinh Thị Phiếu, 75 tuổi, tóc còn đen lay láy, không một sợi bạc, răng đen tuyền, chưa long một chiếc nào. 75 tuổi nhưng đôi mắt còn tinh anh, đôi chân thì khỏi bàn. Mỗi ngày bà có thể đi bộ cả chục cây số đường rừng để lấy thuốc, leo núi, vác cả bao tải lá rừng, khối cô sơn nữ còn phải vái thua.
Nhà bà Phiếu ở bản Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), thủ phủ của người Nguồn, nhưng cuộc sống của người đàn bà được mệnh danh là "thần y" này là những tháng ngày rong ruổi khắp các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thượng nguồn sông Gianh để chữa bệnh. Bí ẩn và lạ lùng như chính tộc người sinh ra bà vậy.
Người Nguồn ở bản Hà từng có những năm tháng chạy trốn bom đạn chiến tranh tận trong những khu rừng gần cột mốc biên giới Việt Lào. Sống ven khe Hà, một nhánh nhỏ của thượng nguồn sông Gianh, họ là tộc người biết rõ nhiều loại thuốc từ rừng nhất. Nhưng thú thực là khi nghe trưởng bản Hà, ông Đinh Xuân Tính giới thiệu về biệt tài chữa bệnh cứu người của bà Phiếu tôi hết sức hồ nghi. Không nghi không được, bởi với người Nguồn ở đây, kiếm miếng ăn đang còn khó nhọc mà có người giỏi như bà, hào hiệp như bà thì lạ quá. Gặp rồi, chứng kiến cách chữa bệnh của bà rồi thì bao hồ nghi đều biến hết.
Bà Phiếu với tuyệt kỹ chữa bệnh từ lá cây rừng
Chỉ mới mấy ngày đầu năm mới này thôi mà bản Hà đã có tới hàng chục trường hợp tìm đến bà Phiếu nhờ chữa bệnh. Mới nhất là hai đứa cháu nhà ông trưởng bản đột nhiên lăn ra sốt đúng vào ngày mồng 2 tết. Miệng loét đỏ, xuất hiện các bọng nước quanh miệng rồi mọc khắp tay chân. Mấy cô y tá thôn bản gọi đấy là bệnh tay chân miệng, nhưng người Nguồn ở bản Hà không biết tay chân miệng là gì cả. Họ gọi những triệu chứng ấy là bệnh đơn chỉ huyền. Mà giả sử có biết thì họ cũng chẳng mấy lo ngại vì bản Hà đã có thần y Đinh Thị Phiếu rồi.
Với những đứa trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng như cháu trưởng bản Tính, bà Phiếu lấy hai loại lá mọc quanh vườn mà người Nguồn vẫn gọi là chua ke và bông nhợt trộn thêm 4 loại lá trên rừng chỉ riêng bà mới biết, đem rang đủ ấm rồi giã nhỏ lấy nước cho vào một chén nhỏ. Dùng bông gòn thấm thứ nước ấy lau lên vết thương, cứ dăm phút lại chấm một lần, qua một đêm thì lành hẳn. 100%, chưa một trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nào mà phương thuốc từ lá rừng của bà thất bại cả. Hai đứa cháu nhà trưởng bản Tính đến nhà bà Phiếu hôm trước thì hôm sau đã thấy tung tăng cùng đám trẻ đi chơi tết được rồi.
Bà Phiếu bảo, đó là bí quyết gia truyền mà bà được ông nội truyền cho từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, khi bà theo ông vào chăm sóc bộ đội bị thương ở rừng Quạt. Thời điểm ấy, người Nguồn ở bản Hà cũng phải chạy vào Quạt để tránh bom. Khe Hà rừng thiêng nước độc nên bệnh ngoài da nhiều vô kể. Ông nội bà Phiếu chữa bệnh một mình không xuể nên truyền thêm nghề cho cô cháu gái của mình. Hòa bình lập lại, người Nguồn trở về sinh sống ở bản Hà, bà Phiếu được nhận bằng khen thành tích chống Mỹ nhờ tài chữa bệnh.
Giữa năm ngoái, bệnh tay chân miệng bùng phát ở xã Thanh Hóa đúng lúc bà Phiếu đưa đứa cháu của mình đến Bệnh viện Bắc Sơn chữa trị. Thấy cảnh hàng chục cháu nhỏ đau đớn, khóc lóc mà nóng hết cả ruột gan, bà về bản Hà lấy lá rừng ra để chữa trị. Nhìn người phụ nữ Nguồn chỉ với mấy lá cây mà đòi chữa loại bệnh trẻ em đang nóng xình xịch trên tivi, đài báo khiến không ít người bán tín bán nghi. Bản thân các bác sĩ điều trị cũng rất ngần ngại. Giữa lúc ấy, có người biết đến tiếng bà Phiếu chữa bệnh đã lâu, đứng ra “bảo lãnh” nên họ mới để cho bà chữa thử. Chỉ với một thang, sau một ngày, hàng chục đứa trẻ lành bệnh, xuất viện ra về.
Tuyệt kỹ chữa tay chân miệng chưa phải là “cảnh giới chữa bệnh” cao nhất của bà Phiếu. Chuyện bà thổi bệnh còn kỳ lạ hơn nhiều. Từ bỏng, hóc xương cho đến dẫm phải gai khi đi rừng bà đều thổi lành hết chỉ bằng một chén rượu.
Hôm tôi đến nhà bà cũng là lúc gia đình chị Đinh Thị Hương đến cảm ơn. Số là hôm trước, anh chồng chị Hương bắt được con cá suối, ăn uống thế nào chị lại bị hóc xương. Lúc người nhà đưa đến nhà bà Phiếu thì không còn nói được nữa. Ngậm chén rượu thổi phù vào miệng, sau một vài giây ặc ặc, chiếc xương cá dài 3 cm trong cổ họng đột nhiên xổ ra. Vừa về đến nhà, con chó nhà chị Hương cũng bị hóc xương đang nằm tru inh ỏi giữa sân. Lại gọi bà Phiếu. Dù chưa bao giờ chữa bệnh cho chó nhưng bà cũng ngậm rượu vào rồi thổi thử. Chỉ một lúc, chó xổ xương ngoe nguẩy đuôi, trở lại bình thường.
Những chuyện có phần đơn giản như thế xảy ra hằng ngày ở bản Hà và chưa đủ để dân bản phong bà là thần y. Phải đến cái lần bà thổi lành cho anh Phương Nhàn bị bỏng mất nửa người thì mới phục. Anh Nhàn bị bỏng nước sôi, người ta đưa đến kêu bà khi toàn bộ phần thân dưới đã phồng rộp nhìn rất khiếp. Vừa dùng hơi, vừa dùng bông gòn thấm nước từ lá cây gia truyền bà Phiếu kiên trì thổi trong vòng 5 tiếng liền. Thổi xong bà lấy bông gòn chấm thuốc. Một tuần sau dân bản Hà đã thấy Phương Nhàn đi lại bình thường.
Cả ngàn người con
Biệt tài chữa bệnh của bà Phiếu dần dần vượt khỏi bản Hà. Người từ Ba Đồn, Đồng Hới tìm lên, từ Minh Hóa, Bố Trạch tìm sang nhờ bà chữa bệnh. Thậm chí tận Sài Gòn biết tiếng bà Phiếu nhưng không có điều kiện trực tiếp ra chữa cũng cho người đến mua thuốc gửi vào.
Những đứa trẻ được bà chữa bệnh quay lại nhận mẹ nuôi
Có tới 5 người con trai nên bây giờ việc chọn người để truyền lại phương thuốc bí truyền khiến bà Phiếu đau hết cả đầu. Bà bảo, đứa nào cũng tốt tính, nhưng điều quan trọng là phải kiên trì, phải luôn luôn đặt cái tâm chữa bệnh cứu người lên hàng đầu thì phương thuốc mới được gìn giữ bền vững được. Người Nguồn không còn sống biệt lập như ngày trước nữa, bà sợ kinh tế thị trường, đồng tiền sẽ làm biến đổi cái tâm của người được thừa kế vị thuốc này. Đó là lý do khiến bà còn lần lữa. Trường hợp cả 5 đứa không đạt, bà có thể chọn cháu hoặc anh em trong họ. |
Tài năng ấy, tiếng tăm ấy lẽ ra bà phải giàu có mới phải. Không, "vị thần" này rất giản dị. Bà sống một mình trong ngôi “nhà pè”, loại nhà đặc trưng của người Nguồn, dựng trên nền đất, đơn sơ, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Chồng mất, 8 đứa con, 5 trai, 3 gái nhưng bà chẳng ở với đứa nào. Bà bảo, sống một mình để những lúc tối lửa tắt đèn người ta kêu đi chữa bệnh tiện hơn, đỡ phiền đến con cháu.
Chuyện tiền công của vị "thần y" này cũng hết sức khác người. Bà không bao giờ đòi hỏi tiền mặt. Nhớ ơn, quý tài thì biếu bà buồng cau, nải chuối, giá trị hơn nữa thì con gà hay cặp giò lợn… Từ những bệnh nhân lắm tiền nhiều của đến những gia đình dân bản khố rách áo ôm bà đều đối đãi như nhau cả. Cái nghĩa, cái tình ấy khiến những người được bà chữa bệnh xong đều nằng nặc xin được nhận bà làm mẹ nuôi. Trẻ thơ lít nhít có, người lập gia đình có, đến như những người lên chức ông, chức bà, đầu bạc trắng rồi mà tết nhất cũng cắp nách con gà đến nhà bà để mừng tuổi mẹ. “Con cái” đông đến nỗi bà phải ghi tên vào sổ. Gặp nhau, kể chuyện chữa bệnh gì, khi nào, tên gì, ở đâu, giở sổ ra mới nhớ. Cuốn sổ ấy bây giờ ghi tên cả ngàn người con.
Đắn đo mãi tôi đánh liều nhờ bà liệt kê tên 6 loài cây chữa bệnh, định bụng sẽ tìm các thầy thuốc khác để hỏi xem thử thế nào. Bà đồng ý. Nhưng biết cũng như không bởi đó hầu hết là những loại cây chỉ ven khe Hà, thượng nguồn sông Gianh này mới có. Cũng chỉ mỗi bà là biết chúng mọc ở đâu. Thì ra là bí mật gia truyền của dòng họ Đinh.
“Phương thuốc này chỉ truyền cho một người trong họ mà thôi. Cứ luân phiên nhau, đời này là nam thì đời sau bắt buộc phải là nữ, không được truyền sang người thứ hai, nếu không sẽ không bao giờ hiệu nghiệm”, bà Phiếu tiết lộ.