Cách đây 4 năm, vợ chồng anh chị bán nhà để lấy tiền đầu tư làm nông nghiệp. Cái việc “ngược đời” của hộ chẳng ai tin là có thể thành công. Vậy mà giờ đây họ đã tạo ra 1 Trang trại giáo dục đầu tiên ở Thủ đô, mỗi năm thu hút hàng vạn người đến tham quan.
Thạc sĩ Đặng Lưu Hoa (SN 1976) và TS. Trần Nguyễn Hà lấy nhau được 8 năm, họ đã có 1 cô con gái đầu lòng. Anh chị đều là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội). Cuộc sống của họ là mơ ước của nhiều người, vậy mà đùng một cái vợ chồng anh chị quyết định bán nhà, thuê đất làm trang trại. Ý tưởng này của chị Hoa bắt nguồn từ sau chuyến thăm Úc. Sang đó, chị được họ dẫn đi thăm nhiều mô hình nông trại kết hợp với giáo dục. Tại các nông trại thường xuyên đón tiếp các cháu học sinh đến thăm.
Bỏ phố ra đê
Khi về nước chị Hoa suy nghĩ, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Thủ đô khiến nhiều đứa trẻ chỉ biết các con vật cũng như cây cỏ trên ti vi. Trong khi đó, việc khai thác kiểu mô hình như nước Úc chưa có ai làm. Chị bàn với chồng thực hiện ý tưởng xây dựng mô hình trang trại giáo dục, không ngờ chồng chị rất ủng hộ. Thế rồi họ đi khắp nơi tìm nơi để thuê đất. Mất nửa năm trời, đề án thành lập Trang trại giáo dục của họ mới hoàn thành. Địa điểm họ chọn là khu đất ngoài đê sông Đuống, thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội). Để có tiền đầu tư, họ đã quyết định bán ngôi nhà mình đang ở (giá 4 tỷ đồng) và đi thuê nhà nơi khác ở. Biết tin này, gia đình nội ngoại đều phản đối kịch liệt. Họ không ngờ rằng, những đứa con đã có công danh sự nghiệp đàng hoàng, hơn người như thế lại có “suy nghĩ nông cạn đến vậy”. Họ khuyên mãi không được đành chịu, chỉ thương đứa cháu nhỏ, tý tuổi đã phải đi ở nhà thuê cùng bố mẹ.
Khu đất chị Hoa thuê dài hạn nằm ngoài đê sông Đuống, rộng 1,5ha. Trước đó bà con chỉ trồng vài cây hoa màu, trước hôm bàn giao đất bà con cảnh báo: Đất này trồng ngô, khoai thì được, chứ chưa ai trồng được cây ăn quả lâu năm cả.
Chị Hoa – người đã dám bán cả nhà thuê đất làm trang trại
Hôm anh chị nhận khu đất vui bao nhiêu thì gia đình họ hàng lo bấy nhiêu. Nơi chị Hoa thuê nhà, cách khu đất 20 cây số. Muốn sang đó làm, cả nhà phải dậy từ 5 giờ sáng. Anh chở con đến trường học, chị vào trang trại rồi vòng về chỗ làm. Khi nào hết giờ, anh Hà lại quay về đây cuốc đất, trồng cây cùng vợ. Nhát cuốc đầu tiên khiến bàn tay anh chị trầy da, rớm máu. Tuy là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I nhưng chuyên ngành của họ là về vi sinh vật. Họ chưa thật hiểu về cây con và cũng chưa cầm cày, cầm cuốc bao giờ. Chị Hoa nhớ lại: “Khi đó tôi mới thấm thía câu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là thế nào. Mất gần nửa năm trời vợ chồng tôi chỉ thu được vài mớ rau sạch, trong khi đó đã đổ tiền tỷ vào đây rồi”.
Từ nơi ở đến khu trang trại quá xa, anh chị quyết định làm ngôi nhà ở luôn ngoài đê. Lúc đó anh chị phải vững tâm lắm mới trụ lại được. Đất không phụ công người, những giọt mồ hôi của anh chị đổ xuống đã làm xanh cả vùng đất bãi. Cây ngô, cây lúa, cây rau màu đã cho thu hoạch. Mùa nào quả nấy, anh chị còn chăn lợn, nuôi trâu, bò, dê… Mục đích ban đầu của họ để bán sản phẩm nông nghiệp sạch, nhưng ít người tin nên những thứ đó chủ yếu dùng làm quà biếu cho người thân.
Thỉnh thoảng bạn bè của anh chị dẫn con cái sang nông trại chơi. Bọn trẻ ở thành phố được hưởng hương đồng, gió nội lại được trực tiếp tham gia trồng cây, chúng mải chơi quên cả đường về. Từ đó, họ thường xuyên giới thiệu những gia đình khác sang chơi. Chiều về, nhà nào cũng mua 1 tải rau sạch.
Từ đây, anh chị nảy ra ý tưởng, sao không đến các trường học tiếp thị, giới thiệu về mô hình nông trại đón các cháu sang đây thăm? Chị đã gõ cửa nhiều trường học nhưng họ đều không tin lắm dù chị có thuyết trình đến gẫy cả lưỡi. Không nản chí, hằng ngày anh chị vẫn tiếp tục hoàn thành một mô hình nông trại khép kín, có chăn nuôi, trồng trọt và chị còn lập 1 trang web giới thiệu về mô hình Trang trại giáo dục nhằm quảng bá tới công chúng.
Nuôi dưỡng tình yêu của trẻ với cỏ cây
Giờ đây mô hình trang trại khép kín của vợ chồng vị tiến sĩ đã hình thành. Sau mấy năm “đánh vật” với đất, vợ chồng chị Hoa trở thành những nông dân thực thụ. Khác với những bà con nông dân, họ không trồng và bán nông sản, họ còn kinh doanh du lịch trên chính mảnh vườn của mình.
Lúc ra mở cổng đón chúng tôi, chiếc điện thoại di động của chị Hoa liên tục đổ chuông. Khi công chuyện đã vãn chị mới bảo: “Toàn khách đặt chương trình đến tham quan. Chỉ tiếc rằng, từ giờ đến cuối năm lịch gần như khách đã đặt kín. Tôi vừa phải hoãn một số trường đến tham quan vì không sắp xếp được lịch… Mỗi ngày nông trại chỉ đón được tối đa 400 khách. Ngay cả sản phẩm nông nghiệp sạch tại trang trại cũng không đủ để bán”.
Trang trại là nơi các bé vui chơi
Dẫn chúng tôi đi thăm nông trại, chị Hoa nói thao thao bất tuyệt về bất cứ thứ cây con gì có trong vườn. Nhìn khuôn mặt của chị sạm đi vì nắng gió, tôi hiểu chị đã dồn cả tâm huyết vào nơi đây. 1,5ha đất đã được phủ kín cây xanh, những công trình vui chơi, giải trí cho các cháu học sinh được quy hoạch sắp xếp rất khoa học. Từ năm 2010, họ bắt đầu mở cửa đón khách. Lúc đầu chỉ là những gia đình thân quen ở trong thành phố dẫn con sang chơi. Dần dần nhờ sự “truyền miệng” của họ mà nhiều người khác biết đến. Đặc biệt là các cháu học sinh đến thăm nơi này rất thích. Từ những người khách lẻ tẻ, giờ họ thường tổ chức theo đoàn sang đây thăm trang trại. Ước tính mỗi năm có hàng vạn lượt khách sang thăm quan, chủ yếu là các cháu ở trường mầm non và tiểu học. Giá vé vào thăm quan tương đối mềm, các cháu nhỏ là 70.000đ, người lớn là 30.000đ. Nếu đoàn nào cần đặt ăn ở trang trại, chị Hoa liên kết với Trường Dạy nghề nấu ăn Hoa Sữa. Đây cũng là một việc làm rất ý nghĩa vì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho các cháu ở trường.
Sau 2 năm mở cửa đón khách, vợ chồng vị tiến sĩ đã có đồng ra đồng vào. Việc đầu tiên họ nghĩ tới là mua lại 1 mảnh đất rộng 1,1ha ở gần đó để mở rộng mô hình. Chị Hoa tin tưởng rằng, mô hình đầu tiên đã gặt hái qủa ngọt. Nhiều doanh nhân, Cty du lịch ngỏ ý sẵn sàng mua lại trang trại này của chị với giá cao gấp nhiều lần so với số tiền mà anh chị bỏ ra. Tuy nhiên, anh chị đều không đồng ý bán. Chị bảo, mục đích xây dựng trang trại này là nhằm nuôi dưỡng tình yêu của trẻ với cây cỏ, vật nuôi, thiên nhiên và môi trường. |
Trang trại giáo dục được xây dựng theo chủ đề “Làng quê thu nhỏ của bé”. Vườn là một địa điểm vui chơi tương tác và độc đáo, nơi mà trẻ có thể tìm hiểu động và thực vật đã đáp ứng những nhu cầu hàng ngày của các em như thế nào. Đến với nông trại các bé sẽ được đi tham quan vườn cùng bác nông dân, được giới thiệu về các loại cây rau màu, phân biệt hình dáng, màu sắc và lợi ích của từng cây. Bên cạnh cây trồng, các bé còn được thăm khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các bé vừa nghe bác nông dân giới thiệu về các con vật, vừa có thể ngắm vật nuôi và cho chúng ăn. Bọn trẻ còn có thể đùa nghịch với vật nuôi và chụp ảnh với chúng nữa. Ngoài ra, các bé còn được tham quan mô hình nuôi cá và trồng cây kết hợp theo phương pháp thủy canh hữu cơ, một mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam hiện nay.
Điều đáng nói hơn cả là vợ chồng chị Hoa đã “soạn” riêng cho nông trại của mình 1 bộ giáo án về nông nghiệp tuyệt vời bằng 1 buổi học ngoại khóa vô cùng bận rộn và bổ ích cho các bé. Trang trại giáo dục được xây dựng theo mô hình trang trại hữu cơ (không dùng bất kỳ sản phẩm hóa học nào trong chăn nuôi, trồng trọt), nhằm mục đích tạo môi trường hoàn toàn tự nhiên và an toàn cho các bé khi đến tham quan và học tập, bên cạnh đó tạo điều kiện cho các bé được tiếp xúc với các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường ngay từ khi còn bé, để sau này các bé lớn lên, chính các bé sẽ là những chủ nhân để phát triển các sản phẩm đó.