| Hotline: 0983.970.780

Kỳ bí rừng Nam Xuân Lạc: [Bài 1] Núi vàng, núi bạc

Thứ Năm 11/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Kạn Những người đi chinh phục như chúng tôi không thể nghĩ, chuyến đi bộ hơn 18km lại thú vị, cảm xúc đến vậy. Trên đỉnh núi cao đầy gió còn chất chứa nhiều bí ẩn.

Lỡ hẹn nhiều lần, đợt này tôi gác lại mọi việc cùng những người anh, người bạn quyết tâm đi xuyên rừng Nam Xuân Lạc.  Nói về Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc, ở đó có nhiều điều thú vị chờ khám phá, không chỉ là thiên nhiên tươi đẹp mà còn chất chứa bao nhiêu hoài niệm về một thời đã qua.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

“Rừng đã chứng kiến cảnh lầm than, khổ cực của ông cha ngày xưa, cũng đang chứng kiến tiếng nói cười râm ran của chúng tôi hôm nay. Không gì có thể làm nên một hộp thời gian (time capsule) quý hơn một phiến rừng”. Tâm sự của một bạn trẻ nhiều năm sống xa Tổ quốc viết sau khi đi cùng đoàn khám phá Nam Xuân Lạc khiến tôi không khỏi bất ngờ. Nó cũng bất ngờ như chính bản thân tôi bất ngờ về vẻ đẹp hùng vĩ của núi non mây trời nơi đây.

Hành trình khám phá Nam Xuân Lạc (Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) lần này khá đặc biệt, ngoài những cán bộ lãnh đạo huyện Chợ Đồn, chúng tôi đi cùng Mai Hoa, một bản trẻ đã, đang sống và học tập tại California (Mỹ) gần 10 năm nay.

Mai Hoa (áo đỏ) trong hành trình khám phá rừng Nam Xuân Lạc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Mai Hoa (áo đỏ) trong hành trình khám phá rừng Nam Xuân Lạc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khi ánh nắng buổi sáng xuyên qua những kẽ lá, chiếc xe dừng lại, hành trình đi bộ khám phá rừng Nam Xuân Lạc của chúng tôi cũng bắt đầu. Rảo bước trên con đường mòn dưới chân núi, anh Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc chậm rãi nói với chúng tôi, rừng Nam Xuân Lạc mênh mông bát ngát nhưng đến đây các bạn không chỉ khám phá rừng đâu, ở đây còn rất nhiều điều bất ngờ.

Trên con đường nhỏ đẹp như tranh vẽ, dưới có khe sâu, trên có núi đá, chúng tôi bất ngờ “chạm chán” với những “bãi mìn” do những đàn trâu của người dân chăn thả để lại. Dọc đường đi chúng tôi xuyên qua nhiều đường hầm tối om dài chừng trăm mét.

Anh Hải chia sẻ, đây là những đường hầm xuyên vách đá từ thời Pháp thuộc, họ đã đục xuyên qua núi đá để làm đường vận chuyển quặng. Những dấu tích người Pháp để lại nơi đây vẫn còn phảng phất nhiều nơi dọc đường đi. Dù đi trên rừng nhưng chúng tôi có cảm giác con đường đi lại khá dễ dàng, nền đường tương đối bằng phẳng uốn lượn men theo chân núi đá, phía dưới, từng lớp kè đá chống xói lở đã nhốm màu thời gian nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Con đường xuyên qua những dãy núi đá trên đỉnh Phja Khao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Con đường xuyên qua những dãy núi đá trên đỉnh Phja Khao. Ảnh: Ngọc Tú. 

"Để vận chuyển quặng, người Pháp đã bắt dân mình đào đất, xẻ đá làm đường, bây giờ mình đang đi chính trên con đường có từ thời cha ông để lại. Hệ thống đường kè đá dài đến hàng chục cây số mà người Pháp khai thác quặng ở đây từ năm 1909, nên có lẽ những con đường này đã có từ thời đó", anh Hải phỏng đoán như vậy.

Đi bộ chừng gần một tiếng đồng hồ, khi những giọt mồ hôi đã rơi lã chã, tôi nghĩ người bạn đồng hành Mai Hoa cũng đã thấm mệt, nhưng ngoảnh sang bên cạnh, Mai Hoa vẫn cười nói rôm rả. Có lẽ cảnh sắc mây trời tươi đẹp đã khiến lòng người thêm phấn chấn mà quên đi hết sự mệt mỏi.

Với một người trẻ sống nhiều năm ở nửa bên kia bán cầu như Mai Hoa, chuyến đi leo núi lần này có lẽ để lại nhiều cảm xúc. Để sau chuyến đi, em viết: “Chúng tôi vừa né 'mìn' trâu vừa trầm trồ băng qua những hầm đá tự nhiên được con người đục đẽo mà ra. Hang đá khô ráo mát rười rượi trong tiết khí trời nồm ẩm ướt. Hương hoa mộc xen lẫn với mùi đất bùn thoang thoảng qua chóp mũi. Này là hầm chứa nước sinh hoạt, kia là bộ khung thép trơ trọi còn lại của hệ thống xe goòng chở quặng tinh vi dựng lên từ thời Pháp”.

Những đường hầm xuyên qua núi đá xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những đường hầm xuyên qua núi đá xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chứng tích trên đỉnh Phja Khao

Phja Khao là đỉnh núi cao nhất chạy dọc Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc. Từ thời ông cha đã đặt tên vậy. Nhưng kỳ lạ là trên đỉnh núi cao chót vót ấy lại có một thứ quý giá: quặng. Mà cũng thật tài tình, bằng cách nào đó, cách đây từ hơn 100 năm người Pháp đã lần mò tìm thấy quặng tận trên đỉnh núi này.

Trong tiết trời mát mẻ với gió trời lồng lộng, chúng tôi cũng đến được điểm tham quan đầu tiên – Hệ thống đường dây cáp tời quặng mỏ chì kẽm Bản Thi mà người Pháp xây dựng từ năm 1909 – 1941.

Hệ thống cáp tời quặng trên đỉnh Phja Khao được người Pháp xây dựng để khai thác quặng từ cách đây hơn 1 thế kỷ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hệ thống cáp tời quặng trên đỉnh Phja Khao được người Pháp xây dựng để khai thác quặng từ cách đây hơn 1 thế kỷ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đoàn chúng tôi ai cũng háo hức, mọi mệt mỏi dường như đã tan biến đi theo những giọt sương sớm. Chị Ma Thị Na, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Chợ Đồn có lẽ đã đến đây nhiều lần. Không phút nghỉ ngơi, chị hồ hởi giới thiệu về khu di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, cũng là chứng tích về sự bóc lột của thực dân Pháp đối với người dân Chợ Đồn hơn 100 năm trước.

Với tôi, lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây cũng không khỏi choáng ngợp trước công trình đồ sộ còn sót lại đến tận ngày nay. Hệ thống cáp tời vẫn còn khá nguyên vẹn dù đã dãi nắng dầm mưa hơn một thế kỷ, các cột đỡ cáp, dây cáp, từng con ốc đã gỉ sét nhưng vẫn còn khá chắc chắn.

Vừa ngắm những chứng tích đã nhuốm màu rêu phong, Mai Hoa nửa đùa nửa thật bảo, niên đại của những tấm thép này hẳn phải sánh ngang với từng chiếc đinh con ốc trên cầu Long Biên.

Chứng tích còn sót lại của hệ thống cáp tời quặng trên đỉnh Phja Khao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chứng tích còn sót lại của hệ thống cáp tời quặng trên đỉnh Phja Khao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Phút chốc ở đầu bên kia, chị Na gọi chúng tôi lại, dường như chị muốn cho chúng tôi xem một thứ gì đó thú vị. Trên tay chị cầm mảnh ngói đã vỡ một phần góc, nhưng những dòng chữ bằng tiếng Pháp thì vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi chưa kịp nói gì chị lại chỉ cho chúng tôi xem những dòng chữ khắc trên từng thanh thép đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt một thế kỷ. Chị bảo, theo nhiều tài liệu và lời kể của các cụ cao niên trong vùng, xưa phần trụ của hệ thống cáp tời này có mái che được lợp bằng ngói rất kiên cố, giờ chỉ còn lại hệ thống trụ bằng thép và dây tời.

Theo các tài liệu còn lưu giữ, sau này trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cơ sở của Trung ương chuyển về đóng ở xã Bản Thi, trong đó có xưởng quân giới. Quân và dân ta đã tận dụng một phần thép từ hệ thống cáp tời này để sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến.

Hệ thống cáp tời quặng xây dựng trên đỉnh núi cao nhất, nhìn xuống phía dưới là trùng trùng núi non. Theo mô tả, quặng sau khi khai thác, người Pháp sẽ tập kết về đây, theo đường cáp tời để chuyển xuống chân núi. Sau đó quặng mới chuyển theo đường bộ sang tận sông Lô bên tỉnh Tuyên Quang để rồi theo tuyến đường thủy để chuyển về xuôi.

Trong ít phút nghỉ ngơi, anh Hải, giám đốc khu bảo tồn tâm sự: Trước đây do đường sá đi lại khó khăn, ít người biết đến hệ thống cáp tời từ thời Pháp thuộc này. Những năm gần đây, cùng với chủ trương phát triển du lịch, Khu bảo tồn đã sửa sang lại hệ thống đường mòn có từ thời Pháp để du khách muốn khám phá đi lại dễ dàng hơn.

Hệ thống cáp tời quặng vẫn còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hệ thống cáp tời quặng vẫn còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hành trình khám phá rừng Nam Xuân Lạc còn dài, còn nhiều thứ để tìm hiểu phía trước. Nhưng trong dòng cảm xúc viết về một chuyến đi, tôi cứ băn khoăn mãi không biết nên gửi thông điệp gì đến độc giả, những người chưa từng đặt chân đến nơi đây.

Nhưng có lẽ, không gì tốt hơn là những lời tâm sự của Mai Hoa, một người sống xa quê hương, lần đầu cảm nhận về mảnh đất này. “Hãy đến đây đi, bạn ơi. Về với rừng trong một tâm thái nghiêm trang lại sảng khoái nhất, để thả lỏng mình mà tiếp nhận dòng thời gian và sức sống cuồn cuộn của nơi này, bước vào một hành trình về quá khứ sống động, chân thật hơn bất kì thước phim, hiện vật bảo tàng nào”.

Mỏ chì kẽm Bản Thi hay còn gọi là mỏ chì kẽm Chợ Điền ở xã Bản Thi huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Sau thời kỳ thực dân Pháp khai thác, mỏ chì kẽm Chợ Điền được ngành địa chất Việt Nam bắt đầu điều tra từ năm 1957 với sự cố vấn của các chuyên gia Liên Xô và Tiệp Khắc, xác định trữ lượng vài triệu tấn quặng. Hiện nay, mỏ chì kẽm này do Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn quản lý, khai thác.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.