| Hotline: 0983.970.780

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Thứ Tư 17/04/2024 , 06:28 (GMT+7)

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Chủ đầu tư phải cam kết trách nhiệm 

Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định Nguyễn Doãn Lâm tại Văn bản số 127 ngày 16/1/2024 cho biết: Xung quanh khu vực xây dựng công trình kênh thoát nước Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông có khoảng 28,5ha rừng phòng hộ ngập mặn, là loài cây trang (thuộc xã Nghĩa Lợi: lô số 8, 13; xã Phúc Thắng: lô số 12, 12a). Khu rừng nói trên cần đảm bảo lượng nước lưu thông tự nhiên theo chế độ thủy triều để không làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển hoặc làm chết cây rừng.

Thảm rừng ngập mặn ở ven biển huyện Nghĩa Hưng có tuổi đời gần 30 năm. Ảnh: Kiên Trung.

Thảm rừng ngập mặn ở ven biển huyện Nghĩa Hưng có tuổi đời gần 30 năm. Ảnh: Kiên Trung.

Theo đặc điểm khoa học lâm sản, rừng cây trang cần thời gian phơi bãi trung bình các ngày trong năm tối thiểu là 6 giờ/ngày để sinh trưởng, phát triển bình thường. Nhà đầu tư trong quá trình thiết kế, thi công cần có giải pháp thi công, vận hành công trình đảm bảo lượng nước lưu thông tự nhiên theo chế độ thủy triều vào khu vực rừng trên, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu diện tích rừng phòng hộ trên bị ảnh hưởng do nguyên nhân xây dựng và vận hành kênh thoát nước.

Đồng thời Sở NN-PTNT Nam Định cũng yêu cầu, trong quá trình vận hành công trình, đối với tuyến kênh tiêu thoát nước phía biển, đặc biệt tại vị trí 2 xi phông (cửa cống) dẫn nước phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo trì… để đảm bảo tuyến kênh hoạt động theo đúng thiết kế được phê duyệt. Đối với các hạng mục thi công nằm trong hành lang đê điều, phải tuân thủ Luật Đê điều.

Gần 30 ha rừng trang ngập mặn đang bị khô hạn từ thời điểm con kênh thoát nước của KCN Rạng Đông hợp long...

Gần 30 ha rừng trang ngập mặn đang bị khô hạn từ thời điểm con kênh thoát nước của KCN Rạng Đông hợp long...

Với tình trạng khô hạn kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự phát triển, sinh trưởng của cả một vạt rừng phòng hộ, chắn sóng ven biển. Ảnh: Kiên Trung.

Với tình trạng khô hạn kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự phát triển, sinh trưởng của cả một vạt rừng phòng hộ, chắn sóng ven biển. Ảnh: Kiên Trung.

Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông đã có văn bản cam kết về việc thoát nước khu vực rừng phòng hộ cạnh dự án kênh, nếu cây rừng phòng hộ trên bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và chết do nguyên nhân xây dựng và vận hành kênh thoát nước, công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định Mai Quang Tuấn cho biết đã nắm được sự việc, đang theo dõi, kiểm tra để xác minh truy tìm nguyên nhân.

Theo ông Tuấn, sự việc 28,5ha rừng trang ngập mặn tại huyện Nghĩa Hưng bị khô cạn, không có nguồn nước biển tự nhiên ra - vào theo chế độ thủy triều xuất hiện khoảng 3 tuần qua. Trước mắt, Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hưng đang theo dõi, xác định nguyên nhân và lập biên bản hiện trạng. Hiện tại, cây ngập mặn tại rừng phòng hộ vẫn chưa có biểu hiện của việc bị suy hại hay bị chết; bề mặt đất của rừng ngập mặn bị khô cạn, không có nước lưu thông. Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hưng cũng đã thông báo cho chủ đầu tư về sự việc này. 

Hình ảnh trái ngược của hai vạt rừng chỉ cách nhau con kênh thoát nước của KCN dệt may Rạng Đông...

Hình ảnh trái ngược của hai vạt rừng chỉ cách nhau con kênh thoát nước của KCN dệt may Rạng Đông...

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định cho biết, chủ đầu tư của kênh thoát nước phải chịu trách nhiệm nếu như dự án này là nguyên nhân khiến rừng ngập nước không có nước. Ảnh: Kiên Trung.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định cho biết, chủ đầu tư của kênh thoát nước phải chịu trách nhiệm nếu như dự án này là nguyên nhân khiến rừng ngập nước không có nước. Ảnh: Kiên Trung.

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2024, UBND xã Nghĩa Lợi cũng đã có buổi làm việc với một số hộ dân có đơn phản ánh, đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ thiết kế, phương án thi công của công trình kênh thoát nước thải khu dệt may Rạng Đông; giải trình nguyên nhân sự việc khiến 130ha đất bãi bồi ven biển không có nước biển lưu thông, bị khô hạn cục bộ…

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định cho biết, khi dự án chuẩn bị thi công, xâm hại gần 0,5ha rừng phòng hộ, cơ quan này đã có các văn bản báo cáo UBND tỉnh để có phương án trồng mới thay thế. Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định sau đó đã họp lấy ý kiến, thống nhất chuyển đổi diện tích đất rừng nói trên. Chủ đầu tư cũng đã nộp số tiền trồng rừng hoàn trả (80 triệu đồng).

“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi. Nếu diện tích rừng ngập mặn nói trên bị ảnh hưởng do nguyên nhân kênh xả thải chặn dòng nước ra vào, chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm. Cam kết đã được ký, nếu không đảm bảo đủ nước cho rừng ngập mặn, họ phải tìm phương án dẫn nước cho rừng ngập mặn sinh trưởng”, ông Tuấn cho hay.

Kênh thoát nước hơn 181 tỷ đồng xả thải ra biển

Theo hồ sơ thiết kế, kênh thoát nước khu công nghiệp dệt may Rạng Đông có tổng chiều dài 2,5km, chiếm dụng khoảng 15ha đất bãi bồi ven biển, trong đó có trên 7.000m2 rừng phòng hộ ngập mặn. Đây là một hợp phần của hạ tầng Khu công nghiệp Rạng Đông, là đường xả nước thải công nghiệp đổ ra biển Nghĩa Hưng.

Dự án kênh thoát nước thải khu công nghiệp dài 2,5km có tổng mức đầu tư hơn 181 tỷ đồng vừa hoàn thành một số hạng mục. Ảnh: Kiên Trung.

Dự án kênh thoát nước thải khu công nghiệp dài 2,5km có tổng mức đầu tư hơn 181 tỷ đồng vừa hoàn thành một số hạng mục. Ảnh: Kiên Trung.

Tổng mức đầu tư công trình này là hơn 181 tỷ đồng, nguồn vốn góp và vốn huy động do nhà đầu tư thực hiện. Theo thiết kế, kênh có 2 xi phông (cửa cống) dẫn nước cho 2 lạch hiện hữu, mỗi cửa có 3 ống dẫn nước bằng nguyên liệu HDPE, chu vi 1.200cm. Thời điểm hiện tại, công trình đã hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào vận hành. Các đơn vị thi công đang hoàn tất thi công hai đường mái kè của kênh.

Khi xảy ra sự việc không có nước thủy triều lưu thông, ra – vào khu vực rừng ngập mặn gây khô cạn cục bộ, đơn vị thi công đang khắc phục sự cố tại các cửa cống dẫn nước như trong hồ sơ thiết kế. Theo người dân địa phương, với chu vi của 6 ống dẫn (D1200) là quá nhỏ, nước không đủ ra vào khu vực rừng phòng hộ. Công trình vừa mới hoàn thành nhưng đã phát sinh hiện tượng nêu trên.

Khu vực cửa xi-phông để lấy nước tự nhiên ra vào khu rừng ngập mặn ven chân đê...

Khu vực cửa xi-phông để lấy nước tự nhiên ra vào khu rừng ngập mặn ven chân đê...

Đơn vị thi công hiện đang xử lý, khắc phục sự cố nói trên. Ảnh: Kiên Trung.

Đơn vị thi công hiện đang xử lý, khắc phục sự cố nói trên. Ảnh: Kiên Trung.

Thời điểm tháng 4/2023, tròn một năm về trước, khi dự án kênh thoát nước chưa thi công, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về việc tỉnh Nam Định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch Phát triển kinh tế thủy sản và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để chuyển đổi sang mục tiêu phát triển công nghiệp ven biển. Liên quan tới dự án kênh thoát nước của khu công nghiệp, khi đó tỉnh Nam Định ra quyết định thu hồi hơn 100ha, trong đó có hơn 90,8ha đất nuôi trồng thuỷ sản; 7.652m2 đất rừng phòng hộ để giao cho doanh nghiệp, trong khi người dân đang “khát” tư liệu sản xuất…

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi, ông Trần Văn Tuý khi được hỏi đã chia sẻ: “Tôi cũng bảo với các anh làm dự án (chủ dự án KCN Rạng Đông - Aurora) là sao không sử dụng hệ thống kênh đào chạy xung quanh khu công nghiệp, nước thải sau khi đã xử lý đảm bảo an toàn sẽ thoát theo hệ thống kênh, đỡ tốn kém lại không phải thu hồi đầm bãi”.

Nhiều chủ đầm nuôi thủy sản tại xã Nghĩa Lợi đang lo lắng việc không có nước vào ra sẽ khiến hàng chục ha đầm bãi không có nước tự nhiên để duy trì canh tác. Ảnh: Kiên Trung.

Nhiều chủ đầm nuôi thủy sản tại xã Nghĩa Lợi đang lo lắng việc không có nước vào ra sẽ khiến hàng chục ha đầm bãi không có nước tự nhiên để duy trì canh tác. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, kênh thoát nước đã được xây dựng theo thiết kế, hồ sơ được phê duyệt. Nó chính là hệ thống kênh xả thải của khu công nghiệp, trong đó chủ yếu là ngành dệt may - lĩnh vực sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất, và đổ thẳng ra biển.

Trong quỹ đất rộng mênh mông của đại dự án Khu công nghiệp Rạng Đông (Aurora IP) với tổng diện tích trên 520ha (trước kia toàn bộ thuộc Nông trường Rạng Đông) hiện mới chỉ có một vài nhà máy về đầu tư, xây dựng. Phần lớn mặt bằng vẫn bỏ hoang, chủ đầu tư vừa tiến hành san lấp mặt bằng, vừa xây dựng hạ tầng, giao thông nội bộ… vừa chờ huy động vốn và đợi nhà đầu tư.

Một đầm nuôi ngao tại khu vực bãi bồi xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: Kiên Trung.

Một đầm nuôi ngao tại khu vực bãi bồi xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: Kiên Trung.

Tham vọng của chủ đầu tư khu công nghiệp này, đó là tập trung thu hút vào công nghiệp hỗ trợ dệt may, đặc biệt là phân khúc dệt nhuộm, hướng tới mục tiêu nội địa hóa sản xuất 1 tỉ mét vải vào năm 2025. Nếu như nó được lấp đầy, với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất mà nó hướng đến, kênh thoát nước (xả thải) nói trên sẽ là một nguy cơ tiềm tàng của các sự cố môi trường.

Ngay khi vừa mới hợp long kênh thoát nước, gần 30ha rừng phòng hộ đã ngay lập tức bị khô cạn, dù nguyên nhân vẫn đang chờ tìm hiểu, xác minh?

Có lẽ, tỉnh Nam Định đã đón những hậu quả nhãn tiền khi vội vàng thay đổi chủ trương từ phát triển kinh tế xanh, nuôi trồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản sang phát triển công nghiệp hướng biển, với một loạt các ngành nghề, lĩnh vực “nhạy cảm” với môi trường như dệt may, sản xuất thép…?!

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.