Xâm nhập rừng nghiến cổ thụ
Mặt trời đã lấp ló ngọn cây, trời dần về trưa, hành trình khám phá Nam Xuân Lạc của chúng tôi chậm lại đôi chút, bước chân như muốn ngập ngừng. Đoàn sẽ nghỉ ăn trưa, sau đó sẽ bắt đầu khám phá rừng cây cổ thụ ở đây. Giọng anh Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc vẫn sang sảng, hơi thở dường như vẫn chưa gấp gáp, có lẽ chuyện đi bộ xuyên rừng đã quen thuộc với anh.
Bưa trưa của những người đi rừng khá đơn giản nên cũng xong nhanh chóng, sau vài lời hỏi thăm, anh Hải nói với hai nữ cán bộ kiểm lâm dẫn nhóm phóng viên đi trước.
Đường mòn trong khu bảo tồn bảo dễ đi thì hơi quá, nhưng có lẽ đường ở đây đi lại dễ hơn cả trong những khu rừng đặc dụng ở Bắc Kạn. Hệ thống đường mòn chủ yếu đi theo con đường mà cách đây hàng trăm năm người Pháp đã xây dựng để vận chuyển quặng. Có lẽ để chuyển quặng nên nó vòng vèo uốn lượn nhưng khá bằng phẳng.
Nông Thị Thuận đã có 13 năm công tác trong ngành kiểm lâm, nhiều năm gắn bó với rừng Nam Xuân Lạc. Bản thân chị cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi trên cung đường này. Chị bảo, riêng hệ thống đường mòn từ thời Pháp thuộc trong khu bảo tồn dài hàng chục km. Mặt đường bằng phẳng, phía taluy âm được kè đá chắc chắn, dù đã tồn tại hàng trăm năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.
Càng lên cao, gió càng lồng lộng, dù trời nắng chang chang nhưng chúng tôi không có cảm giác quá nóng nực. Cũng khá lạ là hôm này đi rừng không thấy có muỗi, vắt, những thứ mà trong đầu chúng tôi đã tưởng sẽ phải “chạm chán” lúc mới khởi hành.
Dường như hiểu ý chúng tôi, Thuận nhanh nhảu giải đáp, mùa này khô, nhiều gió nên không có muỗi, vắt, mùa mưa ẩm ướt thì nhiều lắm. Các anh chọn đi Nam Xuân Lạc thời điểm này là rất phù hợp rồi. Giọng Thuận vẫn trong vắt.
Sau một tiếng đi bộ, men theo chân núi đá, chúng tôi đã đến vùng lõi, những cây nghiến khổng lồ ngày càng nhiều hơn.
Đứng trước một cây nghiến cổ thụ, Thuận hồ hởi giới thiệu, cây này đường kính cũng phải gần 2m, tuổi thọ chắc tính đến vài trăm năm. Trong khu bảo tồn có khoảng 2.000 cây nghiến có đường kính lớn, đã được đánh số cẩn thận từng cây một.
Rừng nghiến cổ thụ ở trên đỉnh núi, có lẽ nhờ đó mà nó tồn tại đến ngày nay trước sự dòm ngó của lâm tặc. Nói đến lâm tặc, Thuận không ngại ngùng chia sẻ, nhiều năm nay không xảy ra vụ chặt cây nghiến nào lớn. Bây giờ đời sống người dân xung quanh khu bảo tồn cũng dần tốt lên nên phá rừng cũng ngày càng ít. Kiểm lâm như chúng em cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều.
Nhóm chúng tôi đi trước còn có chị Ma Thị Na, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Chợ Đồn, dáng người nhỏ nhắn, nhưng chị đã đi xuyên rừng Nam Xuân Lạc nhiều lần.
Những lần trước, mình đi cung đường khác vất vả hơn lần này nhiều, chị Na vừa nói chuyện nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt.
Chỉ vài năm nữa, Nam Xuân Lạc sẽ trở thành khu du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tuyệt vời đấy, lúc đó các em nhớ trở lại nhé. Tỉnh đã có kế hoạch thu hút đầu tư, có cả khu nghỉ dưỡng và nhiều tua tuyến tham quan, trải nghiệm. Cái cần bây giờ là làm sao quảng bá tốt một Nam Xuân Lạc hùng vĩ, giàu tính đa dạng sinh học đến với đông đảo du khách và các nhà đầu tư. Chị Na không quên thông tin về định hướng của huyện trong những năm tới cho chúng tôi.
Thiên nhiên trù phú
Vừa mải ngắm cảnh, nói chuyện về du lịch Nam Xuân Lạc, chẳng mấy chốc nhóm thứ 2 cũng đã bắt kịp chúng tôi. Còn chưa nhìn thấy mặt nhau, anh Hải đã cất tiếng văng vẳng, nghỉ ngơi tý đã mọi người ơi. Nhóm chúng tôi ai cũng thở phào, bảo dễ đi nhưng cũng đã mệt bở hơi tai. Vừa ngồi xuống, Thuận nhẩm tính, từ sáng đến giờ mình cũng đã đi được hơn 15km rồi đấy.
Hai nhóm gặp nhau, ngồi chưa ấm chỗ, anh Hải đã buông lời giới thiệu những nét độc đáo của khu bảo tồn. Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc được thành lập năm 2004, đến năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Theo đó, khu bảo tồn có diện tích hơn 4.155ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 2.552ha, phân khu phục hồi sinh thái gần 1.600ha, vùng đệm trong 8ha, nằm trên địa bàn các xã Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn).
Trong khu bảo tồn có có 670 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 440 chi, 145 họ, 5 ngành. Trong đó 63 loài có giá trị bảo tồn, 54 loài quí hiếm, 50 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 9 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Một số loài thực vật quý hiếm như nghiến, trai, đinh, các loài lan và một số loài dược liệu quý khác.
Về hệ động vật, theo các kết quả điều tra ghi nhận sự có mặt của 129 loài thú thuộc 7 bộ, 12 họ, trong đó 59 loài có giá trị bảo tồn, 47 loài chim, 12 loài bò sát, một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và danh mục đỏ IUCN. Một số loài đặc biệt quý hiếm như khỉ đen, khỉ mốc, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu chó, vạc hoa.
Hành trình của chúng tôi còn hơn 3km nữa, anh Hải bảo vậy, lúc này chỉ còn chút nắng chiều phảng phất xuyên qua những kẽ lá. Khu rừng cũng im ắng hơn, có lẽ thú rừng cũng đang trên đường về nơi trú ngụ.
Lại nói về thú rừng, đi Nam Xuân Lạc mà chỉ biết đến cây mà không nhắc đến con cũng là thiếu sót. Mới hôm rồi, khu bảo tồn vừa phát hiện 2 con Cu li nhỏ thuộc hàng động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IB được ưu tiên bảo vệ. Hai con Cu li xuống tận bản, nhưng không bị xâm hại, người dân, cán bộ đã giao cho khu bảo tồn để thả về rừng.
Gần nhất, khu bảo tồn cũng tiếp nhận ở vùng đệm một cá thể khỉ mốc, thuộc nhóm IIB. Thế mới thấy rừng xanh còn nhiều thứ quý giá, nếu mình không bảo vệ, con cháu sau này sao thấy những con động vật hoang dã ấy nữa. Anh Hải, giám đốc khu bảo tồn nói với chúng tôi.
Vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc khói lam chiều đã phảng phất ở cuối bản. Rừng Nam Xuân Lạc cũng sắp chìm vào giấc ngủ sau một ngày miệt mài nhả ra năng lượng tích cực cho con người.
Đi cả ngày đã thấm mệt, với người đi rừng có kinh nghiệm, dù bản đã rất gần nhưng lúc xuống dốc còn mệt hơn nhiều khi leo lên đỉnh. Mỗi bước chân dường như đã ngập ngừng, bắp đùi cũng cứng lại, cả đoàn đi mà tiếng cười nói thưa dần.
Tôi ngẩng đầu, không xa lắm là nương ngô của bà con !
Tỉnh Bắc Kạn vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển 5 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, phát triển 9 tuyến du lịch. Tổng mức đầu tư khái toán của đề án hơn 330 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn từ 2024-2030. Nguồn thu từ du lịch sẽ giúp tái đầu tư bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các loài, hệ sinh thái bị suy thoái, giúp người dân vùng đệm có thêm thu nhập.