| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cứu sông Nhuệ

Thứ Ba 22/01/2013 , 10:02 (GMT+7)

Hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng để cải thiện dòng nước và môi trường sông Nhuệ...

Nhiều năm nay dòng sông Nhuệ ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải chưa qua xử lý từ các làng nghề, xí nghiệp, bệnh viện và dân cư dọc hai bên bờ xả xuống. Vào mùa khô, sông Nhuệ trở thành ao tù, đen ngòm, đặc quánh, hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm trong lưu vực.

Nhiều địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ, người dân vẫn phải dùng nước thải để tưới cho lúa, rau màu, cây trồng và đưa vào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản, thực phẩm và sức khỏe đời sống nhân dân.

Khi mực nước sông Hồng xuống thấp không tự chảy vào được sông Nhuệ thì phải vận hành các trạm bơm tưới Bá Giang, Đan Hoài và Hồng Vân, lấy nước sông Hồng đưa vào sông Nhuệ để pha loãng nguồn nước bị ô nhiễm, tạo dòng chảy thau rửa sông Nhuệ, giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng để cải thiện dòng nước và môi trường sông Nhuệ như thu gom nước thải bị ô nhiễm, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nạo vét, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ, xây dựng mới trạm bơm tiêu Liên Mạc kết hợp tưới để đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ khi cần thiết...


Ô nhiễm sông Nhuệ đã ở mức báo động 

Tuy nhiên, những dự án trên đều có quy mô lớn, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư rất phức tạp, thời gian thi công dài, kinh phí đầu tư cần số tiền rất lớn, trong khi đó nguồn lực tài chính của thành phố hiện nay cũng như cả nước còn khó khăn nên việc đầu tư các hạng mục trên chưa thể đồng loạt làm ngay được.

Trong khi chờ đợi xây dựng hoàn thành các dự án trên, giải pháp trước mắt để giảm ô nhiễm môi trường là tận dụng hệ thống thủy lợi sẵn có, vận hành các trạm bơm tưới Bá Giang, Đan Hoài và Hồng Vân đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ khi mực nước sông Hồng thấp không tự chảy được. Tuy công suất chưa đáp ứng được theo yêu cầu quy hoạch, nhưng góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn nước sông, làm giảm ô nhiễm môi trường và tạo “sự sống” cho dòng sông Nhuệ.

Nội dung đề xuất:

- Hiện tại khu vực huyện Đan Phượng có hai trạm bơm tưới Bá Giang và Đan Hoài nằm ở ngoài bãi sông Hồng. Trạm bơm tưới dã chiến Bá Giang lắp đặt 25 tổ máy bơm loại 1.000 m3/h, có nhiệm vụ bơm tưới thay thế cho trạm bơm Đan Hoài khi mực nước sông Hồng thấp không bơm được.

Trạm bơm Đan Hoài được xây dựng từ năm 1961 lắp đặt 5 tổ máy bơm loại 8.000 m3/h, nhà máy đặt cách sông Hồng hơn 600 m về phía đồng. Từ nhiều năm nay vào vụ xuân mực nước sông Hồng xuống thấp không có nước vào trạm bơm để vận hành, ngày 17/6/2008 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt dự án nâng cấp trạm bơm tưới Đan Hoài, lắp đặt 5 tổ máy bơm chìm loại 8.000 m3/h và di chuyển nhà máy xây dựng sát sông Hồng.

Nay dự án đang triển khai thi công xây dựng và dự kiến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau khi trạm bơm Đan Hoài hoàn thành sẽ chủ động phục vụ SX, vì SX tính theo thời vụ (lượng nước cần bơm tưới lớn nhất cho một vụ chỉ bằng 1/3 thời gian sản xuất vụ đó).

Do vậy trạm bơm Đan Hoài có thể vận hành liên tục ngoài phục vụ SX còn tiếp nguồn được cho cả sông Nhuệ. Đối với trạm bơm dã chiến Bá Giang, đề nghị thay máy bơm mới và nâng công suất để vận hành liên tục đưa nước xuống sông Pheo (kênh T1) về sông Nhuệ.

- Khu vực huyện Thanh Trì có trạm bơm tưới Hồng Vân được xây dựng từ năm 1963 phục vụ tưới cho 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, nay diện tích tưới đã giảm và năm 2011 đã được thành phố đầu tư thay mới 5 tổ máy bơm chìm loại 8.000 m3/h, đề nghị vận hành liên tục cả 5 tổ máy, vừa cấp nước phục vụ SX vừa đưa nước xuống sông Kim Ngưu tại xã Duyên Thái để chảy ra sông Nhuệ tại xã Khánh Hà.

Tính khả thi và hiệu quả:

- Tận dụng những hạng mục công trình hiện có để tránh lãng phí, kênh xả của trạm bơm Bá Giang đến sông Pheo đã được thiết kế với lưu lượng khoảng 12 m3/s. Sông Pheo đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư, nạo vét khơi thông lòng dẫn và giao cho Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ thi công hoàn thành trong năm 2014.

- Sử dụng công trình thủy lợi hiện có nên phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của thành phố, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch của các ngành, hoặc các dự án khác, không phải đền bù giải phóng mặt bằng hoặc tái định cư. Trạm bơm Bá Giang đang sử dụng máy cũ, các thông số kỹ thuật chưa phù hợp, nên cần thay máy mới, kinh phí đầu tư không lớn, thời gian thi công nhanh, sớm phát huy hiệu quả.

- Sông Pheo có được nguồn nước sạch chảy qua sẽ tạo ra môi trường trong sạch cho khu dân cư hai bên sông, trong đó có đoạn sông (sông Đăm) hằng năm địa phương vẫn tổ chức lễ hội đua thuyền.

- Với lưu lượng cấp bằng bơm khoảng trên 20 m3/s, sẽ góp phần pha loãng nồng độ đậm đặc ô nhiễm của dòng sông Nhuệ, tạo ra được dòng chảy để lưu thông, thau rửa những mảng váng sùi bọt nổi tăm trên dòng sông, giảm mùi hôi thối đậm đặc, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho cả sông Đáy giáp với tỉnh Hà Nam.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.