| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Không để thiếu giống

Thứ Ba 26/11/2013 , 11:09 (GMT+7)

Cơn lũ vừa qua ở Bình Định đã cuốn trôi 300 tấn giống lúa lai của ngành chức năng chuẩn bị cho vụ ĐX 2013-2014 và trên 3.700 tấn giống lúa thuần dự trữ trong dân.

Cơn lũ vừa qua ở Bình Định đã cuốn trôi 300 tấn giống lúa lai của ngành chức năng chuẩn bị cho vụ ĐX 2013-2014 và trên 3.700 tấn giống lúa thuần dự trữ trong dân. Giống đang là vấn đề bức bách của ngành nông nghiệp tỉnh này.

Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng NN-PTNT thị xã An Nhơn, than thở: “Trước khi cơn lũ này ập tới, chúng tôi đã chuẩn bị đủ cơ số giống lúa cho SX. Không ngờ đa phần đã bị lũ cuốn. Kiểm kê lại thì có gần 590 tấn giống "bốc hơi".

Riêng tại kho lúa giống của Trung tâm Giống cây trồng Bình Định đóng trên địa bàn phường Bình Định có 74,83 tấn giống bị ngập lũ, trong đó 45,65 tấn lúa thuần và 19,98 tấn giống lúa lai.

Giống lúa chuẩn bị tại các HTXNN cũng bị tổn thất nặng. Cụ thể HTXNN phường Bình Định bị hư hỏng 10 tấn giống; HTXNN Nhơn An 30 tấn; HTXNN Nhơn Phúc 3 tấn… Ngoài ra, còn có 482 tấn lúa giống dự trữ trong dân cũng bị hư hỏng”.


Lũ ngập gây hại nhiều kho lúa giống của các HTXNN

Theo ông Minh, vụ ĐX 2013-2014 này thị xã An Nhơn sẽ gieo sạ 7.100 ha, nhu cầu về giống là 852 tấn, sau thiệt hại do lũ, nông dân của địa phương này cần được hỗ trợ đến trên 500 tấn.

Ở huyện Tuy Phước, tình trạng tổn thất và thiếu lúa giống trong vụ ĐX tới cũng nghiêm trọng không kém. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, ông Nguyễn Bay cho biết: “Cơn lũ vừa qua đã làm hư hại của huyện 800 tấn lúa giống, trong đó 400 tấn mất khả năng làm giống cho vụ ĐX tới. Bà con nông dân đang rất hoang mang, vì mùa vụ đã cận kề mà trong tay không còn giống để SX.

Theo kế hoạch, vụ ĐX sắp tới Tuy Phước sẽ gieo sạ 7.500 ha lúa, nhu cầu về giống là 1.050 tấn. Trước thực trạng mưa lũ làm hư hỏng gần một nửa số giống đã chuẩn bị, Tuy Phước đang thiếu đến 400 tấn lúa giống cho vụ ĐX sắp tới”.

Không chỉ riêng thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, tình trạng thiếu giống lúa cho vụ ĐX 2013-2014 đang là nỗi lo của hầu khắp các địa phương trong tỉnh Bình Định sau cơn lũ vừa xảy ra.

Theo báo cáo của các huyện, thị, nhu cầu hỗ trợ của các địa phương trong vụ ĐX 2013-2014 có đến 2.000 tấn giống. Trong khi đó, theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, ngày 25/11 là trên chân ruộng 3 vụ/năm của tỉnh này sẽ khởi động xuống giống.

Trước tình cảnh này, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định đã đưa ra những thông tin rất đáng phấn khởi. Là tỉnh này đã chủ động lo chuyện giống lúa ngay từ khi lũ chưa rút hết. Theo ông Hổ, UBND tỉnh đã kịp thời cho chủ trương mua gấp 2.000 tấn giống thuần với khoản kinh phí là 32 tỷ đồng để cấp về các địa phương bức xúc về thiếu giống lúa cho vụ SX sắp tới.

Trong những ngày qua, Sở NN-PTNT đã phân công từng lĩnh vực cụ thể cho các đơn vị trong ngành trong công tác khắc phục lũ lụt nhằm khôi phục SX. Theo đó, sở đã cử cán bộ làm việc trực tiếp, cụ thể với các huyện, thị trong tỉnh để nắm bắt số lượng và chủng loại giống cần thiết cho vụ ĐX sắp tới của từng địa phương.

Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng tỉnh này liên hệ với các đơn vị cung ứng để đặt vấn đề mua giống. Song song, ngành chức năng tỉnh này cũng đã cấp tốc thành lập hội đồng mua và cấp phát giống, tiết kiệm từng chút thời gian nhằm đưa giống lúa kịp đến tay nông dân trước khi bước vào vụ SX mới.

“Ngoài 2.000 tấn giống lúa thuần được mua theo chủ trương của UBND tỉnh, chúng tôi còn mua gấp 300 tấn giống lúa lai nhằm phục vụ cho các địa phương có truyền thống SX lúa lai trên địa bàn.

Hiện chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương thông báo đến nông dân về chủ trương hỗ trợ giống lúa của UBND tỉnh để bà con không hoang mang về chuyện thiếu giống, đó cũng là nhằm ngăn chặn nông dân lấy lúa thịt ra làm giống làm ảnh hưởng đến năng suất lúa”, ông Phan Trọng Hổ cho biết.

“Chủ tịch các UBND huyện, thị xã có trách nhiệm xác định cụ thể mức thiệt hại về giống lúa của từng địa phương, của từng hộ dân bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua. Theo đó, những hộ nông dân bị thiệt hại do lũ sẽ được hỗ trợ 100% giống”, ông Phan Trọng Hổ.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.