| Hotline: 0983.970.780

Nữ sinh bỏ nhà “đi bụi”

Thứ Tư 14/03/2012 , 14:20 (GMT+7)

Chỉ một thời gian ngắn, Đà Nẵng đã có nhiều vụ nữ sinh trung học bỏ nhà “đi bụi”...

Chỉ một thời gian ngắn, Đà Nẵng đã có nhiều vụ nữ sinh trung học bỏ nhà “đi bụi”. Lực lượng công an đã vất vả truy tìm và dùng những biện pháp nghiệp vụ khôn khéo đưa họ về lại gia đình.

Từ giữa năm 2011, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã tiếp nhận đơn kêu cứu của nhiều phụ huynh trình bày việc con gái họ đang học trung học phổ thông bỗng dưng... mất tích. Ngay lập tức, Công an Thanh Khê đã chỉ đạo đội cảnh sát hình sự, tổ công tác đặc biệt nhanh chóng vào cuộc phá án, đảm bảo an ninh trật tự, trấn an dư luận.

Không tiền vẫn “đi bụi”

Thiếu úy Huỳnh Thế Anh - tổ công tác đặc biệt, người trực tiếp tham gia đưa các nữ sinh về nhà - lắc đầu ngao ngán bởi “không biết các em suy nghĩ kiểu gì”. Như trường hợp em K.P. (lớp 11 Trường THPT TP). P. bỏ nhà đi ngày 24-6, nhưng đến ngày 29-6 gia đình mới tá hỏa đi cầu cứu công an.

Ngay sau đó, trinh sát của tổ công tác đặc biệt đã lên đường theo dấu của nữ sinh P. ra Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) và xác định P. theo bạn trai là N.C. (sinh năm 1994, là đối tượng từng rủ rê nhiều nữ sinh bỏ học đi chơi).

Tuy nhiên, C. đã nhanh chóng đón xe đò đưa P. vào tỉnh Bình Dương để du hí. Lực lượng công an lại lên đường vào Bình Dương, nhưng đến nơi thì cặp đôi này lại biệt tăm. Và sau đó có tin cả hai đang xuất hiện ở quận 12 (TP.HCM). Lúc này các trinh sát phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ khéo léo, xác định không có dấu hiệu mua bán phụ nữ và trẻ em trong vụ án này. Sau đó các trinh sát dùng chat Yahoo! để khuyên giải P. và cô đã đón xe về Đà Nẵng ngày 8/7.

Theo thiếu úy Anh, cả P. và C. đều không có tiền lận lưng nhưng vẫn liều mạng bỏ nhà ra đi, cứ đi tới nhà người quen ở các tỉnh xin vài trăm ngàn đồng làm lộ phí rồi lại đi tiếp. Điều đáng tiếc P. vốn là học sinh học rất khá và ngoan của trường.

Cuối tháng 2/2012, Công an Thanh Khê lại nhận thêm bốn đơn kêu cứu của phụ huynh về việc con họ mất tích. Nữ sinh Y.L. (học sinh lớp 10 Trường THPT T) bỏ nhà đi ngày 21-2. Không thấy con đi học về, ba mẹ L. hốt hoảng đi tìm và gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì sợ con bị bắt cóc hoặc bán qua biên giới.

Lực lượng trinh sát xác định L. đi theo người yêu vào TP.HCM và hiện đang ở nhà chị gái của bạn trai. Gia đình cùng công an phải vào TP.HCM để đưa cô nữ sinh này về.

Trường hợp nữ sinh N.Y. (học lớp 7 Trường THCS C) bỏ nhà đi bụi lại có nguyên nhân rất trẻ con. Đó là do Y. giận cô giáo khi cô cho đổi chỗ ngồi trong lớp. Còn trường hợp B.U. (học sinh Trường THCS P) bỏ nhà đi lại khác. Dù mới học lớp 9 nhưng U. đã có... bạn trai ở Quảng Nam!

Biện pháp mềm dẻo

Không giống những vụ án hình sự, khi tham gia truy tìm để đưa các nữ sinh về với gia đình, các trinh sát đã phải rất khéo léo và dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ mềm dẻo. Một cán bộ của tổ công tác đặc biệt cho biết phải sử dụng nhiều liệu pháp tâm lý như tác động từ bạn bè, thầy cô, cha mẹ để khuyên nhủ các em về với gia đình.

“Tuyệt đối không sử dụng biện pháp mạnh hay cưỡng chế các em mà chỉ khuyên nhủ, động viên tinh thần... Các em đang ở độ tuổi chưa trưởng thành, tâm lý không ổn định. Nếu cư xử không khéo sẽ gây ức chế, thậm chí khiến các em bỏ đi tiếp” - một cán bộ công an cho hay.

Thạc sĩ Bùi Văn Vân - trưởng khoa tâm lý, giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) - nhìn nhận tình trạng nữ sinh bỏ nhà “đi bụi” là minh chứng cho một lối sống lệch lạc đáng lo ngại của giới trẻ hiện nay.

Theo thạc sĩ Vân, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là từ gia đình. “Nếu gia đình đầm ấm, hạnh phúc, cha mẹ luôn quan tâm chia sẻ cùng con cái thì đã phòng tránh được hiện tượng này rồi” - thạc sĩ Vân cho hay.

Cũng theo ông, hiện tượng nữ sinh bỏ nhà đi không chỉ có ở các bạn trung học mà còn xuất hiện ở đối tượng sinh viên. Bản thân thạc sĩ Vân và các giáo viên đã tiếp xúc, chia sẻ những ức chế ở các sinh viên nói trên, giúp họ cân bằng lại cuộc sống, tránh xa suy nghĩ bỏ “đi bụi”.

“Hậu quả của chuyện “đi bụi” là bỏ học, xa gia đình, lao vào đời sớm, thiếu kinh nghiệm sống dẫn đến việc bị người khác lạm dụng, gặp nhiều bất trắc... Nếu không kịp thời ngăn chặn các em sẽ rất nguy hiểm...” - thạc sĩ Vân nói.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm