| Hotline: 0983.970.780

Qua tay “cò”, vay tiền tỷ ngân hàng dễ như chơi

Thứ Tư 19/01/2011 , 10:00 (GMT+7)

Chỉ cần có bằng khoán (sổ đỏ) vài công đất vườn trị giá vài trăm triệu đưa cho “cò” là có thể vay từ 5 đến 6 tỷ đồng để mua sà lan...

Một số chủ sà lan ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè đang trình bày với NNVN

Chỉ cần có bằng khoán (sổ đỏ) vài công đất vườn trị giá vài trăm triệu đưa cho “cò” là có thể vay từ 5 đến 6 tỷ đồng để mua sà lan. Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã cho hơn 60 hộ dân ở huyện Cầu Kè vay trung bình 4 tỷ đồng/hộ để đóng sà lan. Đến nay, hầu hết số sà lan này làm ăn thất bại, thu nhập không đủ đóng lãi, còn Ngân hàng đang đối mặt với món nợ khó đòi ngót 300 tỷ! Chỉ riêng “cò” vẫn “bình chân như vại”.

“Cò” thao túng?

Thời gian đầu năm 2009, do việc khai thác, chuyên chở cát chưa bị cấm, ai có chiếc sà lan chạy cát thì rất nhanh giàu. Chính vì vậy, ngay khi nhà nước có chương trình cho nông dân vay lãi suất ưu đãi để phát triển, chuyển đổi ngành nghề, rất nhiều người dân ở huyện Cầu Kè đổ xô đi vay vốn ngân hàng để đóng sà lan. Nhưng nếu không có “cò” đứng ra làm trung gian thì người dân không thể nào vay được tiền tỷ để đóng được.

Gia đình ông Đào Văn Nguyên, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè kể: “Chiếc sà lan tôi đóng tháng 4/2009 với giá 5 tỷ đồng. Khi đó tôi không có đồng nào, chỉ giao bằng khoán 8 công đất của gia đình tôi cho ông Sáu Đâu (Nguyễn Văn Đâu, một "trùm' trung gian trong việc vay vốn ngân hàng ở Cầu Kè). Sau đó ổng tự làm mọi việc, chúng tôi chỉ ngồi nhà ký hợp đồng và đợi mấy tháng sau có sà lan”.

Theo chân ông Nguyên, cuối năm 2009, hai người em ruột và một người cháu của ông Nguyên cũng đóng mỗi người một chiếc sà lan với giá 5,6 tỷ đồng/chiếc. Trong các hợp đồng đóng tàu, vay vốn ngân hàng, do chỉ đứng ra làm trung gian, không ký giấy tờ nào nên ông Sáu Đâu không có trách nhiệm gì trong việc vay vốn, làm ăn thất bại của sà lan. Người vay vốn ngân hàng qua Sáu Đâu phải đóng tàu tại xưởng do ông ta chỉ định với giá cao hơn xưởng khác từ 0,8 đến 1,2 tỷ đồng/chiếc (100% vật liệu đóng tàu do ông Sáu Đâu mua về, xưởng chỉ gia công). Nhưng họ vẫn chấp nhận vì nếu không chịu thì không được ông Sáu bảo lãnh vay vốn. Bên cạnh đó, họ còn được ông Sáu hứa miệng rằng sẽ bảo đảm nguồn hàng cho sà lan hoạt động liên tục. Trường hợp sau một năm, nếu làm ăn thất bại, ông ta sẽ mua lại với giá gốc ban đầu.

Tuy nhiên, tất cả là lời hứa suông. “Lúc sà lan mới đóng xong, ổng cũng có giới thiệu mối hàng, nhưng toàn mối “xương xẩu”, thua mối hàng mình tự kiếm, đâu có lời đâu mà chạy. Còn chuyện mua lại tàu với giá gốc ban đầu thì không bao giờ có” - ông Trần Văn Chiến, ở An Phú Tân, huyện Cầu Kè búc xúc nói. Hiện nay, do không có nguồn hàng, hàng chục chiếc sà lan phải neo tại bến hoặc chạy cầm chừng. Chiếc nào may mắn lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 50 triệu/tháng, trừ chi phí, còn lãi khoảng 30 triệu trong khi lãi ngân hàng từ 60 đến 70 triệu/tháng. “Bây giờ nếu ngân hàng khoanh nợ, không tính lãi để chúng tôi làm trả từ từ thì còn hy vọng, chứ nếu cứ tình trạng này thì ngay cả vốn ngân hàng cũng khó thu hồi đủ chứ đừng nói lãi. Còn chúng tôi thì trắng tay thực sự” - anh Lưu Văn Khánh, một chủ sà lan ở xã An Phú Tân nói.

Thủ đoạn vay vốn

Ngày 5/1/2011, sau nhiều lần gọi điện thoại, chúng tôi đã tiếp xúc với Trương Văn Đoàn, một tay chân của trùm “cò” Nguyễn Văn Đâu. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua lại chiếc sà lan cũ của một người bạn ở Cầu Kè. Đoàn cho biết chỉ cần đưa cho Đoàn một bằng khoán đất trong huyện Cầu Kè từ 7 công trở lên, anh ta sẽ lo mọi thủ tục để vay đủ tiền mua chiếc sà lan này. Đoàn khẳng định nếu không có Sáu Đâu hoặc anh ta thì không thể nào vay được tiền ngân hàng. “Anh không có bằng khoán, không có tiền vẫn có thể vay được tiền tỷ để mua lại sà lan. Chỉ cần có người đồng ý cho mượn, chuyển tên bằng khoán của họ cho anh trong vòng một tuần. Sau khi vay được tiền, anh đứng tên sà lan rồi thì trả lại tên bằng khoán cho chủ đất. Sang tên bằng khoán đơn giản lắm, một ngày tui làm 3 cái”.

Do người vay tiền mua sà lan không có 30% vốn đối ứng theo qui định, nên được “cò” hướng dẫn lập hai bản hợp đồng công chứng. Bản HĐ “lớn” kê khai tăng 30% giá trị thực chiếc sà lan (phần vốn đối ứng) để có thể vay 70% (giá trị thực chiếc sà lan) và phải chi cho bộ phận công chứng 1% tổng giá trị ghi trên HĐ. Bản HĐ thứ 2 được công chứng miễn phí, chỉ kê khai số tiền bằng 1/4 giá trị thực (sà lan giá thực 5 tỷ chỉ kê khai hơn 1 tỷ), để giảm bớt tiền thuế trước bạ. “Chiếc sà lan 1.000 tấn của tôi giá thực 5,7 tỷ, nhưng tôi được Đoàn hướng dẫn khai 8,3 tỷ trong HĐ “lớn” (chi 8,3 triệu cho công chứng). Còn HĐ “nhỏ” chỉ ghi 1,3 tỷ để đóng thuế trước bạ” - ông Võ Thanh Dũng, ấp Trà Ốt, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè nói.

Nói chuyện với chúng tôi, Trương Văn Đoàn, tay chân của ông Nguyễn Văn Đâu cho hay: “Anh Sáu Đâu có nhờ tôi đứng tên 2 chiếc sà lan và cho tôi 100 triệu. Nhưng số tiền đó tui đâu được hưởng một mình, phải mua cho anh P. chiếc iphone gần 20 triệu, anh T., chiếc điện thoại Nokia E72 gần chục triệu và chi cho những cán bộ ngân hàng khác mỗi người một ít. Tôi chỉ còn lại 26 triệu. Riêng anh L. thì không phải chi vì mỗi HĐ đóng sà lan, anh L. được ông Sáu Đâu chi “hoa hồng” ít nhất một trăm triệu”  (trích ghi âm)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông  Nguyễn Văn Đâu đã thực hiện hàng trăm HĐ đóng sà lan ở các tỉnh ĐBSCL. Những chiếc sà lan do Nguyễn Văn Đâu đặt đóng rất dễ nhận ra khi nó chạy trên sông bởi có chung một khuôn và phần mũi sà lan không vẽ hai mắt thần. Bản thân ông Sáu Đâu cũng đang sở hữu khoảng 20 chiếc sà lan tự hành trọng tải từ 1 đến 1.500 tấn.

Chiều 5/1/2011, chúng tôi đến Ngân hàng NN- PTNT chi nhánh Cầu Kè nhưng không gặp được Giám đốc Nguyễn Văn Liêm vì ông đi họp. Liên lạc qua điện thoại, ông Liêm hẹn chúng tôi 8 giờ sáng hôm sau tại văn phòng. Hôm sau chúng tôi trở lại thì ông lấy lý do bận việc đột xuất và cử ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng Tín dụng tiếp chúng tôi. Ông Phụng cho biết: “Tôi mới nhận chức Trưởng phòng Tín dụng từ tháng 5/2010, nên cũng chỉ nắm sơ sơ về tình trạng sà lan thất bại, nhiều người nợ ngân hàng cả vốn lẫn lãi ngót chục tỷ. Nhưng đáo hạn mà họ không có tiền trả thì ngân hàng phải thu hồi tài sản của họ để cấn trừ nợ”.

Tài sản của người dân chỉ có mảnh vườn, đã thế chấp vay tiền mua sà lan, nếu thu hồi cả sà lan, cả mảnh vườn thì hàng chục hộ gia đình sẽ ra sao? Chưa nói những chiếc sà lan bạc tỷ này giờ không thể hoặc rất khó bán vì ít người dám mua, nếu bán được thì cũng lỗ “chổng vó”!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm