| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình siết chặt hoạt động nghề cá

Thứ Tư 21/03/2018 , 10:04 (GMT+7)

“Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch đối với các phương tiện khai thác nghề cá nhằm quản lý, hỗ trợ tối đa ngư dân khi khai thác trên biển.

14-20-04_nnvn__1-_kiem_sot_tu_c
Tuần tra, kiểm soát tàu đánh cá trên vùng biển ven bờ Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Tâm

Triển khai hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá; nghiêm túc xử lý các sai phạm về sử dụng tàu giã cào, đánh bắt thủy sản bằng xung điện, tiến tới ngăn chặn dứt điểm tình trạng này” - ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo.
 

Tổ chức hoạt động đồng bộ

Quảng Bình đang thực hiện kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch là bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản đầy đủ, minh bạch nhằm kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không tuân thủ quy định theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu.

Hiện Quảng Bình có trên 1.300 tàu cá có công suất lớn hoạt động khai thác vùng biển xa. Theo ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thì: “Nhiệm vụ được đặt ra là 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, nhất là tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng sông Gianh, Nhật Lệ; bảo đảm thanh tra, kiểm tra ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu”.

Bên cạnh việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm trên biển, nhiệm vụ được giao cho ngành NN-PTNT chú trọng kiểm tra, kiểm soát nhóm tàu hành nghề có nguy cơ hoạt động trái phép cao như tàu giã cào khai thác tại vùng biển ven bờ; sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản; tàu cá không bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, để làm tốt nhiệm vụ này, cần khẩn trương thành lập Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá với sự tham gia của các ngành như nông nghiệp, công an, quân đội, BĐBP… Lực lượng đủ mạnh để thực hiện việc siết chặt hoạt động nghề cá theo đúng quy định của pháp luật.

“Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trực tiếp thực hiện và ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ quốc tế cũng như bảo tồn và quản lý nguồn lợi gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản…” - ông Quang nhấn mạnh.
 

Ngư dân đồng tình

Tỉnh Quảng Bình thực hiện quyết liệt việc siết chặt nghề cá với yêu cầu đặt ra cho các sở, ngành, địa phương, nhất là các xã biển phải chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể để việc tuyên truyền được triển khai đến tận các hộ dân và tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức của các ngư dân.

14-20-04_nnvn__2-_xu_ly_chu_tu_c
Xử lý chủ tàu tàu đánh cá vi phạm tại Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Tâm

“Nhanh chóng thực hiện ký cam kết không vi phạm giữa chính quyền địa phương với các chủ tàu. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, nhất là đối với các tàu giã cào nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách lâu dài” - ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, thời gian qua nhiều tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Bình cố tình đánh bắt thủy sản ngoài phạm vi cho phép của Việt Nam. Có hơn 40 tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài. Việc làm này cần phải được chấm dứt triệt để bằng việc ký cam kết không vi phạm và có biện pháp xử lý đủ sức răn đe đối với các chủ tàu cố tình vi phạm.

Xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) có đội tàu đánh bắt xa bờ gần 400 chiếc. Ông Hồ Đăng Chiến - Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho rằng nguồn lợi thủy sản đánh bắt được của địa phương chủ yếu là tiêu thụ trong nội địa. Vì thế cần chủ động tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ giá trị nguồn lợi thủy sản khi xuất khẩu để có kế hoạch triển khai nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.

Ông Chiến kiến nghị: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền trên cơ sở thống nhất cụ thể nội dung và chọn thời điểm các chủ tàu về đất liền, thường là từ sau ngày 10 đến trước ngày 20 hàng tháng. Cấp huyện cần bảo đảm lực lượng, phương tiện để tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nghề cá tại địa phương”.

Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có trên 40 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Phạm Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho rằng, cơ bản, người dân đã có những chuyển biến trong nhận thức về việc khai thác, đánh bắt thủy sản đúng pháp luật. Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát các tàu khi đi và về của địa phương mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Trong số hơn 40 tàu đánh bắt xa bờ của địa phương chủ yếu khai thác cá hố và mực là dùng để xuất khẩu. Vì thế cần phải có hướng dẫn cụ thể của Sở NN-PTNT đối với vùng khai thác và những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. “Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường ngăn chặn, xử lý các tàu giã cào của các địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh”, ông Tiến nói thêm.

Nhiều ngư dân Quảng Bình cũng bày tỏ sự ủng hộ việc tỉnh siết chặt hoạt động nghề cá. Ông Nguyễn Văn Hải (một ngư dân xã Bảo Ninh - Đồng Hới) cho biết: “Phần lớn ngư dân bỏ tiền ra đầu tư tàu lớn, sắm ngư lưới cụ, phương tiện hành nghề tốt thì luôn luôn chấp hành để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất lao động. Chỉ một số ít thiếu suy nghĩ làm ảnh hưởng lớn đến người khác. Vì vậy, những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm để hướng tới hoạt động nghề cá luôn nằm trong khuôn khổ”.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.