| Hotline: 0983.970.780

Quýt Hương Cần vượt gian truân 'làm ngọt' cố đô

Thứ Tư 01/02/2017 , 14:01 (GMT+7)

Những chùm quýt Hương Cần vàng hươm mọng nước ngọt lành là đặc sản nổi tiếng của làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang được nhiều người tìm mua nhưng cũng không đủ để bán.

Quýt Hương Cần thơm ngon nổi tiếng cỡ bậc nhất Việt Nam. Ngày xưa nó là đặc sản tiến vua. Những chùm quýt Hương Cần vàng hươm mọng nước ngọt lành là đặc sản nổi tiếng của làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang được nhiều người tìm mua nhưng cũng không đủ để bán.
 

Bốn đời bảo tồn giống quýt tiến vua

Chuyện kể rằng, một hôm có vị vua Nguyễn ghé thăm làng Hương Cần, người dân mang quýt dâng vua. Vị ngon của quýt đã khiến vua vô cùng thán phục trước công sức của người dân đã tuyển chọn được giống cây trái quý. Từ đó, mỗi năm đến mùa quýt dân làng mở hội tuyển chọn những quả quýt ngon tiến vua. Tiếng thơm của quýt Hương Cần ngày càng vang xa.

Tôi đến làng Hương Cần, xã Hương Toàn vào dịp bà con đang thu hoạch quýt. Cụ Hồ Đăng Dĩ, 73 tuổi, cười tươi khi vừa thu hoạch xong 1ha quýt. Gia đình cụ trồng quýt nhiều nhất làng và nổi tiếng vì đang có bốn đời tuyển chọn, bảo tồn quýt tiến vua Hương Cần. Khi nghe tôi hỏi chuyện về loại quýt nỗi tiếng này, cụ Dĩ như vui hẳn lên.

09-22-50_huong-cn-1
Cụ Hồ Đăng Dĩ bên vườn quýt
 

Cụ phân tích rằng, quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các loại quýt khác là chín vào tháng 10 - 11, quả có màu vàng cam, ở phần cuống có màu xanh lá. Vỏ xốp mỏng rất dễ bóc. Mùi thơm từ hương vị quả quýt rất đặc trưng. Các múi quýt dễ tách ra, cơm màu hồng nhạt, ăn vào có vị ngọt thanh.

Cụ Dĩ nhớ lại, ngày xưa gia đình nào may mắn trồng được cây quýt ngon được xem như có con gái đẹp trong nhà, thể nào cũng được trọng thưởng. Dân những làng khác nghe tiếng quýt ngon đến xin chiết giống về trồng nhưng không nơi nào được như ở Hương Cần. Vì những quả quýt ngọt ngào ở đây được nuỗi dưỡng từ đất phù sa màu mỡ của sông Bồ.

Hồi đó, người dân trong làng trồng quýt cũng đủ sống ung dung qua ngày. Nhưng cây quýt Hương Cần hay bị sâu bệnh. Có nhiều khi cả vườn quýt của nội ông chết gần hết, chỉ còn vài cây. Chính mắt cụ Dĩ đã thấy ông nội mình chăm chút, bắt sâu để cứu sống từng cây quýt. Rồi chọn những cây khỏe mạnh để nhân giống bằng cách chiết cành. Vì thế quýt Hương Cần không bị mất giống đi, mà được lưu giữ như những cây báu vật từ đời này sang đời khác.

Đến đời cha của cụ Dĩ cũng từng ra tay cứu vườn quýt của gia đình. Dạo ấy chiến tranh tàn phá, vườn quýt của làng còn chỉ được mấy gốc ở nhà cụ. Vậy là cha cụ phải chăm chút từng cây quýt như những đứa con của mình rồi nhân giống ra cho bà con trồng. Quýt Hương Cần ngon nổi tiếng nhưng khó tính. Cây quýt ưa ẩm và nhiều ánh sáng mặt trời. Nắng quá cũng chết vì thiếu nước tưới. Mưa nhiều quá hoặc bị ngâm lũ cũng chết vì úng nước. Do đó để bảo tồn được cây quýt Hương Cần không phải chuyện dễ.

Đang kể chuyện bỗng cụ Dĩ trầm ngâm, người dân nơi đây đã trải qua nhiều lắm những thăng trầm để bảo tồn cây quýt Hương Cần. Thân phận cây quýt như thân phận của làng qua mỗi biến cố của đất nước. Sau ngày đất nước giải phóng, cả làng Hương Cần còn không được mấy cây quýt. Cụ Dĩ đứng ra vận động thêm 11 người nữa thành lập HTX trồng quýt. Mất 4 năm sau thì vườn quýt Hương Cần lại được phục hồi. Nhưng vì “con chung” ít người chăm sóc nên vườn quýt sớm tiêu điều.

Không thể để giống quýt Hương Cần mai một, năm 2002, cụ Dĩ xin HTX nhận 2 sào đất phát triển vườn quýt được 50 gốc. Sau ba năm, vườn quýt Hương Cần lại lên xanh tươi, cho nhiều quả. Cụ được tặng bằng khen vì có công phục hồi lại giống quýt Hương Cần. Vừa nhận bằng khen xong, trận lũ 2005 làm cho cả làng ngập nặng, không chịu được úng nước, vườn quýt của cụ Dĩ và của cả làng chết gần hết, chỉ còn mấy cây.

Tôi hỏi điều gì làm cho quýt Hương Cần ngon nổi tiếng, cụ Dĩ khẳng định do chất đất, nguồn dinh dưỡng trong đất, nhất là đất phù sa luôn được bồi đắp hàng năm. Vì vậy mà sau ngày giải phóng đất nước, dân làng chọn 4 cây quýt trong vườn nhà cụ ra để tặng vườn cây cảnh của lăng Bác. Khi chở cây đi cụ cẩn thận xúc thêm 4 bao đất mang ra lẫn vào đất Thủ đô mong rằng hương đất của làng vẫn giữ được độ ngon của quýt Hương Cần bên lăng Bác.

Vẫn không chịu buông tay, cụ cùng con trai Hồ Đăng Lào tiếp tục xin nhận đất của HTX để phát triển vườn quýt. Thấy cha con cụ trồng quýt, dân làng cũng quyết tâm chung sức bảo tồn giống quýt, họ cũng xin nhận đất, lập vườn trồng quýt. Cho đến hôm nay diện tích vườn quýt của làng Hương Cần có 10ha thì của cha con cụ Dĩ là 1ha. Từ những cây hiếm hoi còn sống sót được gia đình cụ đem sử dụng chiết cành nhân giống. Những bãi đất hoang sơ cỏ dại bên bờ sông Ô Lâu lại mọc lên những vườn quýt xanh tươi mơn mởn.
 

Xây dựng thương hiệu Quýt Hương Cần

Cụ Dĩ làm một phép tính kinh tế cho kết quả trồng quýt thu nhập cao hơn nhiều các loại cây khác. Quýt ở Hương Cần bà con đang trồng theo cách truyền thống, chứ chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và trái ra đều các cây.

Hiện giá tại vườn 1kg quýt Hương Cần bán 25 ngàn đồng. Mỗi gốc cây cho 100kg. Mỗi sào trồng được 25 gốc quýt, đến mùa chỉ cần 15 gốc tốt cho quả cũng thu được hơn 37 triệu đồng. Trồng mỗi ha quýt cho thu nhập gần 700 triệu đồng.

Nếu trồng quýt được đầu tư đúng bài bản, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, quýt cho năng suất, sản lượng cao, 100% số cây trong vườn ra trái đều nhau thì khi thu hoạch người trồng quýt sẽ có được hơn 60 triệu đồng/sào và hơn 1 tỷ đồng/ha.

Rõ ràng bài toán đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng quýt mang lại nguồn lợi lớn hơn rất nhiều.

09-22-50_huong-cn-2
Những quả quýt Hương Cần vàng ươm mọng nước
 

UBND xã Hương Toàn đang vận động bà con nông dân mở rộng thêm diện tích trồng quýt Hương Cần lên 5ha nữa cho đạt được tổng diện tích 15ha quýt.

Khi được hỏi về giá trị của quýt Hương Cần, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, quýt Hương Cần đã khẳng định được uy tín vượt bậc của một loại đặc sản không chỉ của địa phương mà còn mang tầm quốc gia. Cây quýt Hương Cần được công nhận là nguồn gen quý hiếm của đất nước.

Thời gian tới, ngoài việc mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng hết sức chú trọng tạo dựng và phát triển thương hiệu quýt Hương Cần thông qua việc xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt.

Mặt khác, cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, kết hợp hài hòa lợi ích với đời sống kinh tế của người dân trồng quýt. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, nhân giống quýt Hương Cần và phát triển các sản phẩm quýt đảm bảo chất lượng.

 

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Nông dân tự tin canh tác lúa phát thải thấp sau tập huấn

TRÀ VINH Sau buổi tập huấn, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản, tự tin thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.