| Hotline: 0983.970.780

Rừng tự nhiên Quảng Bình bị tàn phá vô tội vạ, như không có chủ!

Thứ Ba 01/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Từ bản Tăng Hóa (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), đi xuyên rừng chừng 3 giờ đồng hồ với khoảng hai mươi lần băng suối chúng tôi đến được khu vực rừng thuộc TK 142 do Lâm trường Minh Hóa quản lý bảo vệ. Hơn chục cây gỗ có đường kính trên 0,6m bị xẻ thịt nằm ngổn ngang.

Những cánh rừng còn tồn tại những cây gỗ cổ thụ đã bị lâm tặc khai thác như giữa chốn không người...

 

Vượt lũ rừng tìm gỗ bị hạ

Chúng tôi đến cửa rừng khi bắt đầu cơn mưa rừng ầm ầm đổ xuống. Mưa rừng nặng hạt nên chỉ gần giờ đồng hồ là con suối Hóa Sơn đã hung hăng tràn qua những gốc cây đùng đình để bẻ câu oạp xuống. Cắt qua con suối chừng ba lượt là phải ven theo những bờ đá sắc ven suối để đi ngược lên. Có khi con đường độc đạo chỉ chênh vênh trên miệng vực. Dưới đan xen cây cối um tùm là tiếng nước thác đổ ào ào át cả tiếng mưa.

15-22-01_-1
Cây gỗ vừa bị đốn hạ
 

Kéo ngược con dốc đầu tiên chừng nửa giờ đồng hồ. Con dốc cao như dựng ngược chỉ có bùn nhão và đá cuội nhỏ sắc khiến nhiều người bị trượt chân trôi xoạc vài mét. Đá cắt tay chân tóe máu. Xả xuôi một con dốc trơn như ai rưới dầu thải lên đó. Anh Tâm, người đi cùng chúng tôi, nhắc: "Anh cẩn thận". Chữ "thận" chưa thoát hết khỏi miệng Tâm thì tôi đã bị xoạc chân ném cả người đánh oạch xuống vạt đá. Chiếc mũ cứng đội trên đầu bật vọt lên rồi lông lốc cuối đoạn dốc.

Gần hai giờ đồng hồ cắt rừng, cắt suối xiết, vượt qua một bãi đá với những hòn đá to như cái thuyền thúng úp ngược là chạm con đường nhỏ vắt ngược lên đỉnh núi. Thêm chừng vài chục phút leo dốc ngược đã bắt gặp một khoảng rừng tan hoang. Một cây gỗ lớn chắn ngang làm mất lối đi.

Ngước lên thêm vài mét, một gốc cây lớn bị cắt bởi cưa máy. Lát cắt hình chữ V ngọt sắc. Thân cây gội này đổ xuôi theo mái núi về hướng khe nước. Ngổn ngang những đòn xeo, cây gãy và bìa gỗ. Phần gỗ chính đã bị lâm tặc cắt xẻ thành gỗ phách đưa ra khỏi rừng.

15-22-01_-2
Đoạn ngọn bị bỏ lại
 

Một khúc gỗ giữa thân bị mắc kẹt giữa hai tảng đá nên chưa bị xẻ, phía hai đầu súc gỗ còn tươi màu đỏ tía. Cây gỗ chắn ngang đường sát gốc với cây gội bị xẻ. Tôi vòng tay qua thân cây chỉ được nửa vòng. Gốc cây gỗ bị bộng. Anh Tâm lý giải: "Có lẽ vì vậy mà nhóm lâm tặc còn chê chưa cắt xẻ để lấy phần gỗ tốt còn lại".

Đi chéo từ điểm hai góc cắt sang mạn trái chưa đến vài chục mét hiện ra một bãi với đà dọc, đà ngang và mùi mạt cưa bốc lên ngai ngái. Đống gỗ lâm tặc chưa kịp chuyển đi được xếp thành đống.

Cây gội này cũng khá lớn. Phần ngọn mà lâm tặc để lại cũng có đường kính chừng 0,4m. Cách đó không xa, hai cây gỗ lớn bị đốn hạ. Hai cây này sát gốc nhau, khi cây bị đốn hạ ngã choảng ra hai phía tạo nên hai cạnh hình vuông khổng lồ.

Cây gội đã bị xẻ gỗ từ gốc đến phần ngọn. Đoạn còn lại cũng còn trên 0,4m. Riêng cây gỗ còn lại nằm vắt ngọn lên sườn núi nên chưa bị cắt ra. Tâm chỉ tay nói: "Đó là cây săng lẻ. Cây này mới bị cắt khoảng mấy hôm trước thôi nên lâm tặc để vậy cho khô khô một chút mới xẻ ra". Cũng theo anh Tâm, rừng Hóa Sơn là một trong những vùng rừng đẹp và còn nhiều gỗ quý, gỗ lớn không chỉ ở Quảng Bình mà cả nước.

15-22-01_-3
Cây gỗ bị hạ bên suối
 

Đi hết khoảng rừng bị khai thác, tiếp con đường độc đạo chạy ngược lên con dốc và đổ xuống khe nước. Trời vẫn mưa nặng hạt. Con suối bắt đầu chuyển sang màu đục ngầu và chảy xiết hơn. Anh Tâm bảo: "Phải khẩn trương thôi. Nếu chậm thì cầm chắc ngủ lại đêm trong rừng đó. Nước đã lên thì chúng ta không thể ra được mô. Ở lại đợi cũng mất hai, ba ngày".

Lội bộ thêm chừng nửa giờ đồng hồ. Đến đoạn con suối gấp khúc, để lại trước mặt một góc rừng bị sạt lở. Mọi người cắt theo đường sườn núi để vượt lên. Ngay sát bờ suối, một cây gỗ lớn dài trên ba chục mét bị cắt hạ nằm thườn thưỡn. Vỏ cây xù xì nhưng còn tươi rói. Tôi trèo lên gốc cây đo bằng tay và ước phần gốc đường kính gần một mét. Anh Tâm đến bên gốc cây rồi nói: "Cây ni chắc sau vài tuần thì mới bị xẻ thành gỗ. Lâm tặc sẽ kéo gỗ về theo con suối này".

15-22-01_-4
Một gốc gỗ lớn
 

Vùng trung tâm của TK 142 gần như là điểm được lâm tặc chọn để khai thác gỗ. Trời mưa khiến việc tìm kiếm những cây gỗ bị cắt hạ càng khó khăn và nguy hiểm. Đã có trên chục cây gỗ lớn bị khai thác. "Nếu không có trận mưa này thì đi thêm chắc chắn sẽ tìm được nhiều cây rừng bị cắt hạ. Chính quyền và các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc chắc khu rừng này sẽ chẳng còn gì nữa. Từ đây, đi thêm khoảng ba giờ đồng hồ là đến vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng", anh Tâm nói.

Lúc đi vào, chỗ băng qua suối chỉ tầm ngang đầu gối. Lúc quay ra đã ngập đến thắt lưng. Qua nhiều chỗ xiết, mọi người phải nắm lấy tay nhau cho khỏi bị cuốn trôi. Lúc chúng tôi ra khỏi cửa rừng, đồng hồ đã chỉ đến 17 giờ.
 

Chủ rừng, chính quyền địa phương lơ là

Qua thực tế cho thấy, gỗ rừng khai thác từ TK 142 được đưa ra chỉ duy nhất một con đường độc đạo. Đó là dùng trâu kéo hoặc xuôi theo suối Hóa Sơn ra đến bản Tăng Hóa. Ngay ở cửa rừng, một bãi lớn gỗ còn bốc mùi thơm do lâm tặc vận chuyển gỗ rừng ra vào thực hiện cưa xẻ thành khí ở đây. Từ những gốc cây và dấu vết để lại cho thấy một lượng lớn gỗ rừng đang được cất giấu ở khu vực bản Tăng Hóa cũng không cách đây xa.

15-22-01_-5
Gỗ được cưa xẻ tại gốc cây
 

Trao đổi với NNVN, ông Đinh Văn Cam - Giám đốc Lâm trường Minh Hóa (chủ rừng) cho biết, tuần nào, tháng nào cũng nhắc nhở anh em tại trạm Hóa Lương (xã Hóa Sơn) đi kiểm tra và báo cáo cụ thể tình hình. Việc phá rừng ở TK 142 tôi cũng mới nghe chứ trước đây thì chưa. "Tôi sẽ kiểm tra và nhắc nhở anh em tăng cường tuần tra, kiểm soát để báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý", ông Cam nói.

Ông Cao Ngọc Điền - Chủ tịch xã Hóa Sơn cũng cho biết, rừng đã được phân công trách nhiệm bảo vệ cho các lực lượng, trong đó có chính quyền xã. Việc rừng bị phá là do bà con khai thác để làm nhà. "Chúng tôi sẽ có trách nhiệm điều tra và xử lý nghiêm", ông Điền cho hay.

15-22-01_-6Gỗ giấu trong rừng
 

Cũng cần nói thêm rằng, trên địa bàn xã Hóa Sơn ngoài chính quyền cơ sở còn có các lực lượng đóng trên địa bàn như biên phòng, bảo vệ rừng của Lâm trường Minh Hóa, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lực lượng kiểm lâm... Thế nhưng việc phá rừng vẫn diễn ra một cách nghiêm trọng. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tìm ra được số lượng gỗ rất lớn hiện đang được tẩu tán, cất giấu ở đâu và ai là người đã có hành vi phá rừng?

15-22-01_-7
Những tấm bìa còn lại của cây gỗ lớn
 

Ông Lê Văn Duẩn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình: "Chúng tôi sẽ chỉ đạo chủ rừng, chính quyền địa phương cơ sở tăng nhiệm vụ bảo vệ rừng. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Chi cục Kiểm lâm đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh thành lập chốt barie trên tuyến đường ra vào Hóa Sơn với lực lượng liên ngành tham gia. Chốt này nhằm hạn chế và ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn và có tác dụng lớn trong việc chặn đứng tình trạng khai thác gỗ lậu".

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm