| Hotline: 0983.970.780

Sông núi ngày xuân

Thứ Tư 12/02/2014 , 09:54 (GMT+7)

Đêm đến ở Bình Bung, sau hội rượu cần say sưa nhảy múa mừng xuân cùng dân bản, tôi trở về trang trại của Phong, ấy vậy mà không tài nào ngủ được.

Đầu đầu năm mới, tôi ngược nguồn lên thăm người em ruột, hiện đang quản lý một trang trại trồng rừng ở thung lũng Bình Bung thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Cùng đi còn có thêm ba người bạn của em tôi. Họ bảo ngược Quỳ Châu đầu xuân bây giờ đi thuyền là sướng nhất.

Đến làng chài Liên Thắng nằm kề bên con sông Hiếu thuộc TX. Thái Hòa, anh Quyền mở neo chiếc thuyền máy rồi ra giá: Từ đây lên bến Bình Bung phải mất một triệu đồng tiền dầu, còn tiền công đi lên đó rồi về ngay cũng mất một ngày, nên các anh cho em xin 5 trăm ngàn. Nghe vậy chúng tôi ai nấy đều gật đầu rồi bước lên thuyền đi ngay.

Cậu bạn ngồi cạnh tôi bảo: Ngày thường, ngay từ bến này cho tới chân cầu Hiếu suốt ngày có tới hàng chục thuyền bè liên tục nổ máy nhả khói đen ngòm để khai thác cát, sỏi. Bởi vậy dòng sông luôn sôi lên ngầu đục, chứ không thể có được cảnh yên bình như bây giờ đâu.

Nhìn dòng nước trong xanh, soi bóng những làng quê đang yên ả vui xuân, bất chợt anh Quyền ngân nga bài ca "Bên sông Hiếu": Bến phà Hiếu có cây hoàng lan/ Hương bay xa suốt mấy dặm đường…/ Em ra vo gạo ngoài sông Hiếu/ Hoàng lan vẫy gọi chuyến đò ngang…

Phía bên tả của phà Hiếu ngày xưa là chợ Bến Dạ suốt ngày tấp nập cảnh bán mua trên bến dưới thuyền. Người miền xuôi từ các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… lên đây theo QL48 mang theo các sản vật như: mắm tôm, cá biển, thuốc lào, quần áo để trao đổi các nguồn hàng lâm, thổ sản như sa nhân, mộc nhĩ, cá lăng, măng giang, tre, nứa và thịt thú rừng.

Chợ Bến Dạ thuộc trung tâm vùng Tây Bắc xứ Nghệ ngày xưa không còn nữa. Thay vào đó, toàn bộ khu vực chợ nay đã nhường chỗ cho một xưởng cưa xẻ gỗ thuộc vào loại lớn nhất ở TX. Thái Hòa. Chợ cũ cũng đã được chuyển lên khu vực trung tâm của huyện lỵ và đổi tên thành chợ Hiếu.

Thuyền ngược dòng qua Cồn Vang, thác Cóc rồi lên Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh… thuộc huyện Nghĩa Đàn. Quả thực dòng sông cứ trong xanh ngăn ngắt một màu soi rọi từng đàn cá nhỏ to đang mải miết tung tăng lộn nhào cùng sóng nước. Anh bạn ngồi trước mạn thuyền ngân nga hát: Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say, sóng nước trùng dương dài theo bờ cát…

Anh Quyền bảo làng Liên Thắng chúng em quanh năm làm nghề chài lưới trên sông. Trước đây dòng sông Hiếu bốn mùa nước biếc với non xanh, cá tôm và đặc sản cá lăng nhiều vô kể. Ngày ấy riêng làng chài Liên Thắng cứ mỗi sáng mai ra là có vài ba chục chiếc thuyền bẻ lái ngược sông, thong thả buông lưới với hát ca, vậy mà chiều tối xuôi dòng thuyền nào cũng cá nặng đầy khoang.


Bình yên bên làng chài Liên Thắng

Tiếc nuối cho một thời non xanh nước biếc chưa xa, anh Quyền ngưng một lát rồi bỗng dưng thở dài: Các anh du thuyền trên sông Hiếu vào những ngày xuân là còn có cảnh non nước hữu tình, bởi chỉ ra rằm tháng Giêng thôi là các lực lượng khai thác cát, sỏi, đào đãi vàng, quặng thiếc và lâm tặc suốt ngày quần lộn trên suốt cả dòng sông.

Bởi vậy dòng sông luôn đặc quánh bởi đất bùn và chất thải. Không những thế, trên sông còn có thêm đội quân luôn tung mìn đánh cá. Làng chài ngày nay đã bỏ nghề vì sông Hiếu không còn cá tôm đâu nữa để mà tung lưới với buông câu.

Thuyền ngược qua tràn Nghĩa Thịnh rồi dừng lại vào một quán nước bên sông. Gặp tôi, ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, vồn vã bắt tay rồi mời rượu: Các anh du thuyền thưởng ngoạn cảnh núi sông hùng vĩ vào những ngày xuân là tuyệt nhất đấy. Bởi hằng năm sông Hiếu chỉ có hai tuần xuân yên bình, dưới dòng cá lội tung tăng, trên ngàn chim phượng soi làn nước trong.

Ông Sĩ bảo thêm: Để thực thi lệnh của huyện về việc phải bảo vệ nghiêm ngặt cho sông Hiếu được yên bình trong những ngày xuân, ngay từ mùng một Tết cho đến nay, lực lượng dân quân và công an của xã luôn thay nhau túc trực để truy đuổi các đội quân khai thác vàng và lâm tặc. Tuy nhiên cho đến nay sông Hiếu vẫn yên bình mát mẻ.

Đến Bình Bung, mặt trời đã khuất bóng dưới chân núi của Bù Chọng Cha. Em tôi là Hồ Hồng Phong biết tin nên đã ra tận bờ sông chờ đón mãi từ lúc trưa. Trước lúc vào trang trại, chúng tôi còn phải đi qua một dải cát dài. Lác đác còn một số lán lều vắng chủ. Phong bảo đó là những cơ sở đào đãi vàng họ đang còn nghỉ Tết chưa lên. Còn các lán phía trên cao bờ sông là của dân khai thác gỗ.

Đến rừng keo 10 ha xanh ngút ngàn đang huyên náo tiếng chim ca của em tôi, Phong bảo trong những năm gần đây thung lũng rừng Bình Bung đã hội tụ đủ các loài chim muông về hội tụ. Nhưng mà chỉ qua rằm tháng Giêng là các đội quân phá rừng, đào vàng, khai thác cát sỏi lại rầm rập tỏa đi hoạt động.

Chim muông, thú rừng rồi cũng bị tận diệt đến cùng. Khe suối và các chi lưu của sông Hiếu suốt đêm ngày ì ạch tải chất thải đặc quánh hôi tanh, đấy là sản phẩm được thải ra từ các Cty, đơn vị, cá nhân đang khai thác quặng…

Đêm đến ở Bình Bung, sau hội rượu cần say sưa nhảy múa mừng xuân cùng dân bản, tôi trở về trang trại của Phong, ấy vậy mà không tài nào ngủ được. Lẫn trong núi, tiếng gà rừng đã đua nhau cất tiếng gáy gọi bình minh. Và tôi ước giá như tỉnh Nghệ An có cách quản lý, và mọi người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái thì sông núi cứ mãi đẹp như mùa xuân bất tận.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm