| Hotline: 0983.970.780

Sống trên cát: Ngửa mặt trông trời

Thứ Ba 14/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chỉ có 148 ha đất SX, trong đó 130 ha lúa, 18 ha vừng, khoai lang... đều trông chờ nước trời./ Độc chiêu thoát nghèo

Năm nào mưa thuận gió hòa, bà con còn có chút thu nhập, vụ mùa năm nay hạn hán, hàng chục ha lúa chết, một số diện tích phải bỏ hoang.

Đại hạn

Hoằng Trường là xã bãi ngang, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề đi biển. Cách đây hơn chục năm, Hoằng Trường hoang sơ đến nỗi chẳng khác gì một “dân tộc biển”.

Thậm chí đến nay, Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế…lãnh đạo xã Hoằng Trường vẫn khẳng định “biệt danh” dân tộc biển vẫn đang đeo bám địa phương.

Ngư dân ở đây đi biển chủ yếu đánh bắt gần bờ nên tôm cá thu được cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Nếu chẳng may gặp phải giông bão, tàu chìm, ngư lưới cụ hư hỏng, mất mát thì coi như cả năm ra khơi thành công cốc.

Còn về SX nông nghiệp, ở cái nơi "cát 9 phần, đất thịt 1 phần" này trồng cây gì không chết cũng còi cọc.

Ông Lê Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã buồn bã cho hay, Hoằng Trường có 700 hộ dân làm nông nghiệp, trong đó chuyên trồng trọt khoảng 200 hộ. Từ bao đời nay, trước mỗi vụ SX, bà con ngửa mặt lên trời trông chờ từng hạt mưa.

Năm nào trời cho ăn thì năng suất lúa cũng đạt 2,5 tạ/sào (vụ ĐX); lạc, ngô đạt 1,5 - 2 tạ/sào. Nếu bán với giá lúa 6.000 đ/kg, nông dân chỉ thu về trên dưới 1,5 triệu đồng/sào.

“Cái gốc vốn là nông dân nên bà con vẫn phải bám ruộng để có hạt lúa, củ khoai tích góp trong nhà. Chứ thực tế, họ chỉ cần làm 7 - 8 công lao động phụ hồ, bốc vác là bằng thu nhập 1 sào lúa trong 3 tháng. Hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp thấp như vậy thử hỏi sao mà nông dân mặn mà với đồng ruộng được?”, ông Thi nói.

Theo ông Thi, sở dĩ SX nông nghiệp ở Hoằng Trường không thể bứt phá lên được là do thiếu nước tưới.

Xã đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước từ trạm bơm Hoằng Khánh qua Hoằng Hải về Hoằng Trường để phục vụ SX, nhưng do kinh phí quá lớn nên xã cũng không trông chờ gì.

Giải pháp cuối cùng là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, chuyển đổi sang cây ngô, một cây trồng chịu hạn thuộc loại bậc nhất cũng không thể sống nổi vì nắng hạn. Còn cây khoai lang hay vừng cũng bế tắc vì bấp bênh đầu ra.

“Vì thiếu nước nên mọi giải pháp chúng tôi đưa ra đều “tiến thoái lưỡng nan”. Như năm nay, gần 200 hộ dân thuần nông, không có bất cứ nghề phụ nào đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo mùa giáp hạt vì vụ HT- mùa không SX được”, ông Thi nói.

Hộ ông Trương Đình Xuyên, thôn 2 có hơn 2 sào đất trồng lúa, ngô, khoai lang, lạc. Vụ ĐX 2015 ông thu hoạch được 3 tạ lạc, 1 tạ ngô, 1 tạ lúa và 2 tạ khoai lang.

Ông bảo: “Chừng ấy lương thực nếu quy ra thóc gia đình tôi đủ ăn trong 6 tháng (tính từ tháng 6/2015).

Như mọi năm chúng tôi có lúa HT- mùa để thu hoạch nhưng năm nay hơn 1 tháng trời không có giọt mưa nào, một số diện tích lúa đã mọc lên bị nắng thiêu chết, số còn lại hạt giống không thể nảy mầm được nên coi như mất trắng cả 2 sào. Sắp tới tôi tính đi làm thuê lấy tiền mua gạo”.

Hiện hầu hết diện tích lúa vụ HT- mùa 2015 gieo thẳng ở thôn 2, 3, 5, 6 đều không thể sống được vì nắng hạn.

“Nông dân chúng tôi đang rất bế tắc. Lâu nay quen nhờ nước trời rồi, năm nay hạn nặng nên vụ HT - mùa toàn đồng bỏ hoang hết, giờ chỉ còn trông chờ làm vụ đông nhưng ngặt một nỗi vụ này trời ban cho nhiều nước thì lại ngập úng cũng không thể SX được.

Đúng là ông bà nói cấm có sai, làm nông nghiệp yếu tố “nhất nước” thực sự rất quan trọng”, ông Lê Phạm Nhạ, cùng thôn 2 lo lắng.

Bàn giải pháp nuôi tôm trên cát

Nhận thấy diện tích trồng trọt không thể phát huy hiệu quả, lãnh đạo xã Hoằng Trường tận dụng mặt nước biển xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.

Xã đã chuyển đổi được 11 ha đất rừng trồng, đất ở và đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm.

Được biết, tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chiến lược mà Hoằng Trường hướng đến nhằm biến hàng trăm ha đất cát nghèo nàn thành bạc tỷ.

Đến thời điểm này một số ao nuôi đã cho thu hoạch, bình quân đạt 20 tấn/ha, bán với giá tôm 100.000 đ/kg, nông dân thu về 2 tỷ đ/vụ (mỗi năm nuôi 2 vụ), sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi gần 2 tỷ đ/năm.

Có thể kể đến một số hộ có diện tích nuôi lớn như ông Nguyễn Viết Hị, thôn 2 (hơn 1 ha); ông Lê Văn Cương, thôn Hải Sơn (2 ha); ông Nguyễn Hữu Mai, thôn 2 (gần 2 ha)…

Nhận xét về mô hình nuôi tôm trên cát, ông Lê Văn Thi nói: “Tuy diện tích nuôi chưa lớn nhưng qua đánh giá bước đầu có thể khẳng định 1 ha nuôi tôm trong 1 năm bằng hàng chục năm làm lúa, ngô, khoai.

Chúng tôi đang phấn đấu từ nay đến cuối năm nâng diện tích nuôi lên 15 ha, góp phần đưa tổng giá trị SX nông, lâm, thủy sản năm 2015 đạt 162,6 tỷ đồng”.

Khó khăn nhất hiện nay trong việc mở rộng diện tích nuôi tôm theo ông Thi là nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi chính sách của tỉnh, huyện và ngân hàng về vay vốn ưu đãi dành cho đối tượng nuôi này còn hạn chế.

Không những thế, việc tích tụ ruộng đất trong dân còn vướng cũng đang là một bài toán chưa có lời giải.

“Nông dân có thể bỏ hoang ruộng nhưng nhất quyết không giao cho người khác chuyển đổi sang mô hình kinh tế khác, bởi với họ làm gì thì làm trong tay cũng luôn phải có tấc đất làm của để dành, phòng khi sa cơ lỡ vận, không có việc gì để làm nữa cũng còn đất, còn ruộng mà SX, nuôi sống gia đình”, ông Thi chia sẻ thêm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm