| Hotline: 0983.970.780

Sức sống cồn Liệt Sĩ

Thứ Hai 23/06/2014 , 09:20 (GMT+7)

Cồn Liệt Sĩ là một vùng đất bãi bồi ven sông Tiền thuộc xã Tân An, TX. Tân Châu (An Giang) với tổng diện tích 103 ha, có 238 hộ định cư.

Bằng mô hình chuyên canh cây màu, giá trị SXNN ở đây đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm, đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên cho 533 lao động tại chỗ và quy tụ hơn 1.500 lao động các khu vực lân cận.

Trồng sắn lấy củ, bắp lai, khoai cao và cây ớt là 4 loại màu chủ lực trên đất cồn Liệt Sĩ. Thời vụ SX ở đây chỉ trồng được vụ ĐX và HT, sau đó nông dân tỉa thêm vài loại cây ngắn ngày hơn, gọi là vụ HT lỡ.

“Do đặc thù đất cồn, thường hay bị lũ sớm, nước ngập sâu; hằng năm, SX được 5 đến 6 tháng, nên ai cũng tranh thủ làm lụng”, anh Nguyễn Văn Thẳng, Trưởng ấp Tân Lợi, giải thích.

Hơn 100 năm trước, khu vực là khu đất bãi bồi, ngày qua tháng lại tạo thành vùng đất rộng lớn. Dần dà, người ta mới gia cất nhà cửa đông đúc gọi là cồn Lớn. Tương tự, những ngày đầu giải phóng đất nước, nối tiếp với cồn Lớn lại có thêm vùng đất bãi bồi nữa; thấy vậy chính quyền mới cấp cho gia đình nghèo thuộc diện chính sách.

Tên cồn Liệt Sĩ xuất xứ từ đó. Nhiều người gọi riết rồi quen, trở thành địa danh mới của xã Tân An. Còn ấp Tân Lợi (cồn Lớn và cồn Liệt Sĩ) tách ra từ ấp Tân Hoà B và thành lập cuối năm 2007. Đất hẹp, người đông nhưng 233 hộ dân ở cồn Liệt Sĩ vẫn khá giả, chỉ còn 5 hộ nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tân Châu, cho hay,  bình quân mỗi hộ trên cồn Liệt Sĩ chỉ được vài công đất nhưng đó là “cây cần câu” rất hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Tân Châu tổ chức 6 cuộc tham quan, hội thảo và chuyển giao kỹ thuật trồng màu tại cồn Liệt Sĩ. Chính vì vậy bà con ở đây nắm bắt được và làm theo nên vụ màu vừa qua cho năng suất cao, bán được giá, nên hộ nào cũng phấn khởi.

Chị Đỗ Thị Hoà (ấp Tân Hoà B) cho hay: “Nhờ cồn Liệt Sĩ này mà gia đình kiếm sống cũng được, vợ chồng hổng phải đi xa, làm gần nhà nên chăm sóc con cái rất thuận tiện”. Theo con số thống kê, cồn Liệt Sĩ có 533 lao động, vậy mà không đáp ứng nhu cầu công việc thời vụ nên phải quy tụ thêm lao động từ các nơi đến gấp 3 lần, với mức thù lao từ 60.000đ - 120.000đ/người/ngày.

Nông sản ở cồn Liệt Sĩ thông thường đưa về miệt dưới, chưa nghe ai nói bán sang Campuchia bao giờ. Một năm, người dân nơi đây làm cật lực 6 tháng mùa khô, còn 6 tháng mùa nước nổi thì thảnh thơi, vì đường sá ngập lụt và đồng ruộng mênh mông. Tuy nhiên, con em ở cồn Liệt Sĩ hiếu học và học giỏi. Theo chị Đinh Thị Hết, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Tân Lợi, ở đây có 48 trường hợp được vay tiền chính sách ưu đãi dành học sinh và sinh viên, riêng năm 2012 bổ sung thêm 11 hồ sơ.

Chiếc cầu dây văng nối liền cồn Liệt Sĩ với đất liền Tân An, đường dây điện hạ thế “dành cho xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cũng đã toả đi khắp ngả, tô thắm thêm sức sống mới trên vùng đất bãi bồi ven sông Tiền. Người dân nơi đây rất phấn khởi bởi từ khi chương trình NTM được triển khai các con đường đất nay đã được bê tông theo chuẩn nên xe cộ đi lại rất thuận lợi.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.