Sự cộng hưởng giữa tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng với lưu lượng nước và lượng phù sa đổ về từ thượng nguồn sông Mê kông ngày càng sụt giảm khiến độ phì của đất canh tác giảm sút, tình trạng hạn mặn gia tăng.
Thêm vào đó, nhiều khó khăn, bất cập phát sinh do tập quán canh tác chưa phù hợp của nông dân cũng gây tổn hại đến đất trồng, làm chất lượng của đất ngày càng giảm.
Quản lý cỏ và tưới đúng cách giúp khắc phục sự suy giảm chất lượng đất |
Theo PGS.TS Trần Kim Tính, chuyên gia về dinh dưỡng cây trồng, Trưởng phòng Thí nghiệm chuyên sâu, ĐH Cần Thơ thì độ phì của đất phụ thuộc vào tính chất hóa học, vật lý và sinh học của đất và các nhóm yếu tố này được liên kết bởi chất hữu cơ trong đất. Trong đó, tính chất hóa học của đất được nông dân chú ý hơn thông qua việc bón phân hóa học (dù chưa đủ chủng loại); tuy nhiên, tính chất vật lý và sinh học của đất chưa được nông dân và cán bộ kỹ thuật quan tâm đúng mức. Trong khi đó, tính chất vật lý và sinh học của đất lại có vai trò rất quan trọng đến độ phì của đất.
Hiện trạng suy giảm chất lượng đất
Đối với sản xuất lúa ở vùng ngọt, nguyên nhân làm giảm độ phì của đất lúa gồm:
Canh tác độc canh 3 vụ lúa/năm nhiều năm liên tục. Một số vùng không bị ảnh hưởng của lũ, nước ngọt quanh năm ở Tiền Giang, Sóc Trăng… việc sản xuất 3 vụ lúa/năm đã diễn ra hơn 20 năm qua. Cây lúa lấy từ đất đến 14 nguyên tố dinh dưỡng nhưng tập quán nông dân chỉ bón phân đa lượng NPK, dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng và chất hữu cơ tốt khi canh tác 3 vụ lúa/năm trong một thời gian dài.
Biện pháp canh tác chưa phù hợp: Biện pháp làm đất bằng cách xới cạn, trục nhận (thay vì cày ải, cày vùi) dẫn đến tầng canh tác cạn, ruộng dễ bị ngộ độc hữu cơ. Thêm vào đó, việc ruộng thường xuyên bị ngập nước cùng với rơm rạ chưa xử lý được trục nhận vào đất khiến ngộ độc hữu cơ có thể xảy ra từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh (do rơm rạ) đến làm đòng (do đất bị yếm khí).
Chất lượng đất bị suy giảm, nông dân trồng lúa tốn chi phí đầu tư cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa ngày càng tăng cao. Khảo sát trong vụ lúa xuân hè, tại vùng có địa hình gò đến trung bình của huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) nông dân bón lượng NPK (N-P2O5-K2O) từ 135-65-70 đến 165-110-120kg/ha để đạt năng suất lúa 7 tấn/ha. Lượng phân này tăng 1,5 lần, trong khi năng suất không tăng so với trước đây. Trong khi đó, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật phổ biến từ 4 - 6 lần/vụ, cũng tăng 1,5 lần so với trước đây.
Đối với vườn cây ăn trái, nguyên nhân làm giảm chất lượng đất vườn gồm:
Nhà vườn chủ yếu bón phân NPK, bổ sung không đủ các nguyên tố trung vi lượng. Bón thiếu vôi và phân hữu cơ (do bón không đủ hoặc bón không đúng cách) dẫn đến đất bị chua (độ pH giảm dưới 5). Hoặc bón vôi nhưng không bổ sung các yếu tố dinh dưỡng khác cũng dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.
Nhận thức đầy đủ và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế sự suy giảm chất lượng đất canh tác là yêu cầu không chỉ đối với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp mà còn đối với bà con nông dân ở ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay. |
Nhà vườn quản lý cỏ không tốt, mặt liếp không được cỏ che phủ cộng với cách tưới không đúng (tưới bằng vòi phun với giọt nướ lớn) dẫn đến hiện tượng rửa trôi, trực di sét làm mặt liếp vườn bị lèn mặt, nén dẽ.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, đất canh tác bón nhiều phân đạm (urê) và kali lâu năm, và nhất là điều kiện nóng, ẩm mưa nhiều như ở ĐBSCL thì sự suy thoái của đất diễn ra khá nhanh chóng. Khi đất bị suy thoái, khoáng sét trong đất bị phá hủy, đất mất dần cấu trúc, trở nên rời rạc, mềm nhão khi gặp nước và kết dính đóng váng khi khô, đất trở nên bí chặt kém thông thoáng
Ngoài ra, hóa chất sử dụng trong xử lý ra hoa bằng cách tưới vào đất cũng làm cho chất lượng đất bị ảnh hưởng xấu. Chẳng hạn như trường hợp tưới chlorate kali để xử lý ra hoa nhãn tiêu da bò, chlorate kali đã oxid hóa chất hữu cơ trong đất làm chất hữu cơ trong đất vườn nhãn bị giảm nghiêm trọng.
PGS.TS Trần Kim Tính cho rằng hiện tượng “vàng đầu” trên cây có múi; chết đọt, cháy lá sầu riêng, chổi rồng trên nhãn ít nhiều đều có nguyên nhân từ sự suy thoái của đất vườn.
Giải pháp khắc phục
Giải pháp đối với đất lúa: Chống bạc màu bằng bổ sung phân hữu cơ tốt và phân có chứa các nguyên tố trung, vi lượng cho đất đất lúa; cày ải, vùi rơm rạ vào đất thay cho việc xới cạn và trục nhận rơm rạ hiện đang được áp dụng phổ biến; tưới ướt khô xen kẽ thay cho giữ mực nước ngập thường xuyên trong ruộng; luân canh thay vì độc canh 3 vụ lúa/năm. Các biện pháp canh tác trên đây giúp cải thiện chất lượng đất nên rễ tốt. Rễ lúa tốt giúp cây khỏe, cây khỏe thì sử dụng hiệu quả phân bón, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi, hạn chế đổ ngã đem lại năng suất, chất lượng cao và sản xuất bền vững.
Giải pháp đối với đất vườn cây ăn trái: Lên liếp đúng cách; kiểm tra độ chua của đất, điều chỉnh pH về mức 6 - 6,5 thông qua việc bón (tưới) vôi; quản lý cỏ trong vườn hợp lý; tưới đúng cách; bón phân đầy đủ, cân đối, bổ sung phân trung, vi lượng và humic cho đất vườn; xới xáo, phá váng lớp đất mặt. Các biện pháp vừa nêu ngăn chặn sự suy thoái của đất vườn, từng bước tăng dần độ phì của đất giúp việc canh tác cây ăn trái hiệu quả và bền vững hơn.