| Hotline: 0983.970.780

Tám năm bão tố Bãi Kè: Bao giờ dân hết khổ?

Thứ Tư 25/03/2015 , 10:03 (GMT+7)

Đến Bãi Kè lần này, mặc dù trời đã về trưa nhưng sương mù vẫn bao phủ trùm lên cả xóm thôn. Làng quê nằm giữa thung lũng ba bề bốn bên là núi rừng xanh bát ngát, tịnh không thấy bóng dáng một thanh niên./ Bãi Kè chưa yên

Người ta bảo đây là làng làm thuê. Nam nữ thanh niên đang dồi dào sức lực thì vào Nam ra Bắc, số còn lại quanh năm quần quật làm thuê cuốc mướn cho… cán bộ lâm trường!

Góc khuất của làng

Anh Lê Văn Hùng - Xóm phó kiêm Trưởng công an xóm Hợp Thành (được tách ra một phần từ xóm Bãi Kè) vừa dẫn tôi đi thăm làng vừa bảo: "Nhà em cũng có 1,3 ha trồng keo, nguồn gốc của đất là em tự khai hoang vỡ hóa từ đồi trọc, cây giống, nguồn vốn, công chăm sóc, tất cả là do gia đình tự bỏ ra.

Đến nay em định sẽ tự quyết định quyền thu hoạch thì Lâm trường (LT) Đồng Hợp bảo em đã ký hợp đồng trồng rừng với LT. Em cam đoan là chưa bao giờ ký hợp đồng trồng rừng với LT cả".

Nói rồi Hùng đưa tôi một lá đơn “Đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam giúp đỡ làm rõ sự việc để bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Căn nhà mà Hùng đưa tôi tới đầu tiên nằm sát bên đường liên thôn. Gọi là nhà 2 gian phía trên có lợp prô xi măng, nhưng xung quanh chỉ được che chắn bởi các tấm phên thưa thớt gió lùa. Một lúc thấy một đứa bé ôm cặp sách nhàu nát thất thểu mở tấm phên che cửa bước vào.

Hùng bảo: Đây là Phạm Văn Thành, 11 tuổi, con của vợ chồng anh chị Phạm Văn Thảo, Nguyễn Thị Loan. Cháu đang học lớp 6, dưới Thành còn có em gái là Phạm Thị Xuân, 7 tuổi, học lớp 2.

Nhìn căn nhà trống hoác, tôi hỏi đứa bé: Bây giờ đã 12 giờ trưa rồi, bố mẹ đi làm chưa về, vậy cháu ăn gì? Thành bảo: Dạ, cháu ăn cơm nguội lúc sáng còn để lại. Vậy em cháu đi đâu? Dạ, bố mẹ gửi em ở nhờ hàng xóm. Anh Hùng bảo: Nhà này không có đất sản xuất nên ngày nào vợ chồng cũng phải dậy từ sáng sớm để đi làm thuê, mãi tới tối mịt mới về.

Nằm kề bên nhà của vợ chồng anh Thảo là nhà ông Luyện Văn Dục. Phía trên cũng lợp prô xi măng, xung quanh thưng phên nứa rách tơi tả. Thấy tấm phên che kín cửa, Trưởng công an xóm ngó vào một lúc rồi bảo: Nhà này chỉ có hai ông bà, ông thì đã già 70 tuổi, nên chỉ biết trông chờ vào sức lao động đi làm thuê của vợ là Hồ Thị Thuận, ngoài 50 tuổi.

Cách nhà ông Dục không xa, một tốp phụ nữ khi thấy tôi dương máy ảnh lên chụp thì vội kéo nhau ra đường. Chị nào cũng tíu tít mời chúng tôi vào nhà để nghe kể chuyện. Chị Luyện Thị Nga than thở: “Vợ chồng em có 5 người con nhưng chỉ có 2 sào đất màu trồng đậu và lạc, thế nên quanh năm ai gọi đi làm thuê việc gì cũng đi”.

Bà Nguyễn Thị Lộc bức xúc: “Tôi năm nay đã 60 tuổi, theo bố mẹ từ huyện Diễn Châu lên đây khai hoang vỡ hóa từ năm 1963, những năm ấy đất đai nào ai quản, chỉ có mênh mông là núi xanh ngút ngát, không ai dám bước chân vào vì hổ gầm và thú rừng.

Phía triền sông ngày ấy chỉ có lau lách và sim mua mọc um tùm, bởi vậy nhà tôi cũng theo dân làng đi phát dọn được 12 ha để canh tác cây màu. Vất vả, nhưng đất chẳng phụ công người, thế nên nông sản thu về, người và gia súc gia cầm ăn không hết…

Thế mà sau khi LT vào đây khoanh vùng theo địa giới quản lý thì gia đình nhà tôi bỗng trở nên tay trắng. Cho tới nay gia đình nhà tôi có 7 người con, chia thành 3 hộ, nhưng chỉ có 3 sào đất ở, còn đất canh tác thì chẳng có lấy một tấc để trồng màu.

Bởi vậy tôi nay đã già, bệnh tật đau ốm liên miên, nhưng quanh năm cũng phải gượng lên để đi làm thuê kiếm sống từng ngày!”.

Vì sao dân khổ?

Cuộc sống của người dân miền núi xưa nay chỉ biết dựa vào rừng. Rừng già cho họ thu hoạch lâm thổ sản, khe suối cho họ cá tôm, và triền đồi quanh năm rộn tiếng hò khoan của dân làng trỉa lúa trồng ngô.

Nhiều cán bộ địa phương bảo với tôi rằng: Nguyên nhân đầu tiên làm cho dân miền núi mất đất ở và canh tác là khi cơ quan địa chính khoanh vùng phân đất rừng cho các LT quản lý là họ chỉ đo vẽ trên bản đồ, chứ không đi điều tra khảo sát địa hình thực tế.

Bởi vậy giữa những bạt ngàn đất đai ấy, họ đã không thấy được sự hiện diện của hàng trăm, hàng ngìn người dân đang sinh sống. Một nghịch lý quan trọng đẩy người dân đến chỗ luôn xung khắc mâu thuẫn với LT là tại sao một LT có vỏn vẹn trên dưới 100 người mà được giao quản lý hàng nghìn ha rừng và đất rừng. Những người này, sau khi được giao đất rừng để sản xuất thì bỗng trở nên giàu có.

Còn hàng trăm hàng nghìn người dân bản địa ở đó từ chỗ tùy sức khai hoang, tùy sức sản xuất thì nay lại trở thành lực lượng đi làm thuê cho những người từ nơi khác đến.

Theo văn bản mà chúng tôi có thì dân Bãi Kè, chủ yếu từ miền xuôi di dân làm kinh tế đến đó khai hoang lập địa từ xa xưa, trong đó có 24 hộ dân sinh sống có nguồn gốc từ năm 1963. Trong khi đó ngày 8/3/1965 Hội đồng Chính phủ mới cấp chứng nhận QSDĐ cho Cty Lâm nghiệp Sông Hiếu (Cty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu sau này) tại QĐ số 31/CP.

Ngày đó chưa có chuyện tranh giành đất đai để ở và canh tác. Nghĩa là ai đến trước làm trước, đất đai muốn khai phá bao nhiêu cũng được, vì rừng núi mênh mông, có ai biết đâu là ranh địa giới.

Đến năm 1989 khi LT Đồng Hợp được thành lập (trực thuộc Cty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu) và ngày 29/8/2003 UBND tỉnh Nghệ An giao QSDĐ cho LT này quản lý sử dụng 5.325,2 ha (trong đó tại xã Đồng Hợp có 869 ha, tại xã Tam Hợp có 728 ha) thì dân mới biết là tỉnh đã cấp luôn cả đất ở và canh tác của mình cho LT.

“Nghịch lý lớn làm cho dân bức xúc là trong khi dân không có đất SX thì các quan lâm nghiệp lại chiếm một diện tích khổng lồ… Thật khó tin điều này nếu không được trực tiếp chứng kiến. Nhân dân Hợp Thành mong muốn tột bậc được sử dụng đất bình đẳng như các thành phần kinh tế khác để tự tin xây dựng cuộc sống dựa vào đất mà đi lên”. (Đơn của xóm trưởng xóm Hợp Thành).

Thế rồi cả trăm hộ dân Bãi Kè đã nổi lên đội đơn đi khiếu kiện khắp nơi. Và chính vì không có sự điều tra hiện trạng cẩn thận trước khi cấp đất cho LT, nên 6 tháng sau khi LT Đồng Hợp được cấp đất, tức là ngày 24/2/2004, tại QĐ số 199/QĐ-UB.DC UBND tỉnh Nghệ An lại QĐ thu hồi 53 ha đất của LT Đồng Hợp.

Trong đó dân Bãi Kè (thuộc xã Đồng Hợp) được cấp 41 ha. Vì dân không đồng tình, lại đơn thư nên 3 năm sau, tại QĐ số 456/QĐ-UBND.ĐC ngày 10/10/2007 UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục thu hồi hơn 83,1 ha đất của LT Đồng Hợp, để giao cho dân Bãi Kè thuộc xã Đồng Hợp hơn 45,7 ha và Hợp Thành của xã Tam Hợp 37,3 ha.

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Hạp, xóm trưởng xóm Hợp Thành và 32 hộ dân đồng ký đơn ngày 4/2/2015 gửi các cơ quan chức năng thì tỉnh thu của LT 41 ha đất giao cho 119 hộ dân để SX không thấm vào đâu.

Còn tại QĐ 456 tỉnh thu 37,3 ha của LT giao cho xóm Hợp Thành thì trong đó đang có 31 ha đất trồng keo của LT, vì họ chưa chặt cây nên kể từ tháng 10/2007 đến nay đã 8 năm rồi, đất thu hồi để giao cho dân vẫn cứ nằm trên giấy. Vậy nên dân không thể nào thoát khổ được.

Bà Hạp còn đưa tôi một tập danh sách cán bộ LT Đồng Hợp có nhiều đất, kèm theo là tên của những người dân trực tiếp làm thuê cho họ: “Ông Bùi Văn Lạng, cán bộ kỹ thuật có 6,8 ha, người làm công là anh Nguyễn Văn Được. Ông Nguyễn Hữu Bính, đội trưởng bảo vệ 7,3 ha, người làm công là Mai Văn Xuyến. Cha và con ông Trịnh Quang Kế, Phó Giám đốc 10 ha, người làm công là Lý Xuân Tuyển. Ông Hồ Thanh Hùng GĐ 6,2 ha, người làm công là Nguyễn Chính Dũng…”.

10-52-21_b-nguyen-thi-loc-60-tuoi-vn-phi-di-lm-thue-cuoc-muon-qunh-nm
Bà Nguyễn Thị Lộc, 60 tuổi, vẫn phải đi làm thuê cuốc mướn quanh năm

Ngoài danh sách này còn có tổ Công an 113 của CA Nghệ An cũng có 15 ha và người làm công là Võ Văn Hùng.

Tiếp đến, dân Bãi Kè còn cung cấp cho phóng viên các hợp đồng cam kết làm thuê, trồng rừng nguyên liệu cho cán bộ chủ chốt ở Cty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (là cơ quan quản lý các LT).

Trong 12 bản cam kết mà chúng tôi đang lưu giữ thấy Trần Hữu Toàn, Chủ tịch công đoàn có 5,4 ha, Nguyễn Thị Huệ có 5,6 ha, Nguyễn Công Hoài - Kế toán trưởng 4 ha. Phó Tổng GĐ Cty Lê Khắc Đồng 3,3 ha… (tổng có 47,5 ha đều ở khoảnh 3, tiểu khu 251).

Theo bản cam kết mà hai bên đã ký kết thì 12 người dân Bãi Kè làm thuê cho các ông chủ này phải: “Tự lo đi lại qua sông (sông Hiếu), nơi ăn nghỉ, tư trang, dụng cụ, bảo hộ và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân”.

Nghĩa là dân làm được cung đoạn nào thì các ông chủ sẽ trả tiền theo cung đoạn đó. Còn nếu có rủi ro như tai nạn lao động, trôi sông đắm đò do đi làm, thì các hộ dân cũng đừng có mà kêu ca !?

Trên đường rời làng quê Hợp Thành và Bãi Kè để trở về phố thị, trời vẫn mù sương. Lẫn trong núi rừng xanh thẳm, tiếng con chim từ quy vẫn cứ kêu khắc khoải. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm