| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi

Thứ Năm 15/03/2018 , 09:11 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp và phát huy những lợi thế của từng vùng, miền, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân.

20-37-56-lon-vietgp20115062747
Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo góp phần phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 - 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Dưới đây là một số mô hình tiêu biểu có hiệu quả, sức lan tỏa tốt góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

1.  Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”

Dự án chuyển giao với quy mô 1.025 bò được vỗ béo và 616 bò cái nền được thụ tinh nhân tạo (TTNT). Địa bàn triển khai tại 8 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT: Phương pháp nhân giống bằng TTNT đã cải thiện được năng suất, chất lượng con lai. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong cả nước nói chung và tại các địa phương triển khai mô hình dự án nói riêng lên 10,25%. Do đã lựa chọn bò cái nền ở độ tuổi từ 3 - 5 lứa đẻ và chọn tinh bò nhập ngoại có năng suất chất lượng cao (BBB, Drouhtmaster, Brahman), hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục để cho tỷ lệ thụ thai cao nên tỷ lệ phối chửa lần 1 khá cao, bình quân đạt 75,3%, khối lượng bê sơ sinh 22,1kg/con. Mỗi con bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 - 5 triệu đồng. Mặt khác, do không phải chi phí nuôi bò đực giống nên hiệu quả mang lại so với chăn nuôi bò địa phương đạt trên 15%.

Mô hình bò vỗ béo: Bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740 gram/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40 gram/con/ngày (tương ứng 5,7%). Bò tăng trọng nhanh, lại có giá bán cao hơn bò nội nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 14,8% so với chăn nuôi truyền thống. Đến tháng 12/2017 dự án đã có sự tham gia của 184 hộ với quy mô 674 con.

2. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên”

Dự án đã chuyển giao với quy mô 1.640 đàn ong, trong đó 600 đàn ong ngoại và 1.040 đàn ong nội tại Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La. Năng suất ong ngoại đạt bình quân 41,5kg/đàn, ong nội đạt bình quân 18,3kg/đàn. Sản phẩm mật ong có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13,8%. Đến nay, dự án đã nhân rộng được trên 1.000 đàn ong mới, thu nhập bán giống và mật đạt doanh thu ban đầu từ 15 - 35 triệu đồng/hộ.

3. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”

Năm 2017 đã có 72 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận, trong đó 14 cơ sở chăn nuôi lợn và 58 cơ sở chăn nuôi gà với quy mô 1.167.000 con gia súc, gia cầm.

Kết quả của dự án đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định và Thái Bình.

Dự án đã kiện toàn và thành lập mới 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng tại các cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình đạt 100%. Mô hình của dự án đã trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn.

4. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ”

Dự án đã xây dựng 6 mô hình với 12 điểm trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long với quy mô 24 lợn đực giống và 120 lợn nái. Dự án chuyển giao lợn đực giống có năng suất cao như giống Duroc, YL, Pidu… thông qua công tác TTNT, tỷ lệ thụ tinh đạt từ 80 - 86% đã tạo ra đàn lợn có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, năng suất các mô hình trong dự án cao hơn lợn nái đang chăn nuôi tại địa phương. Số con sơ sinh/nái lứa đầu đạt 11,28 - 12 con. Khối lượng lợn con sơ sinh đạt 1,23 - 1,25kg/con. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng từ 15 - 18%. Dự án đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

5. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất, chất lượng, an toàn sinh học”

Dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn với quy mô 40.740 con gà Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai thương phẩm. Đây là các giống được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt trong chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt 94,5%, khối lượng cơ thể 2kg/con.Dự án đã giúp nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ trong địa bàn triển khai.

Thông qua hoạt động của các dự án khuyến nông chăn nuôi, hàng nghìn nông dân đã được học tập kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Với kết quả đạt được, hoạt động khuyến nông chăn nuôi sẽ tích cực đổi mới và triển khai hiệu quả, giúp người chăn nuôi áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn.

 

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.