| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 3 năm

Thứ Năm 04/01/2018 , 07:25 (GMT+7)

Năm 2017, tổng giá trị SX toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,16%, GDP nông lâm thủy sản tăng ở mức 2,9% so với năm 2016. 

15-52-42-ruqu161544786
Ngành trồng trọt, nhất là rau quả XK đang có nhiều chuyển biến tích cực

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh phải hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề cùng nhiều thách thức lớn về thị trường.
 

Trồng trọt vượt kế hoạch

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị SX toàn ngành nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17% và thủy sản tăng 5,89%. GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9% (so với mức 2,95% năm 2013; 3,9% năm 2014; 2,6% của năm 2015 và 1,44% năm 2016).

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai, tuy nhiên, trồng trọt là lĩnh vực đã tạo được nhiều chuyển biến trong năm qua. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức SX; khuyến khích phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết SX theo chuỗi giá trị... tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu SX ngành trồng trọt tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao... Nhờ đó, giá trị SX trồng trọt đã tăng 2,23% so với năm 2016, vượt mục tiêu so với kế hoạch đề ra (2%).

15-52-39_bieudo1

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2017, với tổng số khoảng 185,7 nghìn ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cộng thêm với thiệt hại do thiên tai, diện tích lúa cả năm chỉ đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha; sản lượng lúa ước đạt 42,84 triệu tấn, giảm khoảng 318,3 nghìn tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, các loại cây lương thực như ngô cũng giảm trên 52 nghìn ha và 114,6 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại diện tích, sản lượng nhiều loại rau màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn trái có thị trường tiêu thụ tốt tăng mạnh.

15-52-39_bieudo2

Cụ thể, diện tích rau các loại đạt 937,3 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (3,5%). Diện tích cà phê đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 51,9 nghìn tấn (4,7%); hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn (11,6%). Đặc biệt, diện tích cây ăn quả ước đạt 923,9 nghìn ha, tăng 52,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 9.478,9 nghìn tấn, tăng 555,9 nghìn tấn (6,2%)... Xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha với nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, rau đậu các loại). Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha SX lúa theo mô hình cánh đồng lớn với các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường (như VietGAP, Global GAP...) được phổ biến nhân rộng...
 

Thủy sản quyết vượt khó

Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh.

15-52-39_xk
Thủy sản vượt khó ấn tượng trong năm 2017

Điểm khởi sắc trong năm 2017 của ngành thủy sản, đó là việc khôi phục SX sau sự cố môi trường biển miền Trung đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thương mại thủy hải sản ở khu vực này đã cơ bản lấy lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và XK hải sản nước ta trong năm 2017 lại vấp phải khó khăn do EC ban hành "thẻ vàng" về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) áp dụng với DN Việt Nam.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về IUU; đồng thời hoàn thiện Luật Thủy sản trình Quốc hội phê duyệt để có quy định pháp lý cao nhất điều chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU-Fishing; xây dựng chương trình truyền thông về khai thác IUU nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về khai thác hải sản...

Tại buổi họp báo tổng kết 2017 của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khẳng định, mục tiêu trong năm 2018, ngành thủy sản phải bằng mọi biện pháp trước hết không để EU rút "thẻ đỏ”, tiếp tục duy trì trạng thái thẻ vàng, từ đó triển khai các giải pháp khắc phục.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2017, giá trị SX ngành lâm nghiệp ước tăng 6,6%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt 7.974 triệu USD, vượt 5% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với năm 2016. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc dự báo năm 2017 đạt 41,45%. Trồng rừng tập trung đạt 235.028ha, bằng 102,4% kế hoạch, đạt 100,9% so với năm 2016, trong đó trồng rừng SX 212.329ha (trồng mới 79.538ha, trồng lại sau khai thác 132.791ha), đạt 111,7% kế hoạch năm, bằng 107% so với năm 2016. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt khoảng 18 triệu m3, vượt 6% so với kế hoạch năm 2017, tăng 4% so với năm 2016. Ước cả năm; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11,5 triệu m3, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ... Dịch vụ môi trường rừng cả năm thu được 1.675,581 tỷ đồng, đạt hơn 102% kế hoạch năm 2017, bằng 130% so với năm 2016.

 

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam doanh thu đạt đỉnh 3 năm liên tiếp

HÀ NỘI Năm 2024 đánh dấu 3 năm liên tiếp (từ 2022-2024) Vinachem đạt doanh thu cao kỷ lục, ước đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 3% so với kế hoạch và 1% so với 2023.